Làng Hoàng Trù quê ngoại - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời

08/05/2024 09:36

Theo dõi trên

Làng Hoàng Trù hay còn gọi làng Chùa, là cái nôi của văn hóa xứ Nghệ. Ngôi làng nổi bật giữa cánh đồng bao la yên bình thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 12 km. Đây là quê hương của thân mẫu Bác Hồ - cụ bà Hoàng Thị Loan, cũng là nơi cha mẹ Bác nên duyên vợ chồng và sinh ra ba người con ưu tú, trong đó có một người con kiệt xuất của đất nước, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. 

Trên mảnh đất tại làng là cụm di tích Hoàng Trù rộng 3.500m2, gồm: Ngôi nhà của cụ Hoàng Đường - ông ngoại của Bác Hồ, ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan - thân sinh Bác Hồ.

z5418662639347-6f33eaa50ee224ad79b6f93739814b38-1715100050.jpg
Ngôi nhà tranh đơn sơ của cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép (ông bà ngoại Bác Hồ), gồm có 5 gian và 2 chái. Tại nơi đây, năm 1868, bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ đã chào đời. Ảnh: Như Yến
z5418662688752-e4696c30a522c5c712e0f9366bfad017-1715100133.jpg
Trong khu nhà tại làng Hoàng Trù, hàng râm bụt vẫn còn xanh mướt, được cắt tỉa gọn gàng như dẫn lối du khách vào tổ ấm đơn sơ của Bác lúc còn bé, là nơi Bác sống trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại, trong từng lời ru dịu dàng của mẹ, là mái nhà ấm áp yêu thương. Ảnh: Như Yến

Vào dịp Tết Mậu Dần năm 1878, cụ Hoàng Đường trên đường đi chúc Tết gặp một chú bé ngồi trên lưng trâu mải mê đọc sách. Chú bé đó tên là Nguyễn Sinh Sắc, vốn mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 4 tuổi. Cảm thương hoàn cảnh và quý trọng đức hiếu học, cụ Hoàng Đường đã xin phép họ Nguyễn Sinh đưa Nguyễn Sinh Sắc về nuôi, cho ăn học. Khi đó Nguyễn Sinh Sắc tròn 15 tuổi. Được sự dạy bảo của cụ Hoàng Đường, Nguyễn Sinh Sắc càng học càng thông minh, nổi tiếng khắp vùng. Năm Nguyễn Sinh Sắc tròn 18 tuổi, hai cụ chọn ông làm con rể cho con gái đầu lòng Hoàng Thị Loan.

z5418662716049-bdba34e325b0ab5c7add1db3e86bce7c-1715100175.jpg
Gian nhà ngoài là nơi cụ Hoàng Đường mở lớp dạy học, đây là lớp học đầu tiên ươm trồng tài năng của ông Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Bác Hồ. Ảnh: Như Yến
z5419055032783-cfd5350af373cc957973cdcfee9cea50-1715100200.jpg
 Bộ nậm rượu, chén trà và nghiên mực, bút lông của cụ Hoàng Đường. Ảnh: Như Yến

Năm 1883, hai người thành hôn, ra ở riêng trong ngôi nhà nhỏ 3 gian mới dựng. Ngôi nhà là nơi chứng kiến người học trò Nguyễn Sinh Sắc miệt mài đèn sách, chứng kiến sự tần tảo, thủy chung của người vợ và sự ra đời của những người con. Tại kỳ thi Hương năm Giáp Ngọ 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ cử nhân trường Nghệ, năm 1895, vào kinh đô Huế để ôn luyện và đưa cả vợ con theo.

z5419084583662-9bc4ccb9506749d747bd7df5204b205a-1715100230.jpg
Căn phòng vẫn còn lưu giữ gía sách, nghiên mực và hộp bút lông, cũng là nơi cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo văn chương với ông Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: Như Yến
z5419018705556-53998e306380090aa09d92aab0204472-1715100275.jpg
Ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan được cụ Hoàng Đường dựng lên khi hai người thành hôn. Cũng tại ngôi nhà nhỏ nép mình dưới khóm tre xanh, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời vào ngày 19/5/1890 trong vòng tay yêu thương của gia đình. Ảnh: Như Yến

Sau khi sinh người con thứ tư (năm 1900), bà Hoàng Thị Loan qua đời trên đất Huế ở tuổi 33 (tháng 2-1901). Cha con ông Nguyễn Sinh Sắc đau buồn rời đất đế đô trở lại làng Hoàng Trù sinh sống. Tới kỳ thi Hội khoa Tân Sửu (1901), ông Nguyễn Sinh Sắc lại vào Huế dự thi và đậu Phó bảng, được vua Thành Thái ban cho tấm biển “Ân tứ ninh gia” (Ơn vua ban cho gia đình tốt). Theo truyền thống, ông Nguyễn Sinh Sắc cùng các con tạm biệt làng Hoàng Trù trở về quê nội - làng Kim Liên để vinh quy bái tổ.

