Nguyễn Xí (1397 - 1465) sinh tại làng Thượng Xá, huyện Châu Phúc (ngày nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), sinh trưởng trong một gia đình làm nghề buôn bán muối rất nghèo khổ. Thân sinh Nguyễn Xí là Nguyễn Hội.
Năm Nguyễn Xí lên 8 tuổi thì Nguyễn Hội qua đời, Nguyễn Xí được người anh ruột là Nguyễn Biện đưa ra vùng đất Lam Sơn (ngày nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và vào ở trong nhà của Lê Lợi, và được Lê Lợi coi như con (thực tế lúc đó Lê Lợi cũng chỉ hơn Nguyễn Xí có 12 tuổi). Việc hai anh em Nguyễn Xí đến với Lê Lợi là do thân sinh của Nguyễn Xí là Nguyễn Hội trước đó từng có quen biết với Lê Lợi.
Khi đến ở nhà Lê Lợi, Nguyễn Xí mới được 8 tuổi, nhưng đã tỏ rõ là một người có tài thao lược, nên Nguyễn Xí được Lê Lợi hết lòng yêu quý và cho học võ nghệ. Sau đó Lê Lợi còn cho Nguyễn Xí nuôi một đàn chó săn hơn 100 con. Nguyễn Xí đã huấn luyện đàn chó săn, sớm chiều chia cơm cho đàn chó ăn, Nguyễn Xí đều dùng chuông làm hiệu. Sau đó Nguyễn Xí còn làm hiệu cho chó tập đánh trận, chủ yếu là tập cho đàn chó sau này ra trận lấy cung tên của giặc.
Về sau này khi đánh trận thật, cứ theo hiệu lệnh chuông, đàn chó cứ mò ra trận địa lấy tên về cho quân ta, khi giặc bắn tên, Nguyễn Xí lại đánh hiệu chuông lên cho đàn chó nằm xuống, và cứ như thế đàn chó săn của Nguyễn Xí cũng đã đóng góp được rất nhiều mũi tên cho nghĩa quân Lam Sơn.
Lê Lợi thấy Nguyễn Xí có tài làm đại tướng, nên đến năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi sai Nguyễn Xí nắm quyền cai quản đội quân Thiết Đột thứ nhất. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, Nguyễn Xí lúc đó đã là một thanh niên cường tráng, được theo sát Bình Định Vương Lê Lợi và Nguyễn Xí có nhiệm vụ bảo vệ Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn.
Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Xí từng có những tháng ngày trải qua gian khổ đầu tiên ở vùng núi rừng phía tây tỉnh Thanh Hóa, và Nguyễn Xí là người có công lớn trong việc phò tá Lê Lợi vượt qua những hiểm nghèo ở vùng núi Chí Linh.
Trong những năm 1421 và 1422, Nguyễn Xí là một trong những tướng có công lớn trong việc đập tan cuộc tấn công của quân nhà Minh và quân Ai Lao (ngày nay là Lào), bảo vệ an toàn cho Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn.
Nghĩa quân Lam Sơn sau đó tiến công mở rộng địa bàn chiến lược vào Nghệ An cuối năm 1424 theo kế sách của tướng quân Nguyễn Chích (1382 - 1448). Từ đó nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh, đến năm Bính Ngọ 1426, vào tháng 9, Lê Lợi phái hơn một vạn quân chia làm ba đường tiến quân ra Bắc để đánh quân nhà Minh.
Nguyễn Xí được Lê lợi phong cho làm đại tướng, cùng với tướng quân Đinh Lễ gấp rút đem thêm quân đi tiếp ứng. Nguyễn Xí và Đinh Lễ đã đã có công hợp sức với các tướng của nghĩa quân Lam Sơn như Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả và Đỗ Bí đánh một trận quyết chiến chiến lược ở Tốt Động – Chúc Động (ngày nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Tổng binh của quân nhà Minh là Vương Thông bị thương, kế hoạch phản công ồ ạt, hòng làm thay đổi cục diện chiến trường của Vương Thông hoàn toàn bị thất bại. Vương Thông buộc phải quay về thành Đông Quan cố thủ, chờ viện binh sang cứu, sau đó Vương Thông đã bị nghĩa quân Lam Sơn vây chặt ở thành Đông Quan.
