Phủ thờ và những giai thoại ly kỳ về Phật Trùm

02/12/2021 21:59

Theo dõi trên

Giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người dân ở đồng bằng sông Cửu Long và người dân Campuchia truyền miệng về một vị Phật sống giáng thế cứu độ nhân gian ở ấp Sà Lôn (Nay là xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Từ khắp nơi người ta kéo nhau đến chiêm bái vị Phật sống. Ngày nay di tích vẫn còn hiện hữu.

Ấp Sà Lôn là một khu dân cư của người dân tộc Kh'mer. Đầu con đường dẫn vào ấp là chiếc cổng chào to đùng xây theo kiểu mái chùa Kh'mer. Bên cạnh chiếc cổng là một căn tha la. Với người Kh'mer, tha la là một căn chòi nhỏ luôn cất cạnh những chiếc cổng để dành cho khách bộ hành nghỉ chân, tránh nắng hoặc ngủ qua đêm nếu lỡ đường.

cong-phu-tho-1638424704.jpg
Cổng Phủ thờ

Gần cuối con đường là một chiếc cổng chào xây theo kiểu cổng đình Việt xưa. Tuy nhiên, 2 "cánh gà" của chiếc cổng là tượng rắn thần Naga - linh thần của tín ngưỡng Kh'mer. Trên chiếc cổng có tấm biển xi măng nền vàng vẽ hàng chữ đỏ bằng song ngữ Kh'mer - Việt: Phủ thờ Tà Ponl.

Sau chiếc cổng là một ngôi nhà đúc mái nhọn lợp tôn giả ngói, tường xây phẳng. Ngôi nhà không theo một trường phái kiến trúc nào cả mà chắp vá, lai tạp theo kiểu có tiền bao nhiêu xây bấy nhiêu.

Nội thất ngôi nhà chia làm 3 gian thờ. Tiền điện là bàn thờ Phật tổ Thích Ca. Chánh điện là bàn thờ có di ảnh "đức Phật Trùm". Hậu điện là bàn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Phật Địa Mẫu, Phật Quan Âm và bàn thờ một số vị tiền hiền (có lẽ là thủ từ quá cố). Ở phần hậu điện còn có một ụ đất gò mối cỡ bằng chiếc mâm được bảo vệ bằng lồng kính giống như kiểu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật. Chỉ có điều, "hiện vật" này có thêm bát hương và chiếc thùng xin "tiền công đức".

Phật Trùm Tà Ponl còn được gọi là ông "đạo gò mối" hoặc ông "đạo đèn". Căn cứ vào những tài liệu nghiên cứu về tôn giáo Nam bộ thì Phật Trùm có tên thường gọi là Tà Pol nhưng trên cổng phủ thờ lại ghi là "Tà Ponl", trên bia mộ lại ghi là "Tà Pônh".

tam-bien-tren-cong-phu-tho-1638424764.jpg
Tấm biển trên cổng Phủ thờ

Nhiều nguồn cho rằng ông sinh năm 1868 nhưng không rõ ngày tháng. Trong quyển "Bonzes, pagodes et Sociétés Secrètes en Cochinchine" xuất bản năm 1928 của nhà nghiên cứu Pháp Coulet có đoạn ghi chép về Phật Trùm. Tài liệu này không rõ năm sinh của ông nhưng có đoạn ghi rằng năm 1866 ông bị bệnh năng. Nếu tài liệu của tác giả Coulet chính xác thì Phât Trùm không thể sinh vào năm 1868. Những hậu duệ của Phật Trùm đang gìn giữ phủ thờ cũng không biết chính xác ông sinh năm nào.

Nhà nghiên cứu Nam bộ Nguyễn Văn Hầu có dành hẳn 1 chương viết về Phật Trùm trong quyển "Thất Sơn mầu nhiệm", xuất bản trước năm 1975. Nguyễn Văn Hầu cho rằng, ông Pol (tạm gọi như thế - PV) là người Việt Nam thuộc dân tộc thiểu số Kh'mer, sinh ra và lớn lên tại làng Sà Lôn. Do nhà nghèo nên ông không đi được đi học, hoàn toàn không biết chữ và chỉ sống bằng nghề làm thuê vặt. Năm 1866, ông Pol đột ngột bị bệnh nặng, hôn mê suốt mấy ngày rồi chết. Mọi người đang chuẩn bị mọi thứ cho tang lễ thì đột ngột ông Pol sống dậy và tự xưng là Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên tái sinh.

