Tái hiện Lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Mảng tại “Ngôi nhà chung”

04/09/2015 08:08

Theo dõi trên

Chiều ngày 03/9, trong khuôn khổ các hoạt động mừng Quốc khánh 02/9, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Mảng tỉnh Lai Châu đã tái hiện Lễ vào nhà mới một cách linh thiêng và ý nghĩa.

Người Mảng quan niệm rằng lên nhà mới ngày đẹp nhất là ngày con ngựa sau đó đến ngày con rồng, con dê, con gà. Đặc biệt kiêng ngày mất của bố mẹ, ông bà chủ nhà; ngày sinh, năm sinh của ông chủ nhà; ngày con hổ; tránh cả ngày mất của người vợ hoặc người chồng đã qua đời của mình. Lên nhà mới của người Mảng thường tiến hành vào buổi sáng, họ cho rằng buổi sáng là dương, tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển.

Già làng Lò A Xoang (bản Nậm Xảo 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cho biết: Vào nhà mới hai vợ chồng chủ nhà đi đầu, các con cháu người mang chăn đệm, người mang dụng cụ nấu nướng, và vật dụng sinh hoạt của gia đình đặt vào vị trí đã định. Chủ nhà đi đầu tay cầm tên, nỏ, vai khoắc chài, vợ chủ nhà địu chiếc hòm mây đựng tài sản quý giá của gia đình. Họ cùng nói: “Vào nhà mới mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt nhé”.

Tiếp theo đó, bà chủ nhà nhóm lửa đồ xôi, khi đặt chõ đồ xôi lên bếp, bà chủ nhà khấn xin ma nhà (tổ tiên, ông bà) phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, đông con, nhiều cháu. Con cháu sinh ra có đủ trai, đủ gái, làm ăn gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu.

Sau đó ông chủ nhà cùng các con trai đun nước mổ lợn gà để làm lễ. Trước khi cắt tiết con vật lễ, ông chủ nhà cầm dao đặt lên cổ lợn, gà khấn vái việc mổ lợn, gà vào nhà mới, mời tổ tiên, ông bà (ma nhà) về ăn cỗ và phù hộ cho con cháu những điều may mắn, tốt lành. Theo quan niệm của người Mảng khấn mời và cầu xin lúc này ma nhà đã về hưởng lễ từ lúc lễ sống rồi. Ma nhà sẽ báo cho biết mọi điều tốt – xấu, may – rủi của gia đình vào gan lợn, chân gà, đầu gà. Khi xôi chín bày ra mẹt là ma nhà cũng ăn luôn rồi nên không bày mâm lễ chín để cúng một lần nữa.

Gà luộc chín, chặt ra để riêng đầu và hai cẳng chân, đặt trên mâm trước mặt ông chủ nhà để xem. Cũng như xem gan lợn, việc xem chân và đầu gà là để gia chủ biết điều tốt lành mà vui mừng; biết điều rủi, điều xấu mà tránh hoặc làm lễ giải hạn.

Sau đó tất cả anh em, con cháu, hàng xóm cùng uống rượu, hát những bài hát mừng nhà mới, hát những bài dân ca sinh hoạt, dân ca lao động, sản xuất mừng chúc gia chủ.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi lễ tái hiện:



 
Chủ nhà làm lễ đuổi tà ma trước khi dọn vào nhà mới.



Các con cháu của chủ nhà mang dụng cụ sinh hoạt vào nhà mới.



Cả gia đình cùng nhau uống rượu mừng buổi lễ thành công...



... Hát múa mừng vào nhà mới.

Theo  Kim Nương (Làng Việt Online)

Bạn đang đọc bài viết "Tái hiện Lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Mảng tại “Ngôi nhà chung”" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.