Hà Tĩnh: Đền Chợ Củi - Nơi lưu giữ và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

18/04/2024 20:09

Theo dõi trên

Được xây dựng từ thời Hậu Lê, đền Chợ Cụi với giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc đang dần trở thành điểm đến của đông đảo du khách gần xa. Nơi đây lưu giữ tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ (Tam toà thánh vị, vạn thế Mẫu nghi) của người Việt được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

z5354320566472-20795dd5733ca8153e2129a420735916-1713334435.jpg
Đền Chợ Củi nằm thoải bên dòng sông Lam dịu dàng, thơ mộng thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cách trung tâm TP Hà Tĩnh 50km về phía Đông Bắc; cách thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 11km về phía Nam. Ảnh: Nguyễn Yến

Nằm trong vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ tinh hoa của núi Hồng và sông Lam. Đền Chợ Củi không chỉ là nơi thờ cúng dưới mái đền đẹp mắt mà còn là điểm hẹn của văn hóa tâm linh.

Hàng năm Đền Chợ Củi diễn ra 3 lễ hội chính, gồm ngày giỗ Thánh Mẫu (3/3 âm lịch), ngày giỗ Đức Thánh Trần (20/8 âm lịch), và ngày giỗ Quan Hoàng Mười (10/10 âm lịch). Nhờ sự huyền bí và linh thiêng, nên ngôi đền đã thu hút hàng triệu du khách tìm về để chiêm ngưỡng cảnh đẹp, cầu sức khỏe, tài lộc, và may mắn... Mọi người đến đây với niềm tin sẽ được Thánh Mẫu, các quan lớn, các Chầu, quan Hoàng Mười và Đức Thánh Trần phù hộ. 

z5354320574734-1d2703076296eeadd21c44d36a944378-1713336841.jpg
Ảnh: Nguyễn Yến

Đền Chợ Củi còn có tên chữ là Thánh Mẫu Linh từ, được xây dựng vào thời Hậu Lê có cấu trúc theo kiểu chữ Tam bao gồm hạ điện, trung điện và thượng điện, liên kết theo trục thần đạo. Tam quan đền ở cạnh liền bến sông, cao 2 tầng, có lưỡng long chầu nguyệt, đường nét vô cùng uyển chuyển và tinh xảo. Mặc dù đã trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng ngôi đền vẫn giữ lại được hồn cốt nét xưa cổ kính, trang nghiêm thần bí, hài hòa với cảnh quan sông núi và tân thế của dân gian.

​Phía trong Tam Quan, từ Tam quan đi vào 8m là hồ Bán Nguyệt ở sân thấp nhất của đền, vòng qua hồ qua 7 bậc thềm đến sân trên, tại đây các tòa thống nhất liên kết với nhau và bố trí thành các cung thờ.

Các cung thờ như cung thờ Thánh Mẫu (thờ Tam phủ), cung thờ Ngũ vị Tôn ông, cung thờ quan Hoàng Mười, cung Chầu Mười và cung Trần Triều được sắp xếp từ trên xuống dưới một cách uy nghi trong không gian đền.

z5354320548952-37460a251a073885d2331b3715fa5088-1713337002.jpg
Hồ bán nguyệt. Ảnh: Nguyễn Yến

Thượng điện

Trên cùng là Thượng điện: Thượng điện là nơi cung kính nhất đặt bàn thờ Tam tòa thánh mẫu gồm có 3 bức tượng làm bằng gỗ quý được sơn son thiếp vàng đang ngồi, mắt sáng tai to, vẻ mặt trung hậu gồm Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải. Ba vị Thánh Mẫu được đặt ở nơi thâm nghiêm và ngự trị ở nơi cao quý nhất của đền thờ, trong đó Mẫu Liễu Hạnh mặc trang phục màu đỏ, Mẫu Thoải mặc trang phục màu xanh và Mẫu Thượng Ngàn mặc trang phục màu trắng.

Cung thờ Ngũ vị Tôn ông, từ quan Đệ Nhất đến quan Đệ Ngũ

Trong Ngũ vị quan lớn thì quan Đệ Nhất và quan Đệ Nhị xuất thân là nhiên thần, quan Đệ Nhất vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống trần gian cứu giúp dân lành khỏi sự quấy phá của tà quan.

Cung thờ Quan Hoàng Mười

Dưới cung Ngũ vị Tôn ông là cung thờ Quan Hoàng Mười, tương truyền từ ông Hoàng Đệ nhất tới ông Hoàng Mười đều có gốc tích là con trai Long thần Bát Hải Đại vương ở hồ Động Đình. Tuy nhiên, theo khuynh hướng lịch sử hóa thì mỗi ông Hoàng đều gắn với một nhân vật nào đó ở cõi nhân gian, những danh tướng có công dẹp giặc, những người khai sáng mở mang cho đất nước, tạo lập cuộc sống ấm no cho muôn dân. Trong tất cả các ông Hoàng thì ông Hoàng Mười được tôn vinh hơn cả, vì vậy sự tích ông Hoàng Mười cũng phong phú hơn và ở đây ông Hoàng Mười được xem là các nhân vật gắn bó với xứ Nghệ. Ông Hoàng Mười trong tâm thức người dân xứ Nghệ là hiện thân của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, vị tướng tài thời nhà Lê, tham gia nghĩa quân Lam Sơn lập được nhiều công lao trong công cuộc đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ XV. Sau khi chiến thắng khải hoàn, làm quan trải qua ba đời vua nhà Lê là Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông, làm đến chức Khâm sai tiết chế thủy, lục chư dinh hộ về thượng tướng quân, ông mất  vào ngày 3/5/1446 (Bính Dần), được truy tặng Nhập nội Đại Hành Khiển, thái ủy Tán Quốc Công, lăng mộ an tang trên ngọn núi Long Ngân, núi Nam giới - Cửa Sót - Thạch Hà- Hà Tĩnh, được xây đền thờ và làm lễ quốc tế; sau đó được tấn phong là Uy Mục Đại Vương, năm 1487 lại được phong tặng là Chiêu Trưng Đại Vương.

