Nguyễn Sinh Côn, tự Tất Thành

15/05/2024 23:00

Theo dõi trên

Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 2024), cũng là dịp để chúng ta nhớ đến Người - danh nhân văn hóa Thế giới, bậc vĩ nhân kiệt xuất, Anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

z5444056548240-d34e8137c6edcb7460f1db5e2ac63bda-1715784047.jpg
Đền Chung Sơn - đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu

Làng Sen nuôi chí lớn

Nẻo về Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) dịp này là nẻo về nguồn cội. Nơi ấy có làng Sen, Hoàng Trù, có Lò rèn cố Điền, nhà cụ Vương Thúc Quý, giếng Cốc hay cây đa làng gắn với kỉ niệm Người về thăm quê năm 1957 và năm 1961. 

Nắng mùa hạ bỏng rát, từng vạt sen đang khoe sắc hồng như xoa dịu đi những cơn gió Lào heo hắt thổi. Chậm rãi đi giữa hàng dâm bụt tại làng Sen mới cảm hết được một làng quê Việt đã quy tụ thu nhỏ nơi đây. Một Hồ Chí Minh được kết tinh bởi sự giản dị, mộc mạc, từ những câu dân ca; có lẽ đây chính là mạch nguồn, cái nôi nuôi dưỡng Người bằng những phong vị từ văn hóa dân gian đến với văn hóa bác học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả đời mình cho độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và nhân dân các dân tộc bị áp bức như khẳng định của tiến sĩ Modagat Ahmet - Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Hồ Chí Minh là một trong “ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

z5444063511059-db53e7581864c159ed578f7a47f417df-1715784227.jpg
Làng Sen - quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nếu đọc Búp Sen Xanh của Sơn Tùng, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng có thể mường tưởng được khung cảnh làng quê Kim Liên thời điểm đấy. Ở phần “thời thơ ấu”, Sơn Tùng miêu tả cơn giông mùa hạ một cách chân thật, sống động: “Mây đen từng khối ùn ùn như nấm ở dưới chân đùn lên. Thoáng chốc, các ngọn núi của dãy Dăng Màn (trên dãy Trường Sơn, đoạn qua địa phận Hà Tĩnh), Thiên Nhẫn... đã ngập chìm vào mây đen đục. Mảng nắng hẹp dần. Cảnh sắc hai bờ sông Lam đã ngả màu sẫm. Và quang cảnh cánh đồng chiêm đang mùa thu hoạch, loang lổ, mảng sáng, mảng tối, ô xanh, ô vàng, nhìn về xa xa như một tấm da báo trải rộng hút tấm mắt".

Hay việc bé Thanh cùng với người dân xã Chung Cự lúc bấy giờ muốn ông Xẩm mù hát cho nghe một bài mới cũng được Sơn Tùng vẽ lên bằng xúc cảm chân thật nhất. 

Vầng dương trời Việt

Sáng bình minh năm Canh Dần (1890), khi mặt trời tháng 5 bắt đầu hắt những tia sáng rực đỏ sau dãy Đại Huệ, hương sen thơm ngát từ bàu sen ùa về, Nguyễn Sinh Cung (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) cất tiếng khóc chào đời. 

z5444035223882-f9e8fe2defe3b67f9442b2f9cb21a8d8-1715787471.jpg
Láng giềng nhà ông Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: Nguyễn Diệu

Trong tác phẩm Búp Sen Xanh của nhà văn Sơn Tùng, do nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản thì thời khắc lịch sử ấy được Sơn Tùng “đục đẽo” một cách “tỉ mẩn” và “trau chuốt” qua bóng tre đầu làng: “Về tới đầu sân, cơn đau chuyển sinh lại thốn thoáy, mệt quá chị nho Sắc phải ngồi thụp xuống bên gốc cây thị. Bà đồ chốc chốc lại mắng yêu con gái: Tham công tiếc việc cho lắm... Đã biểu ở nhà, gần kỳ sinh nở rồi... đừng có đi mần đồng xa nữa... Bà giục cô An, em gái của chị Nho Sắc: An, con vô quạt than lên... Mau...".

Bà lại giục bé Thanh: "Cháu sang bên nhà với ông. Giữ cả em Khiêm ở bên đó. Tối ni tụi bay ăn cơm, ngủ ở bên nhà bà cả nhớ. Bé Thanh bước qua dãy chè mạn hảo ngăn đôi sân nhà mình với sân của ông bà ngoại. Thanh vừa nghe tiếng mẹ rên, vừa nghe rõ tiếng ông ngoại ho khúc khắc và tiếng của bố thay ông ngoại đang giảng bài cho học trò. 

