Già, Hồ Văn Chôn bên chiếc khèn bạt chế tác chỉ còn khâu lắp ráp
“Ai nghèo mới có khèn bạt”
Tôi còn nhớ như in lời của nhạc sỹ Trần Tiến giới thiệu về hoàn cảnh ra đời bài hát Giấc mơ Cha Pi rằng hồi đó nhạc sỹ muốn tìm một loại nhạc cụ độc đáo để sang Pháp biểu diển và chiếc xe Jeep dừng lại trước một ngôi nhà sàn trên vùng Ninh Thuận, người đàn ông Ra Glây đang chế tác một loại nhạc cụ độc đáo, hỏi ra mới biết đó là cây đàn Cha Pi. Hỏi mua thì người đó không bán mà chỉ bảo rằng thích thì tặng đó, vì ở đây đã lâu lắm rồi chúng tôi không dùng đến tiền. Rồi quay sang bảo với nhạc sỹ ông thấy đó từ khi đi bộ đội về tôi lấy vợ sinh con đẻ cái, đàn dê nhởn nhơ găm cỏ quanh nhà, tôi bán nó làm gì.
Ngay từ đầu những người quen gánh gùi trên lưng đã giới thiệu với chúng tôi về ông hệt như vậy. Chỉ có điều hơi khác là không phải không dùng đến tiền mà không có tiền để dùng: nghèo khó. Đi tìm ngôi nhà sàn của ông giữa trưa nắng chói chang, mồ hôi nhễ nhãi. Xem ra những điều dân bản tiết lộ quả thật không ngoa. Không hẹn mà gặp, người chuyên thổi hồn vào gỗ, tre, nứa đang mải miết gọt giũa những chi tiết của chiếc khèn bạt. Lão đánh trần, mắt đeo kính lão của một người bạn mà nghe kể bây giờ chức vụ cao lắm ở tỉnh tặng, là bạn thời bộ đội. Quả thực người dân nghèo nơi xó rừng này khi nói đến những người làm công ăn lương nhà nước thường gọi bằng một cụm từ khá thú vị: ở tỉnh. Ví như những người chân lấm tay bùn ở đồng bằng khi nghe cán bộ nông nghiệp về hướng dẫn, không biết ở đâu thế là nói đại ở trên về vậy.
Ngưng ngang công việc, già Chôn giữ nguyên tác phong của Bộ đội Cụ Hồ ngày nào còn trai trẻ từng tham gia đánh trận từ Làng Vây (Hướng Hóa) cho đến La Vang (Quảng Trị): “Tôi là Hồ Văn Chôn, sinh 1934, đi bộ đội về, sinh con đẻ cái. Giờ công việc duy nhất của tôi là làm khèn bạt, tù và, trống gỗ, nuôi dê. Hết”.
Để minh chứng cho công việc đặc biệt của mình, ông bảo: “Này nhé, đây là cây khèn bạt hoàn thành được 80%. Qua công đoạn lắp ghép, màu mè nữa là chơi được. Không phải chỉ Tây Bắc mới có khèn nhé, Tây Quảng Trị cũng có khèn, nhưng có điều ít người dùng thôi. Nói chung đều giống nhau cả, nhưng khác là ở người chơi và vật liệu làm ra nó”.
Tỉ mỉ hơn ông phân tích rằng khèn được làm từ gỗ và tre nứa, mỗi thanh tre sẽ có một lưỡi gà, thường bằng đồng hay bằng bạc, nếu lưỡi gà làm bằng bạc thì âm sắc hay hơn. Thanh niên Tây Bắc thì ôm khèn nhảy lò cò để “tán gái”, còn mình chỉ khi có văn nghệ, lễ hội mới thổi. Mà này chú thấy tôi nói có phải không, người Bắc nói giọng khác người Trung thì cây tre mọc ở đó sẽ thổi khác cây tre mọc ở cái xứ này hè. Ở ngoài kia lạnh giá thì tre nó khác, xứ này gió Lào thổi rát mặt thì tre nó rắn rỏi, rám nắng. Nói đoạn, lão nhăn mặt cười khè khè lộ ra hàm răng thiếu mất một vài chiếc vì tuổi tác. Trong khi, ngoài sân đang chất đầy rẫy tre nứa, gỗ lạt mà già Chôn cất công cả tháng trời mới tìm được.
Trong căn nhà sàn trống hoắc, già Chôn sống cùng vợ, em gái mình và đứa cháu mồ côi. Đến lúc này, chúng tôi mới cảm nhận rõ ràng vì sao người dân A Xin lại ví von trường hợp của ông với người đàn ông Ra Glây mà nhạc sỹ Trần Tiến miêu tả. Trong nhà không có lấy một vật dụng gì giá trị làm bằng kim khí, cái có giá nhất được tôi luyện từ những phiến thép là công cụ để ông chế tác ra nhạc cụ của người đồng bào Vân Kiều, Pa - Kô. Có lẽ nhà già Chôn nghèo thuộc dạng đặc biệt, không có điện, muốn vào nhà phải băng qua con suối Pìn sát nách, bốn cái cột bắc trên ngọn đồi gió lộng.
