Phù điêu trên nhà làng Cơ Tu

09/09/2015 08:06

Theo dõi trên

Phù điêu nhà gươl tái hiện bức tranh muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên xung quanh và cuộc sống bản làng. Những hoạ sỹ dân gian dân tộc Cơ Tu với trí tưởng tượng phong phú, gần như dốc hết tài năng, tâm huyết, đam mê của mình, góp phần tạo dựng đường nét thẩm mỹ cho ngôi nhà của cộng đồng bằng những bức phù điêu sống động.

Bức tranh cuộc sống sinh động

Nhà gươl là nơi lưu giữ, truyền đạt tri thức bản địa liên quan đến đời sống tộc người như lao động sản xuất, săn bắn hái lượm, tín ngưỡng, lễ hội... của cộng đồng. Trên xà nhà, tấm ván thưng, cột r’măng, cột phụ... là nơi lý tưởng để các họa sỹ Cơ Tu thả hồn bay bổng với những tác phẩm tạo hình. Nền của phù điêu là tiết diện phẳng của tấm gỗ nằm ngang hoặc dựng đứng và thường để nguyên màu gỗ tự nhiên. Đối tượng được nghệ nhân dân gian miêu tả chính là hình tượng con người, thế giới thiên nhiên và cuộc sống xã hội, tạo nên những bức tranh đa dạng.



Cảnh sinh hoạt hàng ngày.

Sinh hoạt lễ hội cộng đồng luôn là đề tài chủ đạo mà tranh dân gian tập trung phản ánh. Người phụ nữ múa quanh cây nêu, quanh con trâu trong lễ hiến tế thần linh được miêu tả cô đọng, giàu cảm xúc với những cung bật khác nhau. Hình tượng người phụ nữ múa (da dắ) xen giữa hình tượng người đàn ông nhảy hội (tân tung) với vũ khí trên tay, người thì trong tư thế chuẩn bị đâm trâu, người múa võ, xen vào đó là hình tượng cây nêu, con trâu, điểm xuyến thêm những hoa văn, hoa lá, trời mây... làm cho bức phù điêu trở nên sống động.

Những ngôi nhà làng ở vùng cao như Pơ Ning, Làng Văn hóa truyền thống Cơ Tu (Tây Giang), thôn Vinh (Nam Giang), các bức tranh màu phối hợp với phù điêu chiếm vị trí nổi bật, hầu như nơi nào có “mặt bằng” thì nơi đó có phù điêu và tranh vẽ. Điều thú vị là bên cạnh các bức phù điêu mô tả động thực vật, núi non, sông suối, cuộc sống lao động hàng ngày như dệt vải, giã gạo, trỉa lúa... nghệ nhân Cơ Tu còn khắc hoạ trong ngôi nhà làng những hình ảnh của quá khứ như những nhân vật trong truyện cổ, truyền thuyết dân gian với cảnh chàng trai tay không bắt voi, bắt rồng; thuỷ quái, cô gái mình người đuôi cá giống như nàng tiên cá; các trò chơi dân gian đã thất truyền như trò đâm củ nâu, xỏ vòng mây, đấu vật...

Trong những tác phẩm điêu khắc gỗ trang trí ở nhà làng thì ta thường tìm thấy những con vật thân yêu gần gũi với cuộc sống của con người như con trâu, con gà trống...

Hình ảnh của con trâu trong lễ hội được các nghệ nhân Cơ Tu miêu tả khá ấn tượng. Bởi con trâu là đối tượng nghệ thuật đầy cảm hứng của nghệ sĩ dân gian dành để trang trí cho ngôi nhà làng thêm xinh đẹp, ấm cúng, trang trí nơi nhà mồ để an ủi người quá cố. Với người Cơ Tu, con trâu và cặp sừng của nó còn là biểu tượng cho sự hoàn hảo, mong ước vươn đến cuộc sống an lành, giàu sang, no ấm.

Con gà gắn bó mật thiết với người Cơ Tu, cả trong đời sống vật chất thường nhật lẫn sinh hoạt lễ nghi; là vật hiến sinh không thể thiếu, tạo nên các mối quan hệ tâm linh giữa con người với các thế lực siêu nhiên; con vật báo hiệu sự chuyển đổi thời khắc ngày và đêm. Ở làng, hình ảnh chú gà trống (a tưch) thể hiện ngay trên tấm “ga râm” (tấm ván thưng ở trước gươl) hay trên Drươp (đầu hồi gươl) là biểu tượng của cuộc sống ấm no, thanh bình.




Lễ hội ăn trâu.
Để di sản tộc người không bị mai một

Từng nhát đục vẹn nguyên như hơi thở. Người nghệ sĩ của làng lao động tận hiến cho vốn văn hóa đặc sắc ấy ngày thêm bền chặt như tạc vào dãy Trường Sơn một niềm tin, một sức mạnh cộng đồng trường tồn mãi mãi. Chính những đôi tay chắc khỏe như gỗ rừng vẫy vùng dọc ngang khắp nương rẫy lại có dịp chuyển tải những cung bậc cảm xúc qua từng nhát đục tạo nên tác phẩm tạo hình mang đậm sắc thái, hồn cốt của tộc người.

Trong những năm gần đây, phong trào phục dựng nhà làng truyền thống được phát động ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Đồng bào tích cực hưởng ứng bằng cách đóng góp vật liệu, công sức xây dựng. Những nghệ nhân giỏi mang hết vốn liếng, năng khiếu tạc tượng, chạm trổ phù điêu của họ để làm đẹp cho ngôi nhà cộng đồng. Qua đó, các nghệ nhân có dịp truyền dạy cho lớp trẻ bằng cách “cầm tay chỉ việc”, biến những khúc cây, tấm gỗ vô hồn thành tác phẩm nghệ thuật. Các huyện miền núi như Tây Giang, Nam Giang đã sáng kiến tổ chức các hội thi điêu khắc dành cho nghệ nhân. Đó là những nỗ lực để làm cho di sản tộc người không bị mai một, gìn giữ, trao truyền, tiếp nối truyền thống mỹ thuật cổ truyền của các thế hệ đi trước cho thế hệ trẻ. Các cuộc thi đã đánh thức tiềm năng nghệ thuật to lớn còn tiềm ẩn trong đồng bào. Đây là cơ hội tốt để điều tra, nắm danh sách nghệ nhân dân gian, kiểm kê di sản điêu khắc gỗ - một loại hình nghệ thuật độc đáo của đồng bào Cơ Tu nói riêng và các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung.

Theo Tấn Vịnh (Làng Việt Online)

Bạn đang đọc bài viết "Phù điêu trên nhà làng Cơ Tu" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.