Nghệ An: Đình Hoành Sơn - Phác họa hồn cốt quê hương, xứ sở

19/11/2020 11:04

Theo dõi trên

Nằm bên hữu ngạn Sông Lam thơ mộng, đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) hội tụ đầy đủ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc; tâm huyết và ước nguyện của cư dân Nam Đàn cổ xưa và là một thế giới quan sống động “tạc” lại rõ nhất vẻ đẹp trong nếp sống của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.

Lời tiên tri 100 năm sau

Đình Hoành Sơn tọa lạc trên diện tích 1663,3m2 nằm bên hữu ngạn dòng Lam, thuộc xóm 4, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Trước đây, đình có tên gọi là đình Nam Hoa, rồi đình Làng Ngang, thuộc tổng Nam Kim. Căn cứ theo các tư liệu ít ỏi còn ghi chép lại thì đình Hoành Sơn được xây dựng vào tháng Chạp năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23 (2/1763) và đến cuối năm sau (Quý Tỵ 1764) thì hoàn thành. Người khởi xướng và chủ sự xây dựng công trình này là Đặng Thạc, cử nhân dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) thuộc dòng dõi thế tộc và có uy quyền nhất vùng.  

 






Nhân vật được thờ chính trong đình là Uy Minh vương Lý Nhật Quang

Tương truyền, người khởi xướng và chủ sự xây dựng công trình này là ông Đặng Thạc, một vị Hương cống, làm quan dưới triều vua Lê Hiển Tông (trị vì năm 1740 - 1786). Gặp năm được mùa, đời sống nhân dân sung túc, ông bèn chọn đất tốt và huy động tiền của trong nhân dân để mua gỗ quý, đồng thời chiêu mời các toán thợ giỏi trong vùng về xây dựng đình. Đình do hai tốp thợ cùng làm. Một tốp người làng Hoành Sơn, tốp còn lại do ông Chuẩn, một người thợ mộc tài hoa ở xã Nam Hoa Thượng phụ trách.

Chuyện về hai tốp thợ này cũng rất ly kì: lúc bấy giờ, ông Đặng Thạc đã chọn tốp thợ của làng Hoành Sơn phụ trách làm đình. Tuy nhiên, có một tốp thợ ở Nam Hoa Thượng không được mời đến, họ bày mưu cử một người thợ giỏi tên là Chuẩn giả dạng ăn mày đến xin ăn và ngủ lại ở chỗ làm đình rồi đốt đi một nửa thiết kế của đình (cũng có tài liệu nói ông dùng vụn bào đốt một bức chạm của vì phía Nam do thợ của làng Hoành Sơn làm gần xong). Đặng Thạc vô cùng tức giận nhưng người ăn mày đã nhận tội và xin được làm phần thiết kế đã bị cháy. Không còn cách nào khác, Đặng Thạc đành nhận lời và hẹn ngày cùng dựng, tốp thợ nào làm đẹp hơn sẽ được thưởng. Ngay sau đó, ông Chuẩn đem thợ đến và chỉ một thời gian ngắn đã làm xong. Ngày dựng đình, tuy do hai tốp thợ làm nhưng lúc dựng lại rất ăn khớp, rất hài hòa. 

 






Phong cách  kiến trúc nghệ thuật điêu khắc ở đình Hoành Sơn mang dáng dấp của lối kiến trúc thế kỷ XVII –XVIII. Các vì kèo liên kết theo cấu trúc “chồng diêm”, có những bức chạm khắc “lưỡng long chầu nguyệt” rất đẹp. Các cột đình đều có đường kính trên 50cm và là cơ sở chịu lực của toàn bộ kết cấu đình.

Trong Kho tàng chuyện kể dân gian xứ Nghệ, lại có truyện kể rằng, sự ra đời của đình Hoành Sơn bắt đầu từ một đêm mưa lụt, nước sông Lam dâng rất cao và cuốn về đây những cây gỗ ba bốn người ôm không xuể. Tiếp đó xuất hiện 9 người đàn ông, lấy các cây gỗ, làm liên tục trong vòng 3 năm, tạo dựng nên một ngôi đình đồ sộ với các bức chạm khắc công phu, tinh xảo. Xong việc họ đi mất, có lẽ lên Trời. Không rõ những người nhà Trời dựng ngôi đình tại làng quê hẻo lánh này nhắn gửi thông điệp gì cho nhân gian, trong đó có những bức chạm khắc mang đầy tính triết lý tầm quốc gia, ví như "Cầu hiền". Đình Hoành Sơn quay về phía Đông Bắc (rất ít thấy trong bố cục các ngồi đình, đền tại miền Bắc Việt Nam), hướng qua bên kia sông Lam tới xã Kim Liên, Nam Đàn; Như một lời tiên tri về 100 năm sau tại đây sẽ xuất hiện một vị thánh tổ - Thánh Hồ Chí Minh. 
 




Đình Hoành Sơn có 5 gian chính, 2 chái, 8 vì, 36 cột (16 cột cái, 20 cột phụ)

Đình Hoành Sơn - bậc thầy trong nghệ thuật chạm khắc

Đình Hoành Sơn chỉ là ngôi đình của một làng nhỏ, song lại có quy mô lớn và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đến mức nhiều người phải cho rằng, dân nơi đây đã làm nên “điều không thể”.

Phong cách  kiến trúc nghệ thuật điêu khắc ở đình Hoành Sơn mang dáng dấp của lối kiến trúc thế kỷ XVII –XVIII. Các vì kèo liên kết theo cấu trúc “chồng diêm”, có những bức chạm khắc “lưỡng long chầu nguyệt” rất đẹp. Các cột đình đều có đường kính trên 50cm và là cơ sở chịu lực của toàn bộ kết cấu đình.

Đình Hoành Sơn có 5 gian chính, 2 chái, 8 vì, 36 cột (16 cột cái, 20 cột phụ) với diện tích khoảng 150 m2, gồm 2 tòa Đại đình và Hậu cung phía sau tạo thành mặt bằng kiểu "chữ đinh" hay chữ T. Cột đình được làm bằng gỗ lim và chò chỉ, đường kính lớn, đều nhau. Rải đều trên 2 mái bằng gỗ lim tròn còn có 26 đường hoành và 42 đường xà, các đường chân thủy bao quanh. 

Được đánh giá là ngôi đình tiêu biểu nhất của miền Trung và là một trong những ngôi đình có quy mô lớn và nghệ thuật chạm khắc đẹp nhất cả nước. Nghệ thuật chạm khắc tại đây đạt đến trình độ tinh xảo, bậc thầy với mật độ chạm khắc dày đặc, đề tài phong phú, đa dạng, từ hình tượng “tứ linh”, “tứ quý”, các điển tích, điển cố thâm thúy đến các đề tài dân dã, tiêu biểu. 

Ví như hình tượng “Phượng hàm thư”, được thêu dệt dưới bàn tay “bậc thầy chạm khắc”. Phượng là một trong 4 tứ linh (long, ly, quy, phượng), với đặc điểm mỏ diều hâu, mắt giọt lệ, tóc trĩ, cổ rắn, vẩy cá chép, mình chim, đuôi công, chân hạc, móng chim ưng… phượng được coi là loài chim tiên, là biểu tượng cho vũ trụ. Về mặt nhận thức dân gian thì phượng là tượng trưng cho cõi tiên, cho thánh nhân, cho trí tuệ, cho sự khoan dung. Hình ảnh “phượng hàm thư” muốn nói lên khát vọng chinh phục tri thức, học hành, khoa cử, với hàm ý “phi trí bất hưng”. Cùng thể hiện mơ ước này là các hình ảnh “vinh quy bái tổ, hoạt cảnh thi ngạch quan võ, các sỹ tử xem điểm thi... vừa làm phong phú đề tài trang trí vừa thể hiện khát vọng của những đấng “nam nhi” mang hoài bão “phải có danh gì với non sông”.

