Nghệ An: Khảo sát hiện trạng các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn huyện Nam Đàn

19/11/2022 19:20

Theo dõi trên

Hoạt động khảo sát nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử, văn hoá; thu thập thông tin, cơ sở thực tiễn để chuẩn bị công tác thẩm tra dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

125423523535634634631-1668858885.gif
Nói về giá trị kiến trúc, đình Trung Cần với “nghệ thuật kiến trúc đạt đến độ tinh xảo” được coi là một trong những ngôi đình cổ lớn và đẹp nhất cả nước còn nguyên vẹn khuôn viên và cổng tam quan. Ảnh: Nguyễn Diệu chụp năm 2020 

Mới đây, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức khảo sát hiện trạng các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn huyện Nam Đàn. 

Trên địa bàn huyện Nam Đàn có 173 di tích, danh thắng trong đó có 164 di tích lịch sử văn hóa bao gồm 7 di tích thuộc loại kiến trúc nghệ thuật là Đình Hoành Sơn, Đình Trung Cần, Chùa Đức Sơn, Đền Nhạn Tháp và đình Đông Viên, nhà thờ Lê Đức Tuy, đình Nhân Hậu.

2 di tích khảo cổ là di chỉ Rú Trăn và động Lỗ Ngồi; 164 di tích lịch sử văn hóa khác bao gồm các đình, đền, chùa, lăng, miếu, mộ, nhà thờ...; số di tích đã được xếp hạng là 42 di tích (3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh).

Số di tích do tỉnh trực tiếp quản lý là 2 di tích (khu di tích Kim Liên và khu lưu niệm Phan Bọi Châu), do huyện quản lý là 01 di tích (Cụm di tích Vua Mai) và các xã, thị trấn quản lý là 170.

3-25563563653563-1668859211.gif
Nằm bên hữu ngạn Sông Lam thơ mộng, đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) hội tụ đầy đủ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc; tâm huyết và ước nguyện của cư dân Nam Đàn cổ xưa. Ảnh: Nguyễn Diệu

Qua khảo sát thực tế, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích vẫn còn một số tồn tại hạn chế nhất định. Cụ thể, việc khai thác và phát huy các giá trị của các di tích còn nhiều hạn chế. Các hoạt động văn hóa ở một số di tích chưa được quan tâm đúng mức như việc tu sửa cấp thiết, cách bài trí trên điện thờ; nhiều di tích có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc đã có hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được trùng tu, phục hồi kịp thời.

Công tác quản lý di tích còn yếu, phần lớn những người làm công tác di tích trong các Ban hoặc tổ quản lý di tích chưa hiểu hết giá trị di tích. Công tác bảo vệ các di tích nhiều địa phương không quan tâm dẫn đến nhiều di tích bị xuống cấp, môi trường cảnh quan di tích bị xâm hại...

z3821498678296-ada155ce848d3585a4921732bb561d29-1666454812-1668859306.jpg

Trước thực trạng đó, đại diện UBND huyện, UBND các xã có di tích đã kiến nghị hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi di tích đã được xếp hạng; hỗ trợ một phần kinh phí để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong công tác tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng, góp phần tôn vinh giá trị di tích và động viên, khích lệ chính quyền, nhân dân địa phương. 

Cùng với đó là bố trí kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích cụ thể: đình Trung Cần xã Trung Phúc Cường, cụm di tích Bắc Sơn (Đền Thánh Mẫu, chùa Đức Sơn, đền Đức Ông), nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Tiềm, đền Câu, đền Giáp Cả, đền Hồ Sơn.

z3821498707871-e9da9f71069404d5e6a48fd1efe45565-1666455251-1668859838.jpg
Di tích nhà Thánh Hoành Sơn có phần xuống cấp, không chỉ giữ gìn mà cần phải tôn tạo những “nét xưa cũ” in hằn trong tâm khảm người con Hoa Nam. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đoàn đã ghi nhận, tiếp thu ý kiến của huyện và các xã và đề nghị nơi có di tích cần có giải pháp phù hợp để tu bổ cấp thiết di tích tránh xuống cấp nghiêm trọng. Đồng thời quan tâm việc tuyên truyền, phát huy giá trị di tích; quan tâm việc bài trí tại các di tích đảm bảo khoa học, phù hợp.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Khảo sát hiện trạng các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn huyện Nam Đàn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.