Nông lịch của người Cơ Tu, Quảng Nam

19/10/2015 16:19

Theo dõi trên

Dựa vào Nông lịch, người Cơ Tu ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi…


 
Dựa vào nông lịch người Cơ Tu đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Ảnh minh họa

Đã bao đời, người Cơ Tu ở các huyện miền núi cao Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam) đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi… Họ dựa theo chu kỳ của mặt trăng theo ngày âm lịch làm nông lịch và chia các tháng trong năm để ấn định các công việc nương rẫy, xem như là nông lịch.

Nông lịch của người Cơ Tu không ghi trên sổ sách nào mà các già làng hay những bậc cao niên đều biết. Tháng nào thì phát rẫy, tháng nào thì đốt rẫy và dọn tỉa, tháng nào thì làm cỏ, thu hoạch...

Nông lịch còn quy định công việc lấy mật ong, bẫy thú rừng, bẫy chim, bắt cá, bắt dơi, bắt mối, làm rượu tà vạt, rượu tr'đin... được thực hiện vào tháng nào.

Theo Nông lịch, người Cơ Tu lấy âm lịch để tính thời gian và được phân ra 4 mùa chính. Mùa xuân là bắt đầu thời vụ sản xuất nhưng chưa tập trung. Đàn ông vẫn còn săn bắt thú trong rừng, đàn bà làm cỏ ở rẫy cũ để trồng bắp, gieo cải... đến đầu tháng Giêng bắt đầu phát rẫy. Mùa hè từ khoảng tháng 4-5 là thời gian tập trung đốt rẫy, tỉa, làm cỏ... Mùa thu vào tháng 6-7 mùa vụ tạm xong, nước suối cạn, phụ nữ Cơ Tu rủ nhau đi bắt cá. Cuối tháng 7 đầu tháng 8 thu hoạch lúa ba trăng, trời có mưa gió, đàn ông ở nhà đan lát, sắm sửa các dụng cụ bắt chim; đàn bà dệt thổ cẩm, kiếm củi dự trữ trong mùa đông... Mùa đông đàn bà thu hoạch lúa mùa, đàn ông săn bắt chim, thú ở núi cao...

Cũng dựa vào Nông lịch, người Cơ Tu còn có kinh nghiệm xem ngày tốt xấu, nên làm việc gì, nên tránh việc gì. Cụ thể mùa trăng sáng nếu chặt cây tươi về làm gì, sau này chắc chắn sẽ bị mọt ăn, còn chặt vào mùa trăng khuyết thì không bị mọt ăn hoặc trồng sắn vào đầu và cuối tháng đều bị củ nhỏ, rễ nhiều năng suất kém. Nếu trồng từ ngày 10 - 20 trong tháng thì năng suất, chất lượng cao. Đối với những đất rẫy mới, những khu đất rẫy nằm ở rừng già, nơi đất tơi xốp, tuy phải hạ cây rừng lớn nhưng đất ở đó tốt vì chưa bị khai khẩn nhiều lần, có tầng dày của cây lá mục nát lớn nên độ phì cao.

Các già làng và những người còn có kinh nghiệm nhìn trăng, mây và số lượng các ngày mưa dông đã qua để tính toán thời gian sẽ tiến hành tỉa lúa…

Ngày nay, những chân ruộng gieo cấy lúa nước, đồng bào đã tuân thủ theo lịch gieo sạ của ngành nông nghiệp, nhưng những rẫy lúa nương vẫn được bà con áp dụng canh tác theo “nông lịch” Cơ Tu.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Nông lịch của người Cơ Tu, Quảng Nam" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.