Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh - Nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng của vùng đất giàu truyền thống văn hóa

20/05/2024 16:09

Theo dõi trên

Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh nằm ngay dưới chân Đèo Ngang (thuộc thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), được bao bọc bởi dãy Hoành Sơn trùng điệp với danh thắng Hoành Sơn Quan, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng của vùng đất giàu truyền thống văn hóa của phía nam Hà Tĩnh.

z5458719903797-272fa5fb21e833155450f2b053123157-1716194150.jpg
Cung điện thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Ảnh: V.H

Liễu Hạnh công chúa cùng Sơn Tinh, Thánh Gióng và Chữ Đồng Tử là bốn vị thánh được nhân dân tôn kính, gọi là “Tứ bất tử”. Ngoài ba vị nam thần đầu tiên có từ thời Hùng Vương và được thờ nhiều nơi từ rất lâu thì Mẫu Liễu Hạnh là hình mẫu người phụ nữ duy nhất được đưa vào hệ thống thần thánh từ đời hậu Lê.

Trong tiềm thức của người dân, Liễu Hạnh là một vị thần, một biểu tượng về khát vọng tự giải phóng của người phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến; khát vọng đạt được những ước mơ về hạnh phúc gia đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt Nam được ký thác vào biểu tượng người mẹ gắn với một truyền thuyết về bà chúa Liễu.

z5455641836586-bd3a02634f4d545493beb2cc2f60a33b-1716193852.jpg
Điện thờ Tam tòa Thánh Mẫu gồm: Chính điện cung giữa thờ Mẫu đệ nhất tiên thiên Thánh mẫu Liễu Hạnh; bên trái thờ Thánh mẫu đệ nhị Thượng ngàn; bên phải thờ đệ tam Thánh mẫu thoải phủ đồng đình lân nữ hộ trung Thụy hoa Công chúa. Ảnh: V.H

Liễu Hạnh là con Ngọc Hoàng, tính tình phóng túng, không chịu theo khuôn phép nhà trời. Ngọc hoàng phạt dày nàng xuống trần ba năm… Liễu Hạnh hóa thân thành cô gái đẹp cùng vài nữ tỳ dựng quán hàng ở chân đèo Ngang, bên đường thiên lý. Ngày nào quán cũng đông khách. Bất cứ ai lên xuống đèo đều phải ghé lại cái quán duy nhất ở ven rừng có cô chủ quán xinh đẹp.

Nhưng, hễ ai vào nghỉ ngơi, ăn bánh, uống nước rồi tiếp tục lên đường thì không sao, còn ai giở trò cợt nhã, làm điều bất chính thì khi trở về, không lăn ra chết cũng hóa điên dại… Tiếng đồn đại về cô chủ quán đèo Ngang lan nhanh ra đến Thăng Long. Một hoàng tử con vua Lê Thánh Tông. Vốn ham mê sắc dục, liền cùng một số kẻ hầu người hạ, cải trang vào tận nơi để thỏa mãn tính hiếu kỳ…

z5458729389785-f674a545893b0cefd7b5cfc3c600684c-1716194151.jpg
Nhà Sơn trang thờ chúa Thượng ngàn Thánh mẫu đệ nhị; bên phải thờ Trần triều hiển thánh Hưng Đạo Đại Vương; bên trái thờ Chúa sơn lâm Sơn trang và 12 tiên cô, 12 thánh cậu. Ảnh: V.H

Liễu Hạnh đã biết trước chuyện này, hóa phép thành cây đào tiên ven đường, có một quả chín mọng. Hoàng tử hái định ăn, thì quả đào nhỏ dần rồi biến mất. Chàng trai trẻ không hiểu việc Liễu Hạnh cảnh cáo mình, nên vào quán, nấn ná đến chiều rồi xin nghỉ lại… Đêm đến, cô chủ quán vẫn ngồi trò chuyện với Hoàng tử đến khuya. Chàng liền buông lời chòng ghẹo… bị cô từ chối, bỏ vào nhà trong. Chàng theo vào thì không thấy cô chủ đâu mà chỉ thấy một cô gái xinh đẹp khác. Chàng vừa đụng đến cô ta thì hóa ra đó là một con khỉ cái già. Chàng hoảng quá, rú lên. Bọn lính hầu nằm ngoài sân xông vào, con khỉ lại hóa thành con rắn mang hoa bò qua người hoàng tử rồi leo lên xà nhà, miệng phun lửa phì phì…

