Tâm sự về “thu nhập” của giáo viên mầm non ngoài biên chế

24/04/2022 14:48

Theo dõi trên

Trước thực tế đời sống của giáo viên mầm non nói chung và giáo viên mầm non hợp đồng nói riêng còn nhiều khó khăn, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã có những quan tâm, hỗ trợ kịp thời, qua đó động viên giáo viên hợp đồng gắn bó với trường lớp,từ đó góp phần ổn định đội ngũ, nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.

dt1-2022-04-21t173523339-1650537746-1650786393.jpg
Cô giáo Tô Thị Thịnh, Trường Mầm non Chuế Lưu chia sẻ với PV 

Sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non năm 2015, cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền được nhận vào dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Minh Côi, huyện Hạ Hòa với mức lương khởi điểm 1,5 triệu đồng/tháng. Mức lương hạn hẹp phải chắt chiu mới đủ chi tiêu, vậy nhưng cô giáo Huyền vẫn giành thời gian, tiền bạc để học lên bậc Đại học với mong muốn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Chị Huyền chia sẻ: “Đã có lúc tôi dao động muốn nghỉ dạy để xin đi làm việc khác với mức thu nhập cao hơn. Vậy nhưng được lãnh đạo trường, đồng nghiệp động viên, lại thêm “quyến luyến” nghề nên tôi vẫn cố gắng bám trụ. Rất phấn khởi cho chúng tôi khi đầu năm 2022, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, thu nhập của giáo viên mầm non đã được nâng mức 3,5 triệu đồng/tháng (đã được đóng bảo hiểm xã hội). Đây là nguồn động viên lớn để chị em chúng tôi tiếp tục “bám trường, bám lớp”.

Năm học 2021 - 2022, Trường Mầm non Minh Côi có tổng số 14 giáo viên, trong đó có 7 giáo viên hợp đồng. Cô giáo Nguyễn Thị Tứ Điền - Hiệu trưởng cho biết: Những năm học trước, thu nhập giáo viên hợp đồng chỉ được khoảng 1,6 triệu đồng/tháng. Đời sống giáo viên rất khó khăn. Nhưng nay nhờ ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ, cộng thêm Trường trích từ nguồn học phí và tiền thu thỏa thuận để chi trả cho giáo viên nên thu nhập đã cải thiện đáng kể. Điều này giúp họ yên tâm công tác hơn, nỗ lực hơn trong công việc.

Làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày, chịu nhiều áp lực song các giáo viên mầm non hợp đồng lại nhận về đồng lương ít ỏi nên có thời điểm đã một số giáo viên hợp đồng xin nghỉ việc, điều này ảnh hưởng phần nào đến công tác dạy và học. “Trường Mầm non Chuế Lưu có tổng số 123 học sinh với 7 nhóm lớp; 21 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 6 giáo viên hợp đồng. Trước kia, chế độ lương của giáo viên mầm non hợp đồng khá eo hẹp. Trong khi đó áp lực công việc của họ lại lớn bởi ngoài giảng dạy, các cô còn phải chăm sóc, quan tâm đến chế độ ăn nghỉ, dinh dưỡng cho trẻ. Để trường “giữ chân” giáo viên, ngoài đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định, trường thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để các giáo viên hợp đồng tham gia các phong trào thi đua, các chương trình tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ”, cô giáo Lê Thị Hồng Gấm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chuế Lưu chia sẻ.

Cô giáo Tô Thị Thịnh - giáo viên Trường Mầm non Chuế Lưu tâm sự: "Đầu năm 2022, thu nhập của tôi tăng lên mức 3,5 triệu đồng/tháng. Mặc dù vẫn còn những khó khăn song điều này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đội ngũ giáo viên mầm non ngoài biên chế nói riêng và đối với giáo dục mầm non nói chung. Bởi vậy nên chị em chúng tôi rất phấn khởi. Cuộc sống đỡ vất vả hơn và có thêm động lực để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục quê nhà".

dt2-2022-04-21t173554648-1650537819-1650786460.jpg
Cô và trò Trường Mầm non Minh Côi.

Ông Phạm Ngọc Diễm - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa cho biết: "Huyện Hạ Hòa có 28 trường mầm non với 251 nhóm, lớp (3 nhóm trẻ tư thục, 39 nhóm trong các cơ sở giáo dục công lập; 209 lớp mẫu giáo. Tổng số có 518 giáo viên (trong đó biên chế là 326 giáo viên; hợp đồng huyện là 197 giáo viên). Trước thực tế mức thu nhập của giáo viên hợp đồng bậc mầm non còn thấp, Phòng GD&ĐT phối hợp với phòng Tài chính đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm tạo cơ chế hỗ trợ. Từ đầu năm 2022, ngoài ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngân sách huyện bố trí hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Như vậy, giáo viên hợp đồng có bằng Trung cấp được hỗ trợ 3.100.000 đồng, bằng Cao đẳng 3.300.000 đồng; Đại học là 3.500.000 đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện. Đồng thời từ nguồn học phí của các trường, huy động nguồn đóng góp thỏa thuận xã hội hóa để có kinh phí chi trả cho giáo viên hợp đồng, nhờ đó thu nhập của giáo viên đã tăng lên 3,5 - 3,8 triệu đồng/tháng (đã trừ bảo hiểm xã hội). 3 tháng nghỉ hè, giáo viên hợp đồng vẫn được hưởng lương như giáo viên trong biên chế. Các chế độ chính sách của giáo viên hợp đồng đều được bảo đảm.

Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND quy định quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây sẽ là hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các trường trong thực hiện các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có chi trả cho việc trông trẻ ngoài giờ đối với giáo viên mầm non.

“Thu nhập ổn định sẽ góp phần nào bảo đảm đời sống cho các giáo viên mầm non theo chế độ hợp đồng lao động. Đây cũng là giải pháp tích cực để động viên tinh thần giáo viên mầm non hợp đồng - đội ngũ chiếm gần 38% tổng số giáo viên mầm non của toàn huyện; từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ trên địa bàn huyện”, ông Phạm Ngọc Diễm - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa khẳng định./.

Đình Thơm
Bạn đang đọc bài viết "Tâm sự về “thu nhập” của giáo viên mầm non ngoài biên chế" tại chuyên mục Xã hội. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.