Một số điểm mới của Nghị định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Quy định chặt chẽ hơn, tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ

10/06/2024 16:41

Theo dõi trên

Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 06/6/2024 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" gồm 5 Chương và 19 Điều. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 22/7/2024, trong đó có một số quy định mới, chặt chẽ hơn về xét tặng danh hiệu.

nsut31600-1718012401.jpg
Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 06/6/2024 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" gồm 5 Chương và 19 Điều. Ảnh minh họa: Bộ trưởng Bộ VHTTDL trao tặng danh hiệu tới các nghệ sĩ vào tháng 3 năm 2024.

Quy định chặt chẽ hơn

Theo đó, Nghị định 61 quy định rõ hơn điều kiện hoạt động của cá nhân được xét danh hiệu gồm: cá nhân hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các đơn vị văn hóa, nghệ thuật công lập; cá nhân hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các đơn vị văn hóa, nghệ thuật ngoài công lập; cá nhân đang làm công tác giảng dạy hoặc quản lý trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhưng vẫn tham gia hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp và cá nhân hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp tự do.

Một số điểm mới của Nghị định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Quy định chặt chẽ hơn, tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ - Ảnh 1.
Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 06/6/2024 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" gồm 5 Chương và 19 Điều. Ảnh minh họa: Bộ trưởng Bộ VHTTDL trao tặng danh hiệu tới các nghệ sĩ vào tháng 3 năm 2024.

Quy định này giúp cho Hội đồng cấp cơ sở tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu của cