Với ý nghĩa tạo khí thế vui tươi cho ngày hội truyền thống, thu hút khách tham quan và nhân dân địa phương đến vui chơi trong dịp Katê cổ truyền cũng như quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm, sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn diễn ra các ngày từ 13/10 – 14/10/2015 (nhằm mùng 02 và 03 tháng 7 Chăm lịch) tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, tỉnh Bình Thuận.
Trung tâm Trưng bày văn hoá Chăm. Ảnh: Nguyên Vũ
Ngoài số hiện vật đang trưng bày, khách tham quan Trung tâm Trưng bày văn hoá Chăm sẽ được thuyết minh giới thiệu thêm nhiều hiện vật gốc các loại có giá trị về niên đại văn hóa lịch sử qua sưu tầm, chuyển nhượng được bổ sung vào; nghe giới thiệu về ý nghĩa Lễ hội Katê theo thuyết âm dương lưỡng hợp, giới thiệu cách thức bày trí lễ vật để khấn nguyện Thần linh, ông bà tổ tiên trong dịp Katê tại gian chính thờ thần Siva để tạo dấu ấn tôn nghiêm về tín ngưỡng tâm linh; thuyết minh những cốt truyện liên quan đến lịch sử các đời vua chúa thuộc các vương triều Champa giai đoạn thế kỷ 17, trước đây, tục thờ đá của người Chăm và giá trị nguồn gốc của từng hiện vật.
Bên cạnh đó, khách tham quan còn được tìm hiểu về cách trang trí hoa văn cổ Chăm, nghe các làn điệu dân ca Chăm, hoà chung không khí ngày hội rộn ràng, mang sắc màu đặc trưng của Lễ hội Katê Chăm. Ngoài ra, khách còn nghe Ong Kadhar (Thầy kéo đàn Kanhi) ngồi hát những bài thánh ca trong làn khói trầm hương nghi ngút, mang ý nghĩa nguyện cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt nhân sinh vật thịnh, làng palei yên vui.
Khách tham quan còn có cơ hội xem và tìm hiểu 2 nghề truyền thống của người Chăm là dệt và làm gốm. Các nghệ nhân nổi tiếng như bà Nguyễn Thị Mai, Lương Thị Hòa, Đào Thị Sâu, Đào Thị Dặn trực tiếp trình diễn kỹ thuật dệt và nặn gốm thủ công phục vụ du khách, đồng thời hướng dẫn cho du khách cách nặn gốm dân dụng, mỹ nghệ và kỹ thuật Dệt thổ cẩm, các sản phẩm do du khách tạo ra sẽ được nghệ nhân chấm điểm và tặng quà lưu niệm cho du khách. Các nghệ nhân sẽ trực tiếp trình diễn và giới thiệu nguồn gốc và ý nghĩa của 2 nghề truyền thống này, việc lưu giữ, phát huy phục vụ đời sống cũng như hiện nâng lên thành những sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch.
Ngoài ra, đến tham quan tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm dịp này du khách sẽ cùng tham gia các trò chơi dân gian có thưởng như thi trình bày lễ vật, thi làm bánh Gừng, thi hoà tấu nhạc cụ dân gian Chăm; hay và cùng tập những điệu múa dân gian Chăm qua sự hướng dẫn của các nghệ nhân nổi tiếng.
Rộn ràng Lễ hội Katê 2015
Để tạo không khí vui tươi rộn ràng cho mùa Katê 2015, Trung tâm Trưng bày Văn hoá Chăm sẽ mời các vị chức sắc Bàlamôn đến tham gia tổ chức hoạt động lễ hội Katê tại gian chính nhà trưng bày nhằm phục vụ nhu cầu đời sống tâm linh cho nhân dân địa phương và du khách cùng tham gia chiêm ngưỡng, hoà mình vào không gian của sắc màu lễ hội Katê trước khi vào nghi thức khấn nguyện lễ vật.
Song song với nghị thức lễ sẽ là chương trình nghệ thuật do diễn viên, nghệ nhân Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm Bắc Bình biểu diễn với các tiết mục đậm đà bản sắc văn hoá Chăm như: Múa vui hội Katê, Niềm vui Rija Praong, múa âm dương phồn thực, Đơn ca Mùa xuân trên tháp cổ, Tình tự Katê Chăm, Song ca Bến Nước Tình Yêu (tốp nữ múa minh họa). Tại Trung tâm Trưng bày Văn hoá Chăm còn tổ chức đêm văn nghệ hát với nhau với chủ đề “Tiếng hát vượt thời gian” có trao tặng phẩm cho những giọng ca hay phục vụ nhân dân địa phương trong dịp Lễ hội Katê cổ truyền. Trong những ngày diễn ra lễ hội, khách tham quan còn có dịp xem triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật với khoảng 60 tác phẩm chủ đề “Hội tụ sắc màu Chăm” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Chi hội văn nghệ huyện Bắc Bình tổ chức.
Đến với Bắc Bình mùa Lễ hội Katê rộn ràng, du khách không chỉ hài lòng với nhiều hoạt động mang đậm văn hoá dân gian truyền thống mà sẽ được giới thiệu và hướng dẫn sản phẩm kết nối tour du lịch tham quan cổ vật tại kho mở Hoàng Tộc Chăm; thưởng lãm bộ sưu tập hiện vật gốc tại kho mở Hoàng tộc Chăm Po Klaong Mânai ( thế kỷ 17) tại làng Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh. Kính mời quý du khách yêu thích văn hóa Chăm hãy đến tham quan và thưởng thức các hoạt dộng chuyên đề tại Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận theo địa chỉ: Ngã ba Sông Mao, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình.
Theo Nguyên Vũ (Làng Việt Online)