z5418663115768-5f33661d267d66ad82da3de4690743ae-1715100319.jpg
Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân có 3 gian gồm 1 gian chính và 2 gian phụ, được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 34, tức năm Tân Tỵ - 1881. Sau khi đưa Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Bác Hồ) về nuôi và cho ăn học được 3 năm, cụ Hoàng Đường đã cho dựng ngôi nhà thờ này. Ban đầu ngôi nhà lợp mái tranh, đến năm 1930 thì được tu sửa và lợp ngói.
z5418663071019-a377137915c4acf39d8e75a4eb764624-1715100339.jpg
Bàn thờ họ Hoàng Xuân. Ảnh: Như Yến

Khu di tích Hoàng Trù quê ngoại là nơi đã gắn bó những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ và cũng đầy gian khó, nhọc nhằn của Người cùng ông bà, cha mẹ, các anh chị em. Cũng chính tại nơi đây, Người đã nhận được tình yêu thương của những người thân, của quê hương, được chứng kiến sự dạy dỗ tận tình của ông ngoại với cha mình. Những giá trị tinh thần ấy là khởi nguồn cho một khát vọng lớn lao, để cậu bé Nguyễn Sinh Cung trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa của đất nước Việt Nam và của nhân loại.

Cả một đời bôn ba lo việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân tới nhiều quốc gia, nhiều miền quê trên khắp đất nước Việt Nam này, thế nhưng Người chỉ có điều kiện trở về nơi "chôn rau cắt rốn" được một lần duy nhất. Đó là vào ngày 9/12/1961, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Hồ Chí Minh về lại làng Hoàng Trù sau nhiều năm xa cách. 

Giờ đây, ngôi làng Hoàng Trù vẫn rất đỗi giản dị và bình yên, vì đã mang dáng vóc, hơi thở của Người, là cái nôi góp phần hình thành nên nhân cách và tư tưởng của Hồ Chí Minh.

z5418662968432-f02dc3524dc3efbb1f919b9e3364e95c-1715100370.jpg
Khu di tích Hoàng Trù là di tích Quốc gia đặc biệt liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Như Yến
z5418662675366-4f96cc63fe9ba7aafe41e82dae298e11-1715100572.jpg
Hàng cau quê ngoại Bác cao vun vút, hòa mình vào lũy tre xanh rợp bóng mát như che chở cho ngôi nhà qua bao năm tháng. Ảnh: Như Yến
z5418662528714-b46692bbc663d3c7c55f540b1d366f8e-1715101310.jpg
Làng Hoàng Trù quê ngoại Bác lúc vào vụ lúa chín vàng trông đẹp như một bức tranh. Ảnh: Như Yến

Ngắm nhìn những kỷ vật vẫn còn vẹn nguyên của gia đình Bác Hồ tại quê ngoại Hoàng Trù khiến ai nghẹn ngào, cũng rưng rưng xúc động. Mỗi vật dụng là mỗi câu chuyện về tấm lòng cao thượng của người cha, tình yêu nhân ái của người mẹ, và là những bài học khiến người nghe phải bồi hồi xúc động mỗi khi được nhắc về.  

z5418663066918-3c0bf9ba59de8c16d38a496a2910b284-1715100420.jpg
Cánh võng mộc mạc, nơi Bác lớn lên với tiếng ru à ơi của mẹ. 
z5418663123525-c62abcf788da34d77a0d7722a0e85f6e-1715100440.jpg
Chiếc khung cửi thân thương dùng để quay tơ, dệt vải, là nơi người mẹ Hoàng Thị Loan tảo tần cả đời vì chồng vì con
z5418662807423-64b2dff3f08373a8cff7177bf936e364-1715100461.jpg
Chiếc tủ gỗ đựng lương thực cùng chiếc mâm gỗ sơn đen dành để tiếp khách quý là những vật dụng trong nhà ông ngoại của Bác
z5418663131252-5df7895c9eb1cb7390ce3391a16e8b00-1715100487.jpg
Chiếc bàn học là nơi đã ươm mầm nhiều tài năng cho đất nước.
z5418662782369-ad23b8e5730c551e83770f11a5f99750-1715100508.jpg
Chiếc giường nơi các anh chị em Bác được sinh ra
z5419025212641-35c94445283e76bc82a579b6f62100c2-1715100541.jpg
Gốc mít này là một trong những di sản gắn bó với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sống ở làng Hoàng Trù – Quê ngoại (1890- 1895). Trong lần về thăm quê ngày 9/12/1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chà, cây Mít ngày xưa mà nay vẫn còn, cây này sai quả, múi nhiều, cùi mỏng nhưng rất ngọt”. Trải qua thời gian hơn 1 thế kỷ và bị ảnh hưởng nhiều của thời tiết khắc nghiệt, cây mít đã bị lão hóa và chết. Ngày 11/2/2020 Khu di tích Kim Liên đã xử lý và cho trưng bày tại đây để phục vụ du khách về tham quan chiêm ngưỡng.

Như Yến
Bạn đang đọc bài viết "Làng Hoàng Trù quê ngoại - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.