Từ bên hè nhà chị nho Sắc, tiếng cô An nói khỏa lấp cả tiếng khóc chào đời của đứa trẻ khiến anh nho Sắc ngừng giảng bài trong giây lát. Ồ ồ... chị nho Sắc lại sinh con trai... sinh con trai nữa rồi. Mặt mày sáng láng, khôi ngô lắm. Bà đồ quát: “Cái con bé, có im cái miệng quở độc cháu đi không! Bà giục rối rít: “Đưa cái thanh nứa... mau lên... cắt rốn cho cháu. Rồi. Xong rồi... Đưa cái quần cũ của cha mi đây... Trên dây phơi ấy. Tau giặt kỹ rồi. Ủ cháu vô quần ông cho có khước... Có hơi ấm ông, nó sẽ được sáng dạ, học giỏi hơn ông, hơn cha cho mà coi...”. Bà còn dặn chị nho Sắc: “Con nhớ hàng ngày phải chăm lau sạch đĩa đèn rồi hãy đổ dầu thắp. Các cụ thường dạy: Sinh con dạ sáng làu làu, nhớ mẹ ngày trước chăm lau đĩa đèn”.

z5444035218955-9e27289e41b713911279b7b998e7f82c-1111-1715785088.jpg
Di tích Giếng Cốc. Ảnh: Nguyễn Diệu

"Ông đồ ngồi xếp bằng trên phản gụ, tựa khuỷu tay xuống mặt cái gối cốt bông bọc vải điều gấp cao ba thớt. Anh nho Sắc ngồi đối diện với ông nhạc, vẻ thoải mái. Bé Khiêm ngủ say, nằm sát bên đùi ông, chân duỗi dài sang gần chỗ bố ngồi. Ngọn đèn dầu lạc đậu trên mép đĩa tỏa sáng khắp gian nhà.

Nhiều người sẽ thắc mắc, đặt nhiều câu hỏi vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nhỏ được đặt tên là Côn. Và ai là người đặt cho Bác tên ấy, đặc biệt tên Côn có ý nghĩa như thế nào? Tất cả đã được Sơn Tùng gói gọn trong phần thời “thời thơ ấu” - Búp Sen Xanh. 

“Mừng cho nhà ta, mừng cho cả họ Nguyễn làng Sen... Ông đồ đứng lên, dáng cung kính, thắp năm nén hương, vái năm vái trước bàn thờ gia tiên. Ông đứng nghiêm trang trước làn hương khói. Anh nho Sắc cũng đứng chắp tay thành kính ở phía sau ông. Từ phía đầm sen, tiếng chim cuốc khắc khoải: Quốc... Quốc!

Hai cha con ông đồ trở lại chỗ ngồi. Ông đồ dằn từng tiếng: “Dạ... thính... tử... quy... thốn... tâm... cam” (đêm nghe chim tử quy nhói tim gan). Anh nho Sắc nhận thấy ở người bố vợ, người thầy dạy học của mình từ ngày lâm bệnh, tâm trạng có nhiều trăn trở, nhiều cảm hoài. Anh muốn đứa con trai thứ của mình được ông đặt tên cho. Anh nói: Thưa cha, cha đặt tên cho cháu đêm nay luôn ạ".

z5418662688752-e4696c30a522c5c712e0f9366bfad017-1715100133-1715785492.jpg
Làng Hoàng Trù - quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh

"Tôi đang nghĩ. Ông đồ gõ gõ ngón tay trên mặt gối, nói tiếp: Sinh con quý tử khó nuôi... Trồng cây ngon trái lắm người lăm le... Con người ta có thể xét đoán được hiệu quả trước của công việc mình sắp làm. Ví như khi ta cầm hạt giống trong tay thì ta đã dám tin chắc sẽ có những mầm cây mọc lên bậm bạp, và nhìn những mầm non xanh tốt đoán biết được cây quả của nó sau này. 

Cho nên, tôi muốn đặt cho cháu tên là Côn (theo cụ Nguyễn Sinh Khiêm kể và ghi trong “Tất Đạt tự ngôn”, trang 81), tự là Tất Thành. 

Anh nho sắc chớp chớp mắt, môi hé nở nụ cười: Côn... Ấy là tích loài cá hóa chim bằng, phải không thưa cha? Chính vậy đó. Theo mong ước của tôi thì... thằng bé sẽ có chí vùng vẫy bốn bể, dù gặp truân chuyên chìm nổi, nhưng ắt thành công. Cho nên tự Tất Thành.

Anh nho Sắc nâng cây bút lông thỏ dúng vào nghiên son. Hương trầm, hương sen như tỏa khắp gian nhà và tụ hội vào ngọn bút Nguyễn Sinh Sắc đang nắn nót dòng chữ Nguyễn Sinh Côn, tự Tất Thành..."

Nắng vẫn rợp cả con đường vào quê Người, vị cha già dân tộc, bậc vĩ nhân đã dâng hiến cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam. Hậu thế như chúng ta, khó có thể dùng một mỹ từ nào để nói hết về Người, chỉ biết rằng: 

“... Mẹ Việt Nam sinh một người con trung hiếu

Người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh..."

Chú thích:

- Ông đồ: Cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bà đồ: Cụ Nguyễn Thị Kép - Bà ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Anh nho Sắc: Ông Nguyễn Sinh Sắc - Thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chị nho Sắc: Bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Cô An: Hoàng Thị An - Em gái bà Hoàng Thị Loan.

- Bé Thanh: Nguyễn Thị Thanh - Chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Bài viết có sử dụng tài liệu từ trang 9 đến trang 17, phần "thời thơ ấu" trong tác phẩm Búp Sen Xanh của nhà văn Sơn Tùng do nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản (tái bản lần thứ 32).

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Sinh Côn, tự Tất Thành" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.