Những ám ảnh kinh hoàng về trùm phỉ Bảy Đởm vùng thất sơn - Trận đấu quyết tử với tướng cướp Châu Uốt (Kỳ 4)

15/12/2021 13:00

Theo dõi trên

Bảy Đởm lộng hành tại vùng núi Bà Đội Om từ năm 1933. Năm 1934, pháp sư Phải từ trần. Dù nghe tin cha chết những Bảy Đởm dứt khoát không về chịu tang. Bảy Đởm và đồng bọn ẩn trú trên núi Bà Đội Om thu tiền mãi lộ cho đến năm 1939 thì một băng nhóm khác xuất hiện.

Đó là băng cướp Châu Uốt. Sau 1 trận thư hùng giành lãnh địa, Bảy Đởm thua cuộc ê chề. Ông ta nhận ra, bấy lâu nay mình chỉ thuộc hạng không sợ chết, chứ không hề có bản lĩnh chiến đấu thật sự. Bảy Đởm quyết tầm sư học võ.

Ông Huỳnh Văn Ngoan cư ngụ tại Cô Tô, Tịnh Biên, An Giang kể: "Cha tôi là cán bộ cách mạng hoạt động tại vùng Tịnh Biên từ thời kỳ đầu giai đoạn chống Mỹ. Ông đã hy sinh. Lúc ông còn sống thường kể cho tôi nghe về một lực lượng cướp có vũ trang hoạt động ở vùng này từ những năm 1936. Đó là đảng Khăn Trắng do Châu Uốt cầm đầu. Băng cướp này đối đầu với băng Bảy Đởm rất dữ. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tổ chức đánh nhiều lần nhưng không dẹp được băng cướp này. Đến năm 1966, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đành mời Châu Uốt hợp tác".

01-1639210224.JPG
Ông Huỳnh Văn Ngoan

Trong hồ sơ cảnh sát của chế độ cũ để lại cũng có nhắc đến đảng Khăn Trắng này nhưng chỉ có vài dòng ít ỏi. Men theo lời kể của ông Huỳnh Văn Ngoan, chúng tôi đi tham khảo một số người lớn tuổi ở địa phương thì được biết, Châu Uốt là 1 người Việt gốc Khmer, sinh ở Tịnh Biên.

Trong khi Bảy Đởm làm mưa làm gió ở vùng núi Bà Đội Om thì Châu Uốt cũng qui tựu một số thiếu niên Khmer lêu lỏng ở vùng Cô Tô để trộm vặt rồi dần dần tổ chức trấn lột, cướp của. Bảy Đởm chuyên chặn xe thu tiền mãi lộ. Còn Châu Uốt thì xông thẳng vào nhà nạn nhân kề dao vào cổ khảo của. Băng Bảy Đởm gặp phụ nữ đẹp thì đè nghiến xuống cưỡng hiếp tại chỗ rồi tha mạng cho nạn nhân. Băng Châu Uốt gặp phụ nữ đẹp thì bắt cóc đem về núi thay nhau cưỡng hiếp nhiều ngày cho đến chết. Bảy Đởm chỉ tấn công khi nạn nhân phản kháng. Châu Uốt thì tấn công nạn nhân trước khi cướp. Bảy Đởm thu phục lâu la đủ các sắc tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… Ai đến đầu quân, Bảy Đởm cũng nhận. Còn Châu Uốt thì chỉ thu nhận lâu la là người gốc Khmer. Bảy Đởm dám đương đầu trực tiếp với chính quyền còn Châu Uốt thì thường lẫn tránh đụng độ.

