Nơi chôn nhau cắt rốn của nhạc sĩ Cao Văn Lầu

13/08/2021 16:51

Theo dõi trên

Người yêu mến nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương ở Nam bộ hẳn là ai cũng biết bản Dạ cổ hoài lang và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - người đặt nền tảng đầu tiên cho bản vọng cổ ngày nay.

Nhắc đến nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mọi người thường nhớ đến Bạc Liêu, nơi ông sinh sống gần trọn cuộc đời và có nhiều hoạt động nghệ thuật nổi bật. Tuy nhiên, ít người biết rằng, nhạc sĩ được sinh ra tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Những người thân trong dòng họ của ông hiện vẫn sinh sống tại Châu Thành và TP.Tân An.
 
 
Ông Cao Văn Soi (anh ruột ông Chín Giỏi - cha nhạc sĩ Cao Văn Lầu) hiện được thờ phụng tại nhà ông Cao Văn Khai ở TP.Tân An
 
Theo bài phát biểu của nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ trong Hội thảo về Cao Văn Lầu nhân 70 năm ra đời bản vọng cổ tại Bạc Liêu, “Năm 1861, đại đồn Kỳ Hòa thất thủ, quân triều đình lui về Biên Hòa, còn Trương Định và Nguyễn Trung Trực về Tân An tiếp tục kháng chiến. Cùng đi với nghĩa quân còn có đông đảo dân chúng, vì không muốn sống trong vòng kiểm soát của giặc Tây dương đã lần lượt lớp trước, lớp sau kéo nhau lui về lục tỉnh. Trong số này có một dòng họ đã dừng chân phá rừng, lập ấp, định cư ở rạch Cây Cui của thôn Thuận Lễ, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Cái địa danh đó ngày nay là xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ (nay tách thành huyện Châu Thành và Tân Trụ, xã Thuận Mỹ thuộc huyện Châu Thành - PV), tỉnh Long An”. Dòng họ được nhắc đến trong phát biểu đó chính là dòng họ của cụ Cao Văn Lầu. Một trong những gia đình rời đi thời điểm đó là gia đình ông Cao Văn Giỏi (Chín Giỏi), gồm hai vợ chồng ông và 6 đứa con mà nhạc sĩ Cao Văn Lầu là người con thứ sáu. Thời điểm đó, ông chỉ mới 4 tuổi, theo cha mẹ cùng các anh, chị em xuôi về lục tỉnh và gắn bó cuộc đời, sự nghiệp với vùng đất Bạc Liêu.
 
Tính đến nay đã 160 năm trôi qua, từ ngày gia đình ông Cao Văn Lầu rời Long An về Bạc Liêu. Những người còn lại trong dòng họ tại Long An đã không còn biết rõ về sự việc năm xưa. Tuy nhiên, 2 dòng họ Cao tại Long An và Bạc Liêu vẫn giữ mối dây kết nối sau nhiều năm xa cách. Ông Cao Văn Khai (phường 1, TP.Tân An) kể: “Ông Cao Văn Giỏi (cha của nhạc sĩ Cao Văn Lầu) là em ruột của ông cố tôi là ông Cao Văn Soi. Gia đình nhạc sĩ Cao Văn Lầu rời đi đã lâu nên tôi không biết rõ về sự việc. Nhưng những năm gần đây, nhờ có sự kết nối của ngành văn hóa, 2 dòng họ gặp lại nhau và vẫn giữ liên lạc khi cần thiết. Tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành hiện vẫn còn phần mộ của ông Cao Văn Mới là ông sơ của tôi và là ông nội của nhạc sĩ Cao Văn Lầu”.
 
 
Tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại Bạc Liêu

Được biết, dòng họ Cao tại Châu Thành, Long An và tại Bạc Liêu nhận ra nhau là do người trong dòng họ tại Châu Thành nhận ra bức ảnh ông Cao Văn Lầu được treo tại cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương năm 1988 là người trong dòng họ của mình. Nhờ vậy, 2 dòng họ có chút “manh mối” để tìm và nhận nhau. Ông Cao Văn Khai kể, hiện tại, gia đình ông vẫn còn lưu giữ bản gia phả dòng họ gồm 2 nhánh Long An và Bạc Liêu. Đây là bản gia phả do ông Cao Kiến Thiết (con trai ông Cao Văn Lầu) phối hợp dòng họ tại Long An ghi chép lại.
 
Gia đình ông Cao Văn Khai hiện là nơi thờ phụng ông Cao Văn Soi (anh ruột ông Chín Giỏi - cha của nhạc sĩ Cao Văn Lầu) và ông nội của nhạc sĩ Cao Văn Lầu là ông Cao Văn Mới. Ở xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành vẫn còn một số con, cháu của dòng họ đang sinh sống và chăm sóc phần mộ ông Cao Văn Mới. Các gia đình sống tại Tân An và Bạc Liêu hàng năm vẫn cố gắng sắp xếp về tảo mộ.
 
Cho đến thời điểm hiện tại, khi tìm hiểu về tiểu sử cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, chúng ta đã thấy ghi chép về việc ông được sinh ra tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tuy nhiên, điều đó dường như vẫn ít người ghi nhớ bởi có vẻ khá mờ nhạt so với cuộc đời hoạt động nghệ thuật lừng lẫy của ông tại Bạc Liêu. Thiết nghĩ, người dân Long An nói chung và Châu Thành nói riêng cần được biết rõ và có quyền tự hào rằng vùng đất này là nơi chôn nhau cắt rốn của một cố nhạc sĩ tài hoa.
 
Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh ngày 22/12/1892, ở xóm Cây Cui, thôn Thuận Lễ, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành). Năm 4 tuổi, ông theo cha mẹ đến Bạc Liêu sinh sống và mất ngày 13-8-1976. Ông từng học đờn do thầy Nhạc Khị dạy và trở thành học trò giỏi của thầy. Ông cưới vợ là bà Trần Thị Tấn - một người con gái ngoan hiền. Nhưng vì muộn con, do áp lực từ phía gia đình, ông bà phải xa nhau một thời gian. Đó là lúc nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bản Dạ cổ hoài lang để bày tỏ nỗi lòng thương nhớ người vợ của mình, vì hoàn cảnh phải chia xa. Sau đó, ông bà đã được tương phùng và có với nhau 7 người con./.
 
Theo Báo Long An

Bạn đang đọc bài viết "Nơi chôn nhau cắt rốn của nhạc sĩ Cao Văn Lầu" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.