Trong đạo sử hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương kể rằng, năm Mậu Thìn (1868), quanh vùng Tà Lơn nhân dân bị bệnh dịch và chết vô số. Khi ấy ngài cũng mang bệnh rồi chết. Về đêm, gia quyến ngài định quàn lại sáng hôm sau sẽ đem ra hỏa táng, không ngờ trời rạng đông, ngài tự nhiên sống lại và đi đứng mạnh giỏi như thường. Nhiều người Campuchia thấy vậy xúm lại mừng rỡ hỏi thăm, Ngài không trả lời bằng tiếng Kh’mer mà chỉ nói tiếng Việt. Ngài còn bảo vợ con từ nay hãy ăn ở nói năng theo phong tục người Việt. Vài hôm sau, ngài bắt đầu nói giọng nửa hư nửa thực, hỏi tại sao thì ngài trả lời bằng hai câu thơ rằng :

Ở đời hạ giới yêu ma,

Phật cho Thầy xuống để mà giảng dân.

Tuy là phần xác của Miên,

Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.

Từ ấy Ngài bắt đầu trị bá bệnh. Tiếng đồn vang dội khắp nơi, thiên hạ đến để bái sư cầu đạo mỗi ngày một đông không xiết kể.

chan-dung-phat-trum-1638424861.JPG
Chân dung Phật Trùm

Đó là thời điểm căn cứ kháng Pháp của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang đang chiêu mộ nghĩa sỹ yêu nước và Quản cơ Trần Văn Thành cùng Bổn sư Ngô Tự Lợi - Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đang xây dựng hệ thống căn cứ kháng chiến chống Pháp ở Láng Linh - Bãi Thưa. Ngô Tự Lợi và Trần Văn Thành đều là đồng môn của Đức Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên - Người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Điều lạ là sau khi khỏi bệnh, ông không "dốt" nữa mà biết làm thơ răn đời và rao giãng giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương bằng tiếng Việt. Ông bắt đầu trổ tài trị bệnh cho dân nghèo bằng cách dùng sáp ong đốt lên cho bệnh nhân ngửi hơi khói. Vậy mà nhiều người hết bệnh nên ông được dân trong vùng gọi là ông "đạo đèn".

Thỉnh thoảng, ông cũng rời làng Sà Lôn đi bộ hàng trăm cây số đường rừng núi để lên núi Tà Lơn (ngày nay là núi Bokor, thành phố Kampot, Campuchia) tu luyện.

Có tài liệu cho rằng, thật ra ông là người qui tựu lực lượng dân tộc Kh'mer hậu thuẫn cho nghĩa quân Trần Văn Thành. Mục đích ông sang Tà Lơn để tìm vị trí xây dựng căn cứ bí mật đề phòng căn cứ Láng Linh - Bãi Thưa bị vỡ. Nhờ vậy, sau này, khi căn cứ Láng Linh - Bãi Thưa bị vỡ, Trần Văn Thành tử trận, ông Cử Đa - Một phó tướng, cố vấn quân sự cho Trần Văn Thành và Ngô Tự Lợi đã đào thoát sang Tà Lơn có chỗ ẩn trú một thời gian. Nếu cho rằng ông Cử Đa là người khai hoang cất chùa ở núi Bokor thì Phật Trùm chính là người dọn mở phi lộ.

Khi căn cứ Láng Linh - Bãi Thưa bị vỡ, ông bị Pháp truy lùng. Để ẩn tránh, ông trở về làng Sà Lôn khoét lỗ trong một ụ mối ngoài đồng vắng để ẩn trú. Vì vậy, có người gọi ông là ông đạo "gò mối".

ban-tho-phat-trum-1638424894.jpg
Bàn thờ Phật Trùm

Năm 1873, khi căn cứ kháng chiến của Ngô Tự Lợi và Cử Đa ở Núi Dài bị thất thủ trước sức tấn công khủng khiếp của quân Pháp, ông bị bắt cầm tù. Trong thời gian 2 năm bị giam cầm, ông bị cai ngục buộc chăn heo để làm nhục. Vì không có chứng cứ qui kết ông có liên quan đến phong trào kháng chiến, Pháp đành thả nhưng ông cấm hành đạo và phải trình diện hàng tuần.

