Nghệ An: Tưng bừng lễ hội đền Đức Hoàng

20/03/2015 14:34

Theo dõi trên

Sáng 20/3 (tức ngày 1/2 năm Ất Mùi), tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đông đảo người dân cùng du khách thập phương đã về dự lễ Khai hội đền Đức Hoàng.

Những ngày trước đó, người dân huyện lúa Yên Thành đã nô nức chuẩn bị hướng về đền Đức Hoàng linh thiêng, phần hội diễn ra sôi nổi chuẩn bị cho ngày chính lễ Mồng 1 tháng 2 (Âm lịch).

Bắt đầu từ ngày 17/3, tức ngày 27 tháng giêng, tại ngôi Đền Đức Hoàng linh thiêng đã tổ chức các môn thể thao, trò chơi dân gian: thi bóng chuyền nam, nữ của các xã trong huyện; thi đánh cờ thẻ, chọi gà, đánh trống tế, thi đi cầu kiều, nấu cơm, bắt cá, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co.

Lễ hội đền Đức Hoàng hàng năm là một trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng chủ đạo trong vùng, với quy mô cấp huyện, là một sinh hoạt văn hóa mang tính hệ thống, tính phức hợp, bao gồm sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, các sinh hoạt diễn xướng dân gian, các cuộc thi tài, vui chơi...

Thông qua việc tổ chức và duy trì hoạt động lễ hội để cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, sức sống của vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân gian, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Năm nay lễ hội Đền Đức Hoàng được diễn ra trong 3 ngày, từ 19/3 đến 21/3 (tức ngày 29/1 đến 2/2 Ất Mùi). Phần lễ gồm các nghi thức: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước Đức Hoàng và kiệu ảnh Bác Hồ, bài vị các dòng họ du xuân quanh hồ sen làng Diệu, tân lễ, lễ đại tế và lễ tạ.

Đây là công trình kiến trúc cổ có kiến trúc vôi vữa độc đáo, nằm ở một vị trí cảnh quan đẹp, địa thế độc đáo, quy mô đồ sộ, trang trí công phu và mang tính chất lịch sử - Ảnh: Phan Hoàng

Phần hội gồm nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc và nêu cao tinh thần thượng võ như: thi đấu vật, đẩy gậy, kéo co, thi đánh trống tế, đua thuyền... Các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc văn hóa của cùng đất và con người huyện lúa như: chọi gà, bắt lươn, bắt vịt, đu giải, bịt mắt nấu cơm, đi cầu kiều, thả đèn hoa đăng...

Bên cạnh đó, lễ hội Đền Hoàng năm nay còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao khác như: thi bóng đá nam, chung kết giải bóng chuyền nữ huyện Yên Thành, giao lưu văn nghệ giữa các làng trong xã Phúc Thành, biểu diễn dân ca ví dặm do đoàn nghệ thuật tỉnh thực hiện, thi người đẹp đền Hoàng, thi cắm trại...

Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: "Những năm gần đây, huyện nhà đã có nhiều biện pháp cụ thể trong việc chỉ đạo tổ chức lễ hội nói chung, Lễ hội đền Hoàng nói riêng để thực sự phát huy vai trò chủ thể lễ hội là cộng đồng nhân dân, đảm bảo cho người dân đến với lễ hội được hưởng thụ các giá trị sinh hoạt văn hóa, đồng thời ý thức rõ trách nhiệm chủ thể trong việc kế thừa, tiếp nối, sáng tạo và trao truyền các giá trị văn hóa. Trong Lễ hội đền Đức Hoàng năm 2015, UBND huyện đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để việc tổ chức lễ hội đảm bảo sự linh thiêng, trang nghiêm, các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích".

Đền Hoàng (còn gọi là đền Đức Hoàng) ở xã Phúc Thành (Yên Thành) có niên đại cách ngày nay 400 năm, được nhân dân xây dựng nên để thờ Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn – người có công trong việc đánh đuổi giặc Nguyên Mông, đem lại thái bình, ấm no cho đất nước. Là vị tướng có dũng khí, trí thông minh và nhiều mưu lược, có công với dân với nước nên sau khi ông mất, triều đình cho lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó có đền Đức Hoàng ở xã Phúc Thành huyện Yên Thành.

Năm 1998, đền Đức Hoàng được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Lê Na (Tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Tưng bừng lễ hội đền Đức Hoàng" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.