Người B’râu - Tộc người giỏi nhiều thứ tiếng nhất Việt Nam (Bài 2)

23/10/2014 11:42

Theo dõi trên

Người B’râu, thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum nằm sát ngã ba biên giới 3 nước Lào - Việt – Campuchia. Ở đây có nhiều nét khác biệt về văn hoá so với các dân tộc khác trên cùng một địa bàn, một trong những nét đặc biệt của họ chính là việc tinh thạo nhiều thứ tiếng.



Thôn Đak Mế, nơi mỗi người dân đều biết ít nhất 3 ngoại ngữ

 
Ngôn ngữ khác biệt với các dân tộc khác

Mọi người B’râu khi sinh ra và lớn lên, ngoài tiếng bản địa B’râu và tiếng phổ thông thì ai cũng đều tinh thông các “ngoại ngữ” Lào, Campuchia, Thái và tiếng của các dân tộc lân cận trên địa bàn. Họ có thể giao tiếp với tất cả dân tộc khác bằng chính phương ngữ của dân tộc đó. Thế nhưng điều đặc biệt là các dân tộc khác không ai có thể hiểu được tiếng B’râu ngoài chính người B’râu. Trưởng thôn Thao Lợi, người biết được mười thứ tiếng vẫn tự nhận mình là còn quá ít so với những người khác.

Thao Lợi cho biết, người B’râu trước kia vốn có nguồn gốc từ hạ Lào và một phần từ Campuchia và Thái Lan, trong quá trình di cư, tổ tiên người B’râu đã đến vùng đất thôn Đăk Mế làm ăn sinh sống rồi định cư ổn định cho đến ngày hôm nay. Cũng chính vì điều đó mà tiếng nói của người B’râu rất đặc biệt so với các dân tộc khác tại ngã ba Đông Dương, đó chính là sự pha trộn của tiếng Khơ me (Campuchia), tiếng Thái và tiếng Lào. Tuy có sự pha trộn lai tạo tiếng của ba dân tộc tổ tiên, nhưng tiếng B’râu hiện nay và tiếng nói của ba dân tộc ấy chỉ có sự giống nhau vào khoảng 15%, chính vì điều đó mà khi người B’râu sử dụng tiếng nói của mình để giao tiếp thì người dân ở những dân tộc đó hiểu được rất ít.

Về nguyên nhân vì sao người B’râu lại có thể thông thạo nhiều thứ tiếng như vậy, ông Thao Lợi giải thích: “Chúng tôi sinh sống ở vị trí ngã ba biên giới, làm ăn giao lưu tiếp xúc với người dân tộc khác nhiều, lâu ngày thành quen dần dần chúng tôi có thể hiểu được tiếng nói của họ. Với lại nguồn gốc của người B’râu chúng tôi chủ yếu là từ Lào – Campuchia - Thái Lan, mọi người thường xuyên sang thăm bà con họ hàng bên đó, về cơ bản đã là người B’râu thì ai cũng biết và thông thạo tiếng Lào, Khơ Me và tiếng Thái”. 

Cũng theo trưởng thôn Đăk Mế cho biết, ở thôn không chỉ có cánh đàn ông thường xuyên ra ngoài làm ăn buôn bán mới giỏi nhiều thứ tiếng, phụ nữ và trẻ em cũng đều rất giỏi. Trưởng thôn Thao Lợi biết đến 10 thứ tiếng nhưng lại tự nhận mình còn kém xa vợ là chị Nang Sai. Theo Thao Lợi, Nang Sai không những biết đến 3 ngoại ngữ mà còn nghe, hiểu và nói được mười tám thứ tiếng khác nhau, bao gồm tiếng Lào – Thái - Khơ me, tiếng Cà Dông, Rơ Mâm, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng… Một phần do quá trình tiếp xúc giao lưu buôn bán làm cho vốn hiểu biết các tiếng nói của dân tộc khác nhiều lên, phần nữa là thông qua việc những người trong cộng đồng B’râu kết hôn với những người thuộc cộng đồng dân tộc khác mà họ có thể hiểu tiếng nói của dân tộc đó.

Dễ “tán gái” nhờ giỏi nhiều thứ tiếng

Thông thạo ngoại ngữ, lại am hiểu nhiều thứ tiếng của các dân tộc khác đã đem lại rất nhiều lợi ích trong công việc lẫn cuộc sống. Ông Thao Lợi cho hay, cứ mỗi lần đi đến các bản làng khác giao lưu hay thăm hỏi bạn bè, khi mình dùng tiếng nói của họ để giao tiếp thì rất được quý mến kính trọng, bởi đó là một hành động được người đồng bao dân tộc thiểu số coi là có văn hoá biết tôn trọng gia chủ. 