Trong quyển Thất Sơn nhiệm mầu, tác giả Nguyễn Văn Hầu viết rằng: “Một hôm, Ngài cho vợ con, tín đồ biết trước rằng sẽ về cõi Phật, thế rồi Ngài bỏ nhà lên núi mà không trở về. Sau mấy hôm đến ngày trình diện mà không thấy Ngài đến, quân Pháp cho lính vào tận sóc Lương Phi tìm kiếm, và khi nghe nói Ngài đã tịch rồi, họ nhứt định cho là nói dối, bèn bắt hết cả vợ con của Ngài giải về Châu Đốc hoặc phải có mặt Ngài thì họ mới thả vợ con ra.

Trước tình trạng rắc rối ấy, có người tín đồ trung thành của Ngài tên là Việm, hết lòng nguyện vái rồi lặn lội lên vùng Thất Sơn để tìm Ngài mà cầu xin giải cứu. Sau mấy hôm tìm kiếm hết sức vất vả, ông Việm mới gặp được Ngài đang ngồi trong hang đá trò chuyện với những bậc thánh nhân ở cõi trên. Thấy ông Việm đến, chưa đợi ông nầy tường thuật Ngài tự nhiên đã biết chuyện. Ngài bảo ông Việm hãy về trước rồi Ngài sẽ theo sau và dặn rằng Ngài chỉ ráng độ cho một phen nầy, sau không còn Ngài thì tự lo liệu lấy. Khi về đến nhà, Ngài bảo tín đồ đóng cho một cái hòm rồi tự mình trải vào một cái khăn bằng vải rất rộng, xong Ngài nằm trong đó sai người đậy nắp lại cẩn thận, rồi đi báo cho Pháp hay.

phan-mo-phat-trum-1638424929.jpg
Phần mộ Phật Trùm

Được tin đã kiếm được xác Ngài, quân Pháp kéo vào xem xét nhưng họ chưa tin rằng chết thiệt, bảo cứ gác nắp hòm rồi để đó, vài ba ngày thì họ vào một lần để mở ra khám nghiệm. Sau khi đã khám nghiệm đủ cách mà vẫn không thấy Ngài còn có chút gì là người sống, mặc dầu xác vẫn không hôi thối, nhà cầm quyền Pháp bèn thả hết vợ con Ngài ra rồi ra lệnh đem chôn Ngài trước mặt cho họ trông thấy. Từ ấy về sau, Ngài không còn trở về nhà nữa. Nhưng thỉnh thoảng Ngài có hiện cho người ta xem thấy Ngài còn lảng vảng trong vùng Thất Sơn”.

Còn tác giả Coulet thì kể rằng: “Vừa ra khỏi tù, ông định đào thoát sang Tà Lơn. Trước khi đi, ông bảo người thân đi báo tin cho cò Pháp là ông đã chết đột ngột vì bệnh. Tên cò Pháp không tin ông chết nên bảo rằng sẽ đến nhà xem đám ma của ông. Nghe người nhà về báo lại, ông mua quan tài về rồi chui vào nằm. Tên cò Pháp gian ác đến nơi mở quan tài ra khám. Biết ông giả vờ chết, tên cò Pháp đã buộc người nhà ông đem quan tài đi chôn ngay. Sau khi chôn xong, tên cò Pháp cắt cử người canh ngôi mộ ông suốt mấy ngày. Thế là ông chết thật dưới nấm mộ đó”

Ngày 13 - 03 (âm lịch) năm 1875 được xem là ngày ông viên tịch.

Hiện nay, ngôi mộ ông vẫn còn tọa lạc cách phủ thờ khoảng 300 mét trên sườn núi Sà Lôn.

toan-canh-nha-mo-ho-toc-cua-phat-trum-1638425095.jpg
Toàn cảnh nhà mồ học tộc của Phật Trùm

Dù hiểu theo nghĩa tín ngưỡng hoặc phi tín ngưỡng, Phật Trùm cũng là một biểu tượng của phong trào kháng chiến chống Pháp xâm lược, mưu cầu độc lập của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngôi phủ thờ, mộ phần và cả những giai thoại về ông cần được nghiên cứu, bảo tồn một cách khoa học./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Phủ thờ và những giai thoại ly kỳ về Phật Trùm" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.