Nếu như người Thái ở vùng cao Tây Bắc luôn có câu châm ngôn “khắc đi khắc đến” để động viên mình trước mỗi chuyến đi xa nhiều vất vả thì với quá trình làm giàu của anh Lò Văn Nghĩ cũng ứng nghiệm với câu nói này. Hành trình làm giàu của anh Nghĩ đúng là “khắc làm… khắc thành công”.
Mô hình trồng nấm của anh Nghĩ vừa tạo nguồn thu nhập vừa là nơi hướng dẫn hộ nghèo học nghề. Ảnh: K.T
Hơn chục năm trước, khi cả bản Sẳng vẫn là hầu hết hộ đói nghèo thì gia đình anh Nghĩ đã thuộc vào hàng có “của ăn của để” và anh được bầu làm Phó chi hội trưởng nông dân của bản. Đất bản Sẳng vốn chật hẹp, ruộng nước hiếm nên trông chờ chủ yếu vào đất nương dốc. Muốn có ruộng trồng lúa nước thì phải khai hoang, phục hóa. Anh Nghĩ đã trần mình tu bổ, khai hoang được hơn 1.600m2 ruộng nước dọc suối Nậm La: “Nhưng nếu cứ trồng lúa nước theo cách cũ thì năng suất thấp lắm. Thấy ở đâu tổ chức tập huấn khuyến nông là tôi tìm đến nghe, ghi chép cẩn thận rồi áp dụng vào mấy ruộng lúa nước của gia đình. Nhờ vậy, năng suất lúa của gia đình thường đạt gần 2 tấn/vụ, đủ lương thực cho gia đình 5-6 miệng ăn” – anh Nghĩ kể.
Xoè bàn tay thô ráp, to bè ra trước mặt tôi, anh Nghĩ cười nói: “Tôi là người đầu tiên của bản dùng ngô giống mới, bón phân cho cây trồng trên nương, nuôi trâu, bò, lợn, gà mang tính hàng hóa. Rồi đầu tư cả máy xay xát, máy cày tay, công nông, làm trang trại…”. Anh Nghĩ làm trang trại ở thung lũng Cọ Phiêng Dìa vốn bao năm bỏ hoang vì đất dốc, đường lên khó khăn, xa bản. Hiện với gần 0,5ha đất đồi dốc ấy, anh Nghĩ đã có nguồn thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Cứu mình và giúp người khác
"Anh Nghĩ không chỉ lo xóa nghèo làm giàu cho chính gia đình mình mà còn biết chăm lo cho nhiều hộ dân khác. Những mô hình làm ăn của anh Nghĩ rất phù hợp với người nghèo…”, ông Lù Văn Thiện- Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm.
Đó là quan điểm vượt khó, làm kinh tế của anh Lò Văn Nghĩ. Với nguồn lãi ròng mỗi năm tới gần 200 triệu đồng từ kinh tế trang trại, anh Nghĩ có thừa vốn để làm những ngôi nhà cao tầng, sắm xe ô tô con và kinh doanh ngoài thành phố. Nhưng anh vẫn bám bản, bám dân để giúp được nhiều người làm theo mình.
Đi thăm trang trại của anh mới hiểu những tâm sự của anh Nghĩ là rất chân thành. Trang trại của anh nằm sâu trong vách núi. Tại đây, ngoài rất nhiều cây ăn quả, cây công nghiệp như xoài, nhãn, bưởi, cà phê… thì còn mấy dãy nhà tạm.
Anh Nghĩ cho hay: “Tôi nuôi hàng chục con lợn nái và lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng khoảng chục tấn lợn hơi. Tôi còn nuôi gần 200 con vịt đẻ, đó là nguồn thu hàng ngày để lấy cái đầu tư cho những cái dài hơi hơn. Gà thả vườn của tôi cũng có mấy trăm con, lúc nào cần khoản chi dăm bảy triệu đồng là chỉ khoảng nửa tiếng sau là có thể đáp ứng. Ngoài ra tôi còn nuôi nhiều ngan, ngỗng rồi trồng cả nấm…”.
Nông dân trong bản Sẳng ai cũng có thể đến thăm và học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt ở trang trại của anh Nghĩ. Đã có hàng trăm lượt hộ nghèo được anh Nghĩ hỗ trợ giống gia cầm, gia súc. Nhận xét về anh Nghĩ, bà Quàng Thị Mai, nông dân bản Sẳng, chia sẻ: “Quý nhất là Nghĩ làm giàu nhưng không từ chối ai khi họ cần giúp đỡ. Vì thế bản này không chỉ khá lên về kinh tế mà còn ấm êm hơn nhiều. Ai cũng muốn Nghĩ làm trưởng bản mãi thôi...”.
Theo Kiều Thuận (Dân Việt)