Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016. Mỗi khi được tham gia giá hầu, được nghe tiếng hát văn khi rộn ràng, lúc nỉ non, khoan thai dìu dặt trong đền, trong điện, trong phủ… giống như món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt chúng ta.
“Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”: Tháng ba là tháng hội của các đền phủ, điện thờ nữ thần nói chung và đạo Mẫu nói riêng. Vào dịp này, tại tất cả các đền, phủ, điện đều giỗ kỵ Thánh Mẫu. Xưa kia, vào dịp giỗ Mẫu, cũng giống như ở Phủ Dầy đều có đám rước Mẫu từ phủ, đền lên chùa để thỉnh mời Phật Bà Quan Âm, vị Phật Mẫu đã giải thoát và mở đường quy y cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Cùng với ngày giỗ kỵ, suốt ba tháng mùa xuân, từ sau tết Thượng nguyên đến hết tháng ba, các đền, phủ, điện đều có nghi lễ Lên đồng. Tháng tám là tháng giỗ cha, mà trong quan niệm dân gian đó là vua cha Ngọc Hoàng, vua cha Bát Hải Đại Vương và cả Đức Thánh Trần với tư cách là Ngọc Hoàng của Việt Nam, một cặp đối sánh với Thánh Mẫu của Đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ.
Đây là thời gian các thanh đồng đắm mình vào chốn tâm linh với mùi nhang khói để tri ân cùng các Thánh, cầu mong Thánh ban nhiều tài lộc, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mang tới cái đẹp cao cả chân – thiện – mĩ.
Nét đẹp hầu đồng trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, ngày nay đã được nhìn nhận đánh giá lại một cách công tâm hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thanh đồng chân chính thì đâu đó vẫn còn xuất hiện nhiều thanh đồng vụ lợi, bất chính. Nhiều người chưa nhận thức đúng về loại hình văn hóa tâm linh tín ngưỡng này nên đã tự mở phủ để nhằm trục lợi cá nhân làm cho nét đẹp này trở nên méo mó, biến tướng.
Qua đó, ta thấy được thời nay hầu đồng bị biến tướng ít nhiều. Đã gọi là lễ thì phải khiêm cung, kính trọng. Rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để trả lại đúng bản chất cho một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
Tôi là người con của Thánh Mẫu phụng sự đạo mẫu, thuộc lớp người “mãn chiều xế bóng” nên chỉ mong các thế hệ nối tiếp luôn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ, xây dựng đạo mẫu Tam phủ được trường tồn, cầu Đức Thánh Mẫu độ trì cho đất nước luôn phồn vinh, xã tắc vững bền. Xin được kết lại bằng câu thơ của Nhà thơ Chế Lan Viên: “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi con sông”…