Từ năm 1935, đảng cướp Khăn Trắng do Châu Uốt cầm đầu đã bắt đầu xuất hiện. Chúng luôn dùng khăn màu trắng đội đầu, bịt mặt nên người dân gọi là cướp Khăn Trắng. Băng cướp này rất táo tợn. Nạn nhân của chúng, đa phần là những gia đình giàu có ở địa phương. Hầu hết những vụ cướp của Khăn Trắng đều thực hiện vào lúc giữa trưa. Chúng xông vào nhà dùng dao quắm cắt cổ 1 người để thị uy rồi sau đó kề dao vào cổ khống chế các thành viên còn lại trong gia đình nạn nhân trói gô hết lại. Chủ hộ sẽ bị trói đứng dựa vào cột nhà để Châu Uốt trực tiếp tra khảo. Y dùng 1 cây đinh sắt dài khoảng 30 cm găm vào giữa trán nạn nhân. Sau 1 câu hỏi, nếu nạn nhân trả lời không thỏa mãn, Châu Uốt sẽ đóng sâu cây đinh vào trán nạn nhân 1 nấc. Câu hỏi của Châu Uốt chỉ xoay quanh nơi gia chủ cất vàng, châu báu. Hầu như mọi nạn nhân đều thật thà khai nơi cất giấu gia sản để mong được "của đi thay người". Dù vậy, Châu Uốt không bao giờ tin lời của nạn nhân khi cây đinh chưa được đóng sâu vào nửa hộp sọ.

Hộp sọ bị cây dinh ghim sâu vào nửa hộp sọ không làm nạn nhân chết mà chỉ mê sảng, hỏi gì đáp nấy trong trạng thái vô thức. Sau vụ cướp, nạn nhân thoi thóp vài tháng mới chết. Sau khi vơ vét hết tài sản, Châu Uốt lựa 1 người phụ nữ xinh nhất trong gia đình nạn nhân đem về núi. Người đó không bao giờ có cơ hội về đoàn tụ với gia đình. Những hành vi tàn ác vô nhân tính của đảng cướp Châu Uốt khiến người dân địa phương hãi hùng khi nhắc đến.

Bảy Đởm cũng đã nghe tiếng tăm về đảng cướp Châu Uốt.

02-1639210329.JPG
Tấm biển khu mộ họ Phạm của Bảy Đởm

Một ngày giữa năm 1939, Bảy Đởm cùng Sâm "chó đẻ" đi Tri Tôn bắt bò về núi cho đám lâu la làm thịt ăn khao. Hai thầy trò đi đến dốc Sương Mù ở Chi Lăng thì bắt gặp 1 đám thanh niên đang đá gà dưới một chòm thốt nốt. Vốn mê đá gà, Bảy Đởm kéo tay Sâm "chó đẻ" vào xem. Đám thanh niên chỉ tổ chức đá gà mua vui chứ không bắt độ. Bảy Đởm nói với mọi người: "Đá gà mà không có mùi cá độ thì coi đá dế sướng hơn". Dứt lời, Bảy Đởm ném ra 1 lượng vàng đặt cược "ăn 1, thua 10".

Một thanh niên trong nhóm đá gà có thân hình vạm vỡ, đen nhẻm như sắt nung lẳng lặng ném ra 1 chỉ vàng để bắt độ với Bảy Đởm. Gà Bảy Đởm đá đứt hầu gà của gã thanh niên. Bảy Đởm chưa kịp thu vàng thắng cược thì người thanh niên thua độ hất hàm hỏi: "Lấy vàng xong, có dám ra khỏi chòm thốt nốt này không?". Bảy Đởm trả lời: "Có nghe danh Bảy Đởm chưa? Vùng Bảy Núi này là của Bảy Đởm. Ông trời muốn vào đây cũng phải xin phép Bảy Đởm". Người thanh niên đáp: "Thì ra mày là Bảy Đởm. Hôm nay là ngày Bảy Đởm phải rạch trời ra làm hai, vì vùng này là của tao, tức Châu Uốt".

Châu Uốt khoát tay, đám thanh niên bao quanh Bảy Đởm và Sâm "chó đẻ". Điều đáng ngại là trên tay mỗi tên đều thủ 1 con dao quắm. Liệu sức 2 không thể đấu với 10, nhớ lại trận thu phục Sâm “chó đẻ”, Bảy Đởm tính kế: "Mày xưng hùng ở đây mà chơi vậy không ngon. Có ngon, tao với mày bặt co tay đôi, chết bỏ (ý nói, đánh nhau đến chết mới thôi- TG). Thắng tao, mày làm ông trời vùng Bảy Núi này".