Ông Thao Lợi kể lại: “Làm cán bộ nên thường xuyên phải đi vận động tuyên truyền chính sách Nhà nước cho bà con đồng bào thiểu số các nơi, nhiều lần đến địa bàn thì mình dùng tiếng của họ thay vì tiếng phổ thông để nói chuyện với họ. Họ thấy mình nói được tiếng họ thì khoái lắm, cứ bảo sao mày người B’râu mà lại giỏi tiếng dân tộc tao vậy. Thế nên ở tỉnh, ở huyện, cán bộ nào về địa phương làm việc với dân cũng gọi mình đi theo hổ trợ. Thậm chí sang nước bạn làm việc cũng gọi mình. Con trai làng này giỏi tiếng nên đi cưa gái ở các làng khác thì được nhà người ta quý lắm. Tán đâu đổ đó không à!”. 

Không những thế, mỗi khi làm ăn buôn bán với người nước ngoài tại khu vực biên giới thì người B’râu luôn được các đối tác bạn hàng tôn trọng, đơn giản là bởi khi họ giao tiếp thoả thuận với người B’râu, họ có thể nói chuyện thoải mái mà không cần người phiên dịch rườm rà.

Hiện nay, những người được xem là thông thạo nhiều thứ tiếng nhất ở thôn Đăk Mế có thể kể đến những cái tên như ông Thao Kim, Thao Ất, Thao Mưu, Thao Phim và già làng Thao Lăng. Đây là những người đã có tuổi, đã từng đi nhiều tiếp xúc nhiều với các cộng đồng người khác trong một thời gian tương đối dài. Ví dụ như ông già Lăng, ông có thể nghe hiểu và nói thông thạo được hơn hai mươi thứ tiếng, anh A Mưu, biết được mười bảy thứ tiếng…

Về chữ viết, người B’râu cũng có chữ viết riêng, họ dùng hệ chữ của người Khơ Me để ghi lại tiếng nói của dân tộc mình. Tuy vậy, khi nhưng người Campuchia đọc vào văn bản chữ viết của người B’râu ấy họ lại hoàn toàn mù tịt, không thể hiểu được gì cả.

Trăn trở trước nguy cơ mai một chữ viết

Biết nhiều thứ tiếng, đó là đặc trưng truyền đời của người B’râu, nhưng không phải tự nhiên nó có, đó cũng là một quá trình rèn luyện học hỏi nghiêm túc. Thường quá trình đó bắt nguồn từ khi còn bé cho đến khi về già.

Ông Thao Lăng, già làng Đăk Mế chia sẽ bí quyết học tiếng của mình: “ Muốn hiểu tiếng dân tộc nào thì ít nhất mình phải biết sơ lược về tính tình của họ. Phải quen một vài người trong họ, rồi gặp mấy đứa trẻ con ấy, cho nó ít kẹo rồi rủ nó đi chơi, nghe nó nói chuyện với nhau rồi mình chú ý nhớ lại âm thanh chúng phát ra. Bọn nhỏ nó nói cả tiếng phổ thông (tiếng Kinh) lẫn tiếng dân tộc trộn lẫn nên mình dễ nắm bắt cái nghĩa nó lắm. Cái gì mình nghe chưa rõ, chưa hiểu thì phải hỏi lại bạn bè trong làng đó bằng tiếng phổ thông cho rõ nghĩa. Lâu dần thì học được cả thôi mà!”.

Còn về nguyên tắc để tinh thạo được tiếng của dân tộc khác, ông A Mưu, một người dân cũng có tiếng là thông thạo nhiều thứ tiếng trong thôn chia sẽ: “Để hiểu và nói được thì bắt buộc phải tập trung chú ý lắng nghe khi người ta nói, nghe và tập trung ghi nhớ cho kỹ. Phải tìm cách nói chuyện giao tiếp trao đổi qua lại nhiều, càng nhiều càng tốt. Chứ tôi thấy thanh niên giờ học tiếng Anh có máy móc hiện đại vậy mà chẳng có hiệu quả gì cả. Quan trọng là phải chú ý, chú tâm, vậy mới học được.” 

Tuy phong trào học tiếng được phổ biến ngày càng rộng rãi cho con em, thế nhưng hiện nay chữ viết Khơ Me phiên âm cho tiếng B’râu rất khó học mà thế hệ trẻ giờ đây trong thôn dường như chỉ chủ tâm học chử viết phổ thông thế nên chữ viết của người B’râu cũng dần mai một. 

Trưởng thôn Thao Lợi tâm sự: “Giá mà được nhà nước quan tâm hổ trợ giúp đỡ thì chắc chắn việc bảo tồn lưu giữ chữ viết B’râu vẫn có thể làm được trước khi quá muộn! Tôi tin vậy!”.
 
Uông Ngọc Tân

Bạn đang đọc bài viết "Người B’râu - Tộc người giỏi nhiều thứ tiếng nhất Việt Nam (Bài 2)" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.