Bên cạnh đó, hình tượng“Hổ phù ọe mặt trăng” cũng là một biểu tượng cầu mùa, cầu no đủ, ấm no mà những “nghệ nhân” thời bấy giờ thể hiện qua những nét chạm khắc tinh xảo, tuyệt mĩ. Bởi vì, theo điển tích về Hổ phù, nếu con Hổ Phù nuốt hết mặt trăng thì năm đó sẽ mất mùa to hoặc có chiến tranh nhưng nếu Hổ phù không nuốt nổi mặt trăng mà phải “ọe ra” thì năm đó dân được mùa lớn, cuộc sống sung túc, ấm no.

Cột đình ở gian chính được chạm nổi hình tượng 2 con rồng lớn đang ôm cột hướng xuống mặt đất. Trên mái đình có hình tượng rồng cuộn, hổ ngồi, nghê chầu; mái ngói được lợp âm dương. Giữa lớp ngói âm và ngói dương là một lớp đất sét được nhào trộn với trấu, tạo thành một chất liệu bền, dẻo có khả năng cách nhiệt tốt; ngói dương có 5 rãnh chẻ thoát nước; nền đình, sân đình được lát bằng gạch cẩm trang... Mặc dù trải qua nhiều trận lũ lớn, mưa bom bão đạn nhưng đến nay đình Hoành Sơn hầu như vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên thủy. 

Điều đặc biệt, trong khi các đề tài dân dã hầu như không còn ở thế kỷ XVIII thì tại di tích này, các hình tượng đó vẫn phổ biến và được thể hiện rất sinh động như “chèo thuyền”, “đi cấy”, “thưởng trà”, “câu cá”…
 






 
Cột đình được làm bằng gỗ lim và chò chỉ, đường kính lớn, đều nhau. Rải đều trên 2 mái bằng gỗ lim tròn còn có 26 đường hoành và 42 đường xà, các đường chân thủy bao quanh. Các hoa văn trong đình được chạm khắc rất công phu, có độ tinh xảo cao như: bát tiên, cưỡi hạc, đánh cờ, đua thuyền, tứ linh, tứ quý, đại bàng đối xứng từng gian, rồng ổ… thể hiện quan điểm triết lý nhân sinh thấm đẫm tinh thần nhân văn của dân tộc và phản ánh nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến trình độ bậc thầy.

Tương truyền, trong đình có hơn 100 pho tượng, nhưng vào trận lũ lịch sử năm 1978 và 1988 đã làm con đê chắn trước đình bị vỡ và nước đã cuốn trôi gần hết, nay chỉ còn lại 10 pho tượng. Trải qua hàng trăm năm, lũ lụt, chiến tranh, nhưng đến nay đình Hoành Sơn hẫu như vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên thủy. 

Nhân vật được thờ chính trong đình là Uy Minh vương Lý Nhật Quang , con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, một nhân vật văn võ song toàn, tư chất hơn người. Tháng 11 năm 1041, vua Lý Thánh Tông đã xuống chiếu cho Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An. Ông đã có nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Nghệ An và quốc gia Đại Việt nên được người dân rước vào đình thờ. Bên cạnh đó, đền còn thờ đình còn thờ “Tứ vị thánh nương”.

Đình Hoành Sơn, là một công trình tưởng niệm chung cho tất cả những người đã có những đóng góp lớn lao cho sự  ra đời, trưởng thành, phát triển và phồn thịnh của làng Hoành Sơn nói riêng, nước Việt Nam nói chung. Đình được xếp hạng là di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia tháng 7, năm 1980. Đến năm 2017, Đình Hoành Sơn được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt. 
 
Nguyễn Diệu

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Đình Hoành Sơn - Phác họa hồn cốt quê hương, xứ sở" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.