Căn chòi, nơi phụ nữ T’Ré “vượt cạn”
Ra rừng sinh con
Thời gian trôi đi, từ thế hệ này sang thế hệ khác, những đứa con của người T’Ré, một dân tộc ít người sống dưới chân đỉnh núi Ngọc Linh, huyện Đakglei, tỉnh Kon Tum đã ra đời và lớn lên từ đó.
Xốp - quê hương của cụ Mết - người anh hùng được kể lại trong tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyên Ngọc là một xã nghèo nằm dưới chân đỉnh núi Ngọc Linh, đây là khu vực sinh sống chủ yếu của người T’Ré, một dân tộc ít người của huyện Đakglei, tỉnh Kon Tum.
Người T’Ré sống khép mình giữa đại ngàn trăm năm, khi những ảnh hưởng của cuộc sống văn minh chưa đến, nơi đây đã từng tồn tại những phong tục kỳ lạ. Sinh con trên rẫy chính là một trong những tập tục kỳ lạ nhất của người T’Ré.
Chị Y Hạt, phụ trách dân số kế hoạch hoá gia đình xã Xốp kể lại, ngày ấy, khi nhận thức của người dân ở đây còn mông muội, sơ khai, do kiêng cự và sợ ô uế nên trước ngày sinh, lúc người phụ nữ bắt đầu trở dạ thì người thân sẽ dẫn lên rẫy, bìa rừng, hay bên con suối để họ tự mình vượt cạn.
Mỗi hộ gia đình người T’Ré thường có riêng một khu rừng, một nương rẫy, đó chính là nơi những người phụ nữ được đưa đến để cách ly khi sinh nở, hàng trăm năm, biết bao thế hệ người T’Ré đã sinh ra từ đây. Rẫy người T’Ré nằm cách xa khu vực sinh sống, đó là nơi ngày ngày họ trỉa bắp, trồng lúa, bó củi, săn con thú. Đến mùa sinh nở, những người trong gia đình lại dựng lên ở đây một cái chòi nhỏ làm nơi sinh đẻ của người phụ nữ. Căn chòi nhỏ bốn bốn bề thưng lại bằng những mảnh gỗ đơn giản, sơ sài, bên trong được trải lên bằng một tấm vải hay thậm chí chỉ là những lá cây rừng.
“Người phụ nữ sinh con ở đó một mình, kể cả trời mưa ầm ầm cũng phải ra rừng để đẻ mà không được đem theo bất cứ đồ vật gì, cũng không hề có sự chăm sóc của bất cứ người thân nào trong gia đình ở đó. Họ tự mình chịu những con đau quặn thắt khi sinh đẻ, tự mình cắt rốn cho con ngay chính cái nơi heo hút ấy”, chị Y Hạt cho biết.
Theo luật người T’Ré, khi sinh con, người phụ nữ phải rời xa khu dân cư và cách ly mọi thứ. Nếu người nhà có mặt tại nơi người phụ nữ sinh, đó sẽ là điềm gở của cả làng, và làng đó sẽ bị Giàng phạt mà sinh ra đau ốm. Chỉ đến khi người phụ nữ “vượt cạn” xong, mẹ tròn con vuông, người đàn ông mới được phép lên rẫy đón vợ con về.
Khi sinh con xong, người phụ nữ được cách ly khỏi cuộc sống gia đình 10 ngày. Họ không được phép tắm rửa và dùng chung nguồn nước với gia đình, làng xóm. “Họ phải lên một con suối thật xa để tắm, bởi nếu tắm ở nhà hay rửa chân tay bằng giọt nước chung của làng thì sẽ gây ra ô uế và mang đến những xui xẻo cho làng ấy”, chị Y Hạt cho biết.
Không những thế, sau khi được người chồng đem về nhà, người phụ nữ sẽ không được ăn cơm chung với các thành viên khác trong gia đình, họ ăn một mình một mâm, rồi ngủ ngay giữa nền đất chứ không được phép lên giường đi ngủ. Hết hạn kiêng cự 10 ngày, người phụ nữ mới được phép hoà nhập trở lại cuộc sống chung như mọi thành viên khác ở gia đình.
Điều khác biệt của tục sinh nở người T’Ré là thay vì kiêng cử nước và không được ra ngoài sau thời gian 2 tháng như phụ nữ người Kinh, người T’Ré sau 10 ngày là có thể bắt đầu công việc như trước khi sinh đẻ vậy.
Mọi thứ diễn ra như vậy hàng trăm năm qua bất di bất dịch, nếu ai làm sai thì sẽ bị làng phạt vạ, tốn nhiều trâu bò heo gà để cúng Giàng (trời).
Sinh đôi thì giết một…
Không chỉ phải tự mình ra ngoài rừng để sinh con bất chấp mọi nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng, luật tục người T’Ré cũng quy định nếu người mẹ sinh con song sinh thì buộc phải “trả lại cho Giàng một đứa”, bằng cách… giết con.
Người T’ Ré không coi đó là tội ác, bởi quan niệm của họ, sinh đôi như vậy là có con ma lai theo nhập về, như vậy nó sẽ gây ra đau ốm bệnh tật cho làng. A Thái, cán bộ kiểm lâm ở xã Xốp cho biết, tại đơn vị mình từng có anh A Bi’ từng chứng kiến cảnh bố dùng cây đè chết em khi song sinh. Sau “khi trả lại một đứa cho Giàng” và giữ một đứa đem về, gia đình đó sẽ phải mổ trâu bò thết đãi cả làng để xả xui. Bởi điều này, hàng trăm năm qua đã có biết bao nhiêu trẻ em sơ sinh đã không có quyền được làm người ngay khi chào đời.
