Nguyễn Tri Phương và đền thờ Trung Hiếu “nhất gia tam kiệt”

26/02/2015 10:37

Theo dõi trên

Đền thờ Nguyễn Tri Phương còn gọi là đền Trung Hiếu, hay đền “nhất gia tam kiệt”, tọa lạc tại làng Trung Thạnh, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh TT Huế. Hơn 140 năm qua, ngôi đền này trở thành biểu tượng cho lòng trung hiếu nhân nghĩa đối với người dân làng Trung Thạnh.

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Tri còn lưu lại tại làng Trung Thạnh, Nguyễn Tri Phương có tên thật là Nguyễn Văn Chương, sinh ngày 21/7 năm canh Thình (1800), tại làng Đường Long, tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh TT Huế. 

Nguyễn Tri Phương từng làm quan qua ba đời vua Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Suốt cuộc đời làm quan của mình, ông đã có mặt hầu hết ở tất cả “điểm nóng” của đất nước lúc đó.

Năm 1858, Pháp tấn công Đà Nẵng, vua Tự Đức phải cho mời ông từ Gia Định ra để giữ thành. Một năm sau (1859), ông lại vào Gia Định sau khi Pháp tấn công thành.

Suốt cuộc đời làm quan của mình, ông đã trải qua nhiều trận chiến, và nhiều lần ông đã phải chứng kiến binh lính và người thân của mình ngã xuống để bảo vệ thành. Năm 1861, khi Pháp tấn công thành Gia Định, em trai của ông là Nguyễn Duy đã hy sinh để bảo vệ thành.

Sau khi nhà Nguyễn hèn hạ ký hòa ước Nhâm Tuất (1862), ba tỉnh miền Tây thuộc về Pháp, ông lại được cử ra giữ thành Hà Nội. Ngày 19/11/1873, Pháp tấn công thành Hà Nội, con trai của ông là phò mã Nguyễn Lâm hy sinh, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng. Pháp mang ông về để cứu chữa nhằm mua chuộc nhưng ông từ chối. Để chống lại Pháp ông đã tuyệt thực cho đến chết. Ngày 20/12/1873 Nguyễn Tri Phương qua đời, thi thể của ông được đem về an táng tại quê nhà cùng với em trai và con của mình. Cảm kích trước tấm lòng trung trinh hiếu nghĩa của Nguyễn Tri Phương, vua Tự Đức đã yêu cầu cho bộ Công xây dựng đền Trung Hiếu tại quê hương của ông để hiệp thờ ba vị.

Từ thị trấn Sịa, men theo tỉnh lộ 6 khoảng 10km là đến di tích. Suốt 140 năm qua, đền “nhất gia tam kiệt” đã trở thành biểu tượng cho tấm lòng trung hiếu của người dân trong làng.

Theo ông Nguyễn Tri Dưỡng, hậu duệ đời thứ 6 của dòng họ Nguyễn Tri, đền được xây vào năm 1875, 2 năm sau kể từ ngày ông mất.

Dựa vào sử sách của dòng họ Nguyễn Tri tại xã Phong Chương, ban đầu đền được xây theo kiểu nhà vườn với kiến trúc ba giang hai chái. Trên mái nhà có thờ hình tượng long phụng, mái rộng 5m, dài 7m, tường thành bao quanh đền dài 20m. Cũng theo ông Dưỡng, thì trước đây trong khu vực đền có một cổng ra vào nhưng giờ đã không còn. 

"Nếu căn cứ vào những ghi chép còn để lại thì cánh cổng rộng 1.6m, dày 0.5m, rộng 0.5m. Cách thềm có một bức bình phong rộng 2.3m,cao 1.9m, dày 0.2m", ông Dưỡng cho biết thêm.

Sự tồn tại của ngôi đền này có lịch sử  thăng trầm như chính cuộc đời của Nguyễn Tri Phương.

Theo ông Nguyễn Xuân Hạp, nguyên Chủ nhiệm HTX Trung Thạnh thì ngôi đền này đã được đập đi và xây lại nhiều lần.

“Năm 1972, Nguyễn Văn Thiệu cho đập bỏ ngôi đền cũ để xây lại, năm 1977 ngôi đền do Nguyễn Văn Thiệu xây bị phá bỏ để xây lại ngôi đền khác, ngôi đền đó tồn tại cho đến năm 2007 trước khi nó được trùng tu lại hoàn toàn”, ông Hạp nhớ lại.

Năm 2007, được sự hỗ trợ của tỉnh, đền Trung Hiếu đã được khôi phục lại như nguyên bản lúc trước.

Ngôi đền được thiết kế theo kiểu nhà vườn cổ của Huế, nhà có ba giang và hai chái, được làm hoàn toàn bằng gỗ.

Ở chính giữa đền là án thờ Nguyễn Tri Phương. Năm 2009, Bộ VHTT cho đem bức tượng đồng của ông vào đền để thờ, hiện tại bức tượng đang được thờ tại án thờ của ông. Bức tượng cao 1.5m, được đặt trên một phiến đá hoa cương, được chạm khắc tinh xảo với hình hai con rồng trên ghế. Theo lời kể của ông Dưỡng, khi bức tượng dược đem vào thờ, nhà sử học Dương Trung Quốc đã đứng ra làm lễ tiếp nhận tượng.

Trong đền còn có hai án thờ để thờ Nguyễn Duy và Nguyên Lâm là em trai và con của Nguyễn Tri Phương, án bên phải thờ Nguyễn Duy, án trái thờ Nguyễn Lâm. Toàn bộ khu đền có diện tích khoảng 1500m2. Năm 1991, đền đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cách đền khoảng 2km, lăng mộ Nguyễn Tri Phương nằm tại làng Đại Phú. Lăng của Nguyễn Tri Phương xây theo hình tròn dẹp (êlíp) xung quanh có la thành xây bằng gạch vồ, nguyên liệu xây lúc này chủ yếu vôi, mật mía, keo trâu tạo thành một hợp chất như xi măng. Hướng lăng quay về hướng Đông Bắc. Lăng rộng 7,70m, dài 9,7m. 

Nhắc đến cụ tổ của mình, con cháu của dòng họ Nguyễn Tri ở xã Phong Chương xưa đến nay vẫn giữ lòng tự hào về ông. Nhắc đến Nguyễn Tri Phương, ông Nguyễn Tri Khan, trưởng thôn Trung Thạnh và là hậu duệ của Nguyễn Tri Phương nói: “Tôi và toàn bộ con cháu dòng Nguyễn Tri tại xã Phong Chương cũng như các chi, nhánh khác dòng Nguyễn Tri rất tự hào về ông. Với tấm lòng trung hiếu của ông, của Phò mã Nguyễn Lâm và Nguyễn Duy sẽ là bài học được chúng tôi truyền lại cho co cháu mãi về sau”.

Hằng năm, cứ đến ngày 5/11 âm lịch, con cháu của ông lại tổ chức hiệp kỵ cho ba vị. Cứ ba năm một lần lại tiến hành chạp mộ để tưởng nhớ ba vị.

140 năm đã trôi qua kể từ ngày Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, nhưng những câu chuyện về ông, về tấm lòng trung hiếu của ba cha con ông vẫn được người dân làng Phong Thanh lưu giữ, và đền Trung Hiếu “nhất gia tam kiệt” sẽ mãi là biểu tượng cho tấm gương trung hiếu đó.

Trương Duy
Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Tri Phương và đền thờ Trung Hiếu “nhất gia tam kiệt”" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.