Anh Hiếu cho biết: “Ban đầu, do không hiểu và thiếu kiến thức cả con giống và kỹ thuật nên mua 200 con giống giá rẻ, không rõ nguồn gốc, sau thời gian nuôi thì chết 190 con. Khi tiếp cận con giống từ Trung tâm KNKN và được anh em hướng dẫn cách chăm sóc trong từng giai đoạn, từ đó đến nay mỗi đợt thu lãi trên 8 triệu đồng từ 200 con gà giống”.
Anh Hiếu đang chăm sóc gà chuẩn bị xuất bán.
Qua 5 vụ nuôi, anh Hiếu rút tỉa kinh nghiệm cho mình: “Vụ nuôi đầu thất bại là do không tuân thủ quy trình chọn giống chiếm 50%, 20% không tuân thủ tiêm vắc-xin, 20% không hiểu đúng, rõ từng loại thuốc thú y trong quá trình tiêm ngừa cho gà, còn lại là do chăm sóc không đúng cách”.
Theo anh Hiếu, nếu hộ nuôi có kinh nghiệm thì nên nuôi ở mật độ 7 con/m2, nếu không có kinh nghiệm thì nên nuôi ở mật độ 5 con/m2. Nuôi trên nền đệm lót sinh thái nên bảo đảm chuồng trại luôn sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Trong khâu chăm sóc, cần định kỳ tiêm vắc-xin đúng liều, lịch; cần phải khai báo cho chính quyền địa phương về số lượng con giống để việc theo dõi dịch bệnh được chặt chẽ hơn. Ðặc biệt, khi thực hiện mô hình này, hộ nuôi cần và bắt buộc phải có chuồng cách ly (dành cho gà có biểu hiện bệnh) cách xa chuồng nuôi và phải được bón vôi, diệt khuẩn đúng cách. Chuồng cách ly cần thiết kế nhiều ngăn để nhốt gà theo những biểu hiện bệnh khác nhau…
Kinh nghiệm từ 1 vụ lỗ, 3 vụ lãi và 1 vụ đang chuẩn bị thu hoạch, anh Hiếu hạch toán: để đạt 1 kg thịt thì tốn 2,8 kg thức ăn, trừ chi phí, mỗi con gà thịt khi bán lãi trung bình từ 40.000-45.000 đồng.
Cán bộ Phòng KNKN Cà Mau Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Qua nhiều năm hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho người dân thực hiện mô hình, tôi nhận thấy mô hình này ngày một thành công hơn do chi phí ngày càng giảm, tỷ lệ hao hụt ngày càng thấp, người nuôi lãi ngày càng cao. Ðàn gà nòi lai của anh Hiếu là một điển hình”.
Ðược biết, do có kinh nghiệm và thành công liên tiếp nhiều vụ nên anh Hiếu được cán bộ Trung tâm KNKN chọn thí điểm mô hình nuôi gà nòi lai sinh sản, tiến đến tự chủ con giống, cung cấp cho người dân trong tỉnh, hạn chế phần nào sự lệ thuộc con giống nhập tỉnh và những lúc hút hàng người dân phải đợi một khoảng thời gian dài mới thực hiện được mô hình. Nếu thành công thì đây sẽ là tín hiệu vui cho nông dân.
Theo Báo Cà Mau