Chúng tôi đưa mắt về những hóc nhà không có gì làm phên tráp, già vẫn cười ngậm ngùi: “Nghèo khổ bao đời rồi, khổ không ai bằng. Nhưng vẫn vui à, hằng ngày làm bạn với khèn bạt, tù và, trống gỗ. Nghèo cái bụng nhưng cái tai lúc nào cũng vui. Chắc bây giờ núi rừng này chỉ có người nghèo mới có khèn bạt thôi, chứ giàu có dùng toàn ti - vi, loa thùng, đầu đĩa cả. Có lần tôi cãi nhau với thanh niên trong bản cũng vì chuyện này đấy, chúng nó bảo thời này rồi mà làm khèn cho mất công, chỉ việc cắm điện rồi tra vào máy cái đĩa như già vẫn đựng thức ăn thì không chỉ có khèn mà đến sáo, nhị, chiêng, cồng… có cả”.
Bỏ qua cuộc sống nghèo khó, lão già rừng rú gần đất xa trời vẫn mãi miết lần mò trong rừng tìm vật liệu chế tác nhạc cụ. Tựa như cánh chim rừng không biết mệt mỏi là gì.
“Yêu rừng xanh thì lên núi nghe khèn”
Cái duyên đến với công việc chế tác nhạc cụ dân tộc với già Chôn bắt đầu từ năm 16 tuổi. Khi đó già theo một người phía đất bạn Lào để học hỏi. Sau hai năm, già về thì có lệnh ở trên, làm bộ đội địa phương rồi thành bộ đội chủ lực đánh trận hồ hởi khắp cả vùng Quảng Trị. Người con gái mà già gặp lúc sang đó học là bà Hồ Thị Chữ (1943) con gái của thầy mình. Vào bộ đội, may mắn ông gặp lại bà tham gia gùi lương tải đạn, thế là nên duyên, bén nghĩa vợ chồng. Bà Chữ bảo: “Hồi ấy bặt tin nhau mấy năm, gặp lại thấy ông ấy đã biết làm khèn, chơi cồng chiêng nên đem lòng yêu mến, xin với tổ chức cho nên nghĩa vợ chồng giữa những cánh rừng già, trong lúc bom đạn của kẻ địch vẫn trút xuống như mưa bão”.
Tài sản quý giá nhất của ông bà là những nhạc cụ truyền thống của người đồng bào miền núi. Ông giữ gìn cẩn thận lắm, cái nào đã thuận ý, thì ai hỏi xin hay mua bán nhất quyết không chịu mà cất lên cái tra móc meo ở nóc nhà. Già Chôn mò mẫm mang xuống hai thứ “quý giá” là chiếc tù và bằng sừng trâu và cái huân chương cùng quyết định ra quân. Già bảo: “Thứ quý giá nhất cuộc đời già đó, như báu vật vậy, già cất giữ để khi khuất núi con cháu, bản làng còn biết già này từng chiến đấu với kẻ thù và biết làm nhạc cụ nữa”.
Không chỉ chế tác, ông còn là người tập luyện cho đội văn nghệ của xã A Xin chơi các loại nhạc cụ truyền thống. Như lời của già rằng đã biết làm thì phải biết chơi, nghĩa là làm ra một chiếc khèn bạt thì phải thổi vào đó xem đã thuận ý mình chưa, âm sắc khi ra giữa núi rừng gió hú thì ra sao. Còn chúng tôi thì nghĩ rằng, chính già Chôn là người thổi hồn núi rừng hoang vu vào những thứ vô tri vô giác.
Già nâng cái tù và bằng sừng trâu đen loáng, thổi lên mấy hồi rồi lại đặt xuống, quay sang điệu khèn bạt làm nao lòng khách lạ. Mà rằng, đã yêu rừng xanh thì phải lên núi nghe khèn, nghe tù và, cái chất cái tinh túy của núi rừng Tây Quảng Trị bên dòng Sê Pôn là nằm ở đây. Bỗng, âm thanh từ chiếc loa thùng cỡ đại phía sườn núi bên nhà già phát ra với điệu nhạc sập sình, “Tây chả ra Tây, Tàu chả ra Tàu” làm dòng hơi phát ra ở cái cổ họng già nua phải ngưng lại. Già ngán ngẩm, chậc lưỡi: “Thế đó! Đúng là thời đại điện với đài, tóc xanh tóc vàng. Hỏng hết cả rồi”.
Già Chôn thổi lên mấy hồi tù và tiễn khách. Chúng tôi “lia” máy ảnh về phía ông già núi rừng. Ông cười: “Khi nào thấy nhớ núi rừng thì quay lại đây nghe già thổi khèn bạt nhé”.
Ngoại Hương