Nhiều cán bộ làm công tác tuyên truyền ở xã Xốp còn nhớ rõ câu chuyện, một người phụ nữ ở làng Loong Ri sau khi sinh đôi đã lặng lẽ cuốn đứa con còn lại vào một tấm vải rồi treo lên cây dẻ ở ngay bìa rừng rồi đi về nhà. Khi mọi người vào rừng đi làm và phát hiện ra thì đứa bé đã chết, thi thể bị kiến bu đen kịt.
Anh Đậu Tuấn Việt, cán bộ Khu bao Bảo tồn rừng Ngọc Linh vẫn còn chưa hết bàng hoàng kể lại. “Hôm đó 22 tết, mấy anh em trạm bảo tồn vào rừng đi hái lá dong về làm bánh. Đang đi giữa rừng, thì phát hiện thấy một bãi đất trống lạ thường, đất đai như bị ai cuốc xới. Đến gần thì thấy chai lọ, bát nhang vương vãi. Mọi người bỗng ai cũng kinh hãi nhận ra xác của một đứa bé sơ sinh đã chết nằm bên trong một chiếc hộp nhỏ chỏng chơ dưới đất”.
Không chỉ giết một trẻ em trong trường hợp song sinh, chính phong tục đẻ rừng cũng gây ra những nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ và đứa trẻ sinh ra ở đó. Người dân ở làng Kon Liêm từng nhớ đến cái chết của mẹ con Y. Thêm khi người phụ nữ này trở dạ và sinh con ngược ngay trên rẫy. Do không có ai bên cạnh giúp đỡ khi rơi vào trường hợp sinh đẻ nguy hiểm này, cuối cùng sau khi một mình vật lộn với con đau quằn quại, chị đã tắt thở…
Chị Y Lưới, cộng tác viên thôn bản xã Xốp kể lại. “Ngày trước, khi Xốp chưa tách khỏi xã Đak Choong, cán bộ tuyên truyền chưa có điều kiện vào sâu với khu vực bà con hẻo lánh ở trong này, tình trạng đẻ rừng nhiều lắm. Trường hợp con chết, có trường hợp mẹ chết, rồi cả mẹ con đều chết khi đẻ trên rẫy thường xuyên xảy ra!”.
Cáo chung với thời đại
Mọi thứ đã thay đổi từ ngày Xốp tách khỏi xã Đak Choong. Cán bộ làm công tác tuyên truyền có điều kiện vào sâu trong khu vực dân cư và bắt đầu công tác vận động bà con người T’Ré bài trừ những hủ tục lạc hậu. Chị Y Hạt, ban dân số kế hoạch hoá gia đình xã Xốp nhớ lại: “Ngày đó, cán bộ trạm y tế với cán bộ ban dân số hầu như đêm nào cũng phải đi tuyên truyền vận động bà con ở các thôn. Đường xa, vất vả và phải đi bộ nhưng không đêm nào nghỉ, phải tìm cách để thay đổi nếp sống của bà con còn lạc hậu. Giờ thì bà con đã tiến bộ lắm, sinh đẻ thì vào trạm y tế xã, đau ốm thì đến trạm lấy thuốc uống. Tình trạng đẻ rừng không còn nữa. Tỷ lệ tử của trẻ sơ sinh 10 năm qua đã giảm xuống trong thấy”.
Các cán bộ tuyên truyền đã giải thích rõ cho bà con T’Ré được hiểu rằng sinh đôi không phải do ma lai nhập vào mà là do cơ chế thụ thai của người phụ nữ, và để con lại nuôi sẽ không ảnh hưởng gì đến cuộc sống bà con. Nhờ sự vận động tích cực của các cán bộ tuyên truyền, bà con dần dần hiểu được và bải bỏ đi những hủ tục lạc hậu đã tồn tại từ thời xưa cũ.
Chị Y Lưới, cộng tác viên y tế thôn bản kể lại trường hợp về chị Y Blăng vợ của A Bên ở Làng T’Lưm, sinh đôi được 2 con là A Thương và A Gì, khi sinh ra gia đình rất sợ bị trời phạt vạ cả làng nếu nuôi 2 đứa nên muốn “trả” lại một đứa. Nắm được tình hình, ban dân số kế hoạch hoá gia đình xã đã đến và vận động gia đình chị Y Blăng nên giữ lại con để nuôi. Trước những lý lẽ đầy thuyết phục, gia đình chị Y Blăng đã nghe theo và nuôi dạy 2 cháu. Thấy gia đình chị Y Blăng nuôi con song sinh mà làng không sao, nên từ đó bà con đã nghe theo và bỏ đi hủ tục “sinh đôi giết một”. Trường hợp ở làng Kon Liêm, vào năm 2006, gia đình A Thía cũng sinh đôi một cặp con gái, nhờ sự vận động của cán bộ tuyên truyền mà gia đình A Thía đã giữ lại và nuôi khôn lớn hai cháu Y Kim và Y Kiến cho đến hôm nay.
10 năm đã qua, đời sống người dân xã Xốp đã thay đổi, nhiều nhà ngói khang trang mọc lên, đường ô tô đã vào tận thôn bản, nhà nào cũng có ti vi xe máy. Người dân Ta Rẽ giờ đã biết đọc, biết viết, hiểu được pháp luật và chính sách của Đảng. Cuộc sống bà con đã hoà nhập với thời đại văn minh, tình trạng sinh đẻ ngoài rừng, giết con trả Giàng cũng đã chính thức cáo chung lùi vào dĩ vãng.