Hoàng tử được cấp tốc đưa về kinh kỳ và trở thành điên dại. Các thầy thuốc giỏi đều bó tay. Cuối cùng, nhà vua hỏi ra ngọn ngành, và có người mách cho, bèn sai người vào Thanh nhờ tám vị Kim Cương, bộ hạ của Phật bà, đánh nhau với Liễu Hạnh ba ngày ba đêm liền. Rừng núi đèo Ngang thành bãi chiến trường tan hoang… Tám vị Kim Cương không làm được gì Liễu Hạnh bèn về xin Phật bà giúp đỡ, mới bắt được Liễu Hạnh đưa về kinh… Liễu Hạnh xưng mình là con Trời, và việc nàng trừng trị bọn đàn ông hay chòng ghẹo đàn bà con gái là hợp phép nước. Nhà vua nghe xong, đổi giận làm lành, thả nàng về núi, khuyên không nên tàn hại dân lành… Ít lâu sau, Liễu Hạnh sinh một con trai, mỗi bàn tay đều có 6 ngón. Lúc ấy cũng là ngày hết hạn bị đày, nàng đem con đến gửi cho một vị sư ở chùa trên ngàn Hống nhờ nuôi hộ và giúp cho con mình về sau được lừng danh, rồi về trời…”.

Về sau, nhân dân địa phương lập miếu thờ Liễu Hạnh công chúa trên vùng đất tương truyền là chợ Ba Đồng, nơi chúa Liễu Hạnh mở quán ngày xưa; người vùng này thường gọi là “quán bà chúa Liễu” hay “miếu bà chúa Sơn”. Trong miếu có 3 pho tượng (Tam tòa Thánh mẫu) và câu đối: “Lục quý linh thông thần tự tại/ Tam thửa diệu ứng phật như lai”.

z5458732328691-5137413603115125dc1bdf8950b6aafc-1716194150.jpg
Nhà đạo quán thờ Mẫu đệ nhất tại quán tiên thiên Liễu Hạnh Công chúa; 02 bên thờ cô Quỳnh và cô Quế là người hầu Mẫu. Ảnh: V.H

Đền thờ Liễu Hạnh công chúa vừa có sự tích riêng, vừa là hình tượng Mẫu Liễu Hạnh chung trong đời sống tâm linh của nhân dân ta.

Toàn bộ khuôn viên Đền có diện tích gần 5.700m2, gồm 03 tòa thờ Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam, trong đó 01 miếu thờ chính ngay vị trí là quán bà chúa Liễu” hay “miếu bà chúa Sơn”. Nhìn tổng thể đây là một công trình kiến trúc tuy nhỏ, xây dựng bằng đá, gạch, vôi nhưng vẫn mang truyền thống mỹ quan Á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này được thể hiện qua kết cấu cổng tam quan được bố trí một cách đối xứng, cân đối và hài hòa thể hiện sự trung chính, ngay thẳng và cũng là ước mơ của con người.

z5455641912043-753d3953b10f9e57b1e4e2b35ade2247-1716193852.jpg
Điện thờ quán thế âm Bồ Tát. Ảnh: V.H

Chủ đề trang trí của Đền là các hình tượng như Tứ Linh (long, lân, quy, phụng), tứ thủ (cầm, kỳ, thi, họa), tứ quý (tùng, trúc, mai, sen) và nhiều biểu tượng cúc hóa long, mai hóa long, tùng hóa long… Đặc biệt, nhìn vào bố cục kiến trúc của Đền được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao theo một trục dọc, cân đối và đăng đối, chính bố cục này đã làm thêm phần trang nghiêm của đền Liễu Hạnh công chúa.

Đền Liễu Hạnh Công chúa như một minh chứng cho sự tích trong truyền thuyết dân gian có từ lâu đời đã trở thành một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng. Vì vậy, di tích đền Liễu Hạnh Công chúa, xét về quy mô, phong cách và vị trí của nó trong lịch sử phát triển của dòng tín ngưỡng dân gian Việt rất xứng đáng để chúng ta trân trọng, bảo tồn.

z5455641718688-9610f70b5e9d0af11b99c8323cf08dc7-1716193852.jpg
Đền thờ đã trải qua 03 lần trùng tu vào các năm 1979, 1988 và 2006 do tiền công đức của du khách thập phương và chính quyền, nhân dân địa phương đóng góp tu sửa. Ảnh: V.H
z5458719802960-f6a5597bf93b679019d6a6594d9eca3b-1716194150.jpg
Đền tọa lạc dưới chân Đèo Ngang với cảnh đẹp trùng điệp. Ảnh: V.H

Đền đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố vào ngày 06/01/2011 theo Quyết định số 49/QĐ-UBND. Hàng năm vào dịp Lễ tết, ngày rằm, mồng 1 đón lượng khách thập phương đến đi Lễ tương đối đông, đặc biệt là ngày giỗ của bà 03/3 âm lịch.

Tuy nhiên địa phương cần có sự quan tâm, quảng bá về sự tích, giá trị tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử đền Liễu Hạnh Công chúa sâu rộng hơn nhằm phát huy thế mạnh du lịch văn hóa, tâm linh góp phần vào sự phát triển của quê hương.

Viết Hải
Bạn đang đọc bài viết "Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh - Nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng của vùng đất giàu truyền thống văn hóa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.