Sau mấy giây suy nghĩ, Châu Uốt nhận lời.

Cả hai đứng cách nhau 20 mét, ở giữa đặt 2 con dao quắm. Tuy không giao ước trước nhưng sau hiệu lệnh, cả hai đều không màng đến 2 con dao mà xông vào nhau đấm đá bằng tay chân. Bảy Đởm và Châu Uốt tương đồng nhau về vóc dáng lẫn thể lực nên trận đấu gần như bất phân thắng bại. Tuy nhiên, Bảy Đởm láo cá hơn Châu Uốt. Cả hai quần thảo tung bụi mịt mù hơn nửa giờ. Chợt Bảy Đởm té nằm xuống đất. Thừa cơ hội, Châu Uốt bay người toan đè bẹp Bảy Đởm xuống. Châu Uốt không ngờ Bảy Đởm chỉ vờ té để chộp nắm cát vào tay. Chờ Châu Uốt vừa áp sát, Bảy Đởm vung nắm cát lên.Bị cát bắn vào mắt, Châu Uốt chỉ còn biết ôm mặt cho Bảy Đởm đánh tự do. Bảy Đởm dồn hết sức lực tung một cú trời giáng vào bụng Châu Uốt. Tưởng Châu Uốt sẽ xuất hồn khỏi cơ thể sau khi ăn cú đấm đó. Không ngờ, tay Bảy Đởm tê dại.

Từ bấy lâu nay, Bảy Đởm thường khoe với đám thuộc hạ là mình được cha truyền dạy võ gồng Trà Kha. Thật ra, Bảy Đởm chưa từng được học dù chỉ 1 chiêu. Khi đánh nhau, Bảy Đởm thường thắng nhờ liều mạng. Đây là lần đầu tiên Bảy Đởm chạm trán với một người có võ gồng thực sự. Lần đầu tiên Bảy Đởm nhận ra, nếu mình không chịu khó học hành 1 điều gì đó thì không thể tồn tại lâu dài.

Nhân cơ hội Châu Uốt còn ôm mặt, Bảy Đởm cùng Sâm "chó đẻ" chạy bay biến khỏi chòm thốt nốt.

mieu-tho-bay-dom-duoi-chan-nui-ba-doi-om-1639210407.JPG
Miếu thờ Bảy Đởm dưới chân núi Bà Đội Om

Trận đánh khiến thân nình Bảy Đởm tàn tạ như nhúm giẻ rách. Bảy Đởm ghé vào một nhà dân xin nước tắm rửa và nhân cơ hội hỏi thăm về Châu Uốt. Chủ nhà cho Bảy Đởm biết, trước kia Châu Uốt có theo học võ gồng Trà Kha. Sau đó, Châu Uốt có bái sư ở lò võ Bảy Hoành ở Chắc Cà Đao (Nay thuộc huyện Châu Thành, An Giang). Bảy Hoành là võ sư Thất Sơn Thần Quyền. Châu Uốt chỉ học Thất Sơn Thần Quyền được 1 năm thì bị sư phụ Bảy Hoành đuổi vì ăn trộm gà của một người dân.

Tắm rửa xong, Bảy Đởm bỏ ý định đi mua bò mà đi thẳng đến Chắc Cà Đao tìm thầy võ Bảy Hoành.

Việc tìm Bảy Hoành bái sư học võ là 1 bước ngoặc lớn trong đời Bảy Đởm. Nếu không gặp Bảy Hoành, có thể Bảy Đởm chỉ là 1 tên cướp cạn cho đến khi chấm hết cuộc đời tại vùng núi Bà Đội Om.

Thời điểm đó, Bảy Hoành đang mở cửa chiêu mộ đệ tử nhưng thật ra là chiêu mộ binh sỹ cho một mưu đồ chính trị lâu dài./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Những ám ảnh kinh hoàng về trùm phỉ Bảy Đởm vùng thất sơn - Trận đấu quyết tử với tướng cướp Châu Uốt (Kỳ 4)" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.