z5356731881961-6774ba61fd51a6e441b40dc8a8f8fc78-1-1713337535.jpg
Cung thờ Quan Hoàng Mười

Trung điện - Cung Chầu Mười

Tương truyền Chầu Mười gốc người Thổ, đã có công giúp Lê Lợi đánh tan quân Liễu Thăng, trấn đề vùng phía Bắc nước ta. Khi giáng đồng, Chầu Mười ăn mặc theo trang phục của người chân tộc thiểu số, nhạc chầu văn theo điệu xã thương, mang đặc trưng của các dân tộc miền núi.

z5356859358047-3abdd8bad9510fa0cf9bef0be6bbb0c8-1713339891.jpg
Cung Chầu Mười

Tòa dưới cùng là cung Trần Triều thờ Đức Thánh Trần tức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là một nhân vật lịch sử kiệt xuất sống vào thế kỷ XIII có nhiều đóng góp cho công cuộc chống giặc Nguyên và xây dựng đất nước dưới thời Trần. Ông được người dân tôn xưng là Đức Thánh Trần. Trong tín ngưỡng Đạo Mẫu, ông thường được quy về dòng Long Vương, Bát Hải Đại Vương. Ở đền Chợ Củi, ông được đặt riêng ra thành một phủ - Phủ Trần Triều. Về hạng bậc, ông được đồng nhất với vua Cha, trong đối sánh với Thánh Mẫu, ngày giỗ (và lễ hội) của ông cũng đồng nhất với ngày giỗ Cha, tháng Tám giỗ Cha cùng với Bát Hải Đại Vương.

z5354320543001-b532714782e832e1e99d8530635208a8-1713336959.jpg
Cung thờ Đức Thánh Trần tức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Nguyễn Yến

Hạ điện

Trên mặt tiền ở nhà Hạ điện dài 9m, rộng 0,6m của ngôi đền có 4 chữ hán: “Khu độc linh từ”. Nghiên cứu các tài liệu thành văn và khảo sát thực địa, có thể khẳng định ban đầu vị thần được thờ chính trong đền Củi là thánh mẫu Liễu Hạnh. Hiện nay chưa tìm được niên đại ra đời của đền Củi. Khi Lê Khôi đến trấn thủ ở Nghệ An đã thấy có ngôi đền này nhưng quy mô còn rất nhỏ và lợp tranh. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo đền mới được lợp ngói. Diện mạo ngôi đền Củi ngày nay có phong cách kiến trúc dấu ấn thời Nguyễn

Miếu Cô Chín

​Miếu Cô Chín và bia đặt ở góc trái và góc phải phía trước sân ngoài. Hai góc phía trước sân trong là miếu Cô, miếu Cậu. Ba miếu trên đều thờ quân gia, thế thần của đức thánh mẫu Liễu Hạnh. Tam quan cùng với hệ thống miếu Cô, miếu Cậu tạo thành đai khép kín tách khu nội thất và ngoại thất thành 2 phần chính phụ rõ rệt. Cấu trúc các phần chính, phụ, thượng, hạ, tả, hữu, tiền hậu được bố trí theo một trục chính dọc theo tâm đỉnh cao dần về phía sau. Công trình vừa có tính liên hoàn, vừa tách biệt. Đây là kiểu thức kiến trúc khá phổ biến của đền chùa Việt Nam cuối Lê đầu Nguyễn.

z5356717288071-06e51ccd0a6fadd8d28585e692027ba9-1713341038.jpg
Miếu Cô Chín. Ảnh: Nguyễn Yến
z5354320465233-217f480bc6a3eb2cc7ce313e53847d86-1713336865.jpg
Cung thờ Cô Đôi. Ảnh: Nguyễn Yến
z5354320531105-157c7d3714b03e755e6e74848adf4409-1713336912.jpg
Nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt tại đền Chợ Củi. Ảnh: Nguyễn Yến
z5354320464857-d7c7855b021d6b33a7a287ba1fc8865a-1713337047.jpg
Đền Chợ Củi được số hóa thông tin, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của ngôi đền linh thiêng. Ảnh: Nguyễn Yến
z5354320544514-70597a4cd2d8b0461afb0f89654e134a-1713337021.jpg
Ảnh: Nguyễn Yến

Theo Quyết định số 57/QĐ-VH ngày 18/01/1993 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), di tích Đền Chợ Củi được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Trải qua hàng trăm năm, ngôi đền giữ gìn và tôn tạo, uy nghiêm và linh thiêng, trở thành địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng, mang lại sự trong lành, thư thái và bình yên cho những ai tìm đến.

Nguyễn Yến
Bạn đang đọc bài viết "Hà Tĩnh: Đền Chợ Củi - Nơi lưu giữ và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.