Đầu tháng 3 năm Đinh Mùi 1427, Vương Thông bất ngờ huy động lực lượng, tập kích kích vào lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt (ngày nay thuộc thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) hòng phá thế bị bao vây. Nghĩa quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt do thái giám Lê Nguyễn chỉ huy, cuộc tập kích bất ngờ của Vương Thông đã làm cho Lê Nguyễn bị lúng túng, buộc phải cố thủ để chờ thêm viện binh tới giúp.
Lê Lợi lập tức tướng quân Nguyễn Xí và Đinh Lễ đem 500 quân Thiết Đột tới ứng cứu cho Lê Nguyễn. Nguyễn Xí và Đinh Lễ cùng quân Thiết Đột đánh cho Vương Thông phải bỏ chạy thục mạng, nhưng khi chạy đến My Động (ngày nay thuộc Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Vương Thông thấy lực lượng của Nguyễn Xí và Đinh Lễ ít, nên quay lại phản công. Nguyễn Xí, Đinh lễ cùng 500 quân thiết Đột bị quân của Vương Thông bao vây chặt. Nguyễn Xí, Đinh Lễ cùng quân Thiết Đột đã chiến đấu dũng cảm, nhưng do quân quá ít, nên cuối cùng đều bị bắt sống hoặc bị giết chết. Nguyễn Xí sau đó đã tìm cách trốn thoát được, còn tướng quân Đinh Lễ thì bị quân nhà Minh giết chết.
Trong trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng – Xương Giang, nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi lớn, trong cuộc quyết chiến đó, Nguyễn Xí nhờ có võ nghệ giỏi đã đóng góp công lao rất lớn. Thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn, buộc Vương Thông phải ký hòa ước Đông Quan và rút quân về nước, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi hoàn toàn.
Tháng 4 năm Mậu thân 1428, Lê Lợi lên làm vua, phong cho Nguyễn Xí làm Long hổ tướng quân, suy Trung bảo chính công thần. đến năm 1429, Nguyễn Xí lại được ban tước Huyện hầu, và tên ông được xếp vào hàng thứ 5 trong biển khắc tên các bậc khai quốc công thần của triều nhà hậu Lê như Nguyễn Trãi, Lê lai…
Đến thời vua Lê Nhân Tông, vào năm Ất Sửu 1445, Nguyễn Xí được phong làm Nhập Nội Đô Đốc, nhưng sau đó, Nguyễn Xí bị gièm pha, bị cách chức. Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn, Nguyễn Xí lại được phục chức, được ban làm Thiếu Bảo. Đến năm Canh Thìn 1460, Nguyễn Xí là người có công rất lớn trong việc đưa Hoàng tử Lê Tư Thành lên làm vua.
Lê Tư Thành lên làm vua, hiệu là Lê Thánh Tông, liền phong cho Nguyễn Xí làm Khai Phủ Nghi Đồng TamTy, Nhập Nội Kiểm Hiệu, Thái Phó Bình Chương Quốc Trọng Sự, tước Á Quận Hầu. Sau đó Nguyễn Xí lại được gia phong tước Quận Công.
Đến năm 1462, Nguyễn Xí lại được vua Lê Thánh Tông gia phong chức Nhập Nội Hữu tướng quốc. Cuối cùng vào năm Ất Dậu 1465, Nguyễn Xí bị bệnh mất, hưởng thọ 68 tuổi. Cuộc đời làm tướng của Nguyễn Xí, ông là đại thần trải qua 4 đời vua nhà Hậu Lê là Lê Thái Tổ (Lê lợi 1385 -1433), Lê Thái Tông (1423 – 1442), Lê Nhân Tông (1441 -1459), và vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Các con và cháu của Nguyễn Xí cũng đều là các võ tướng của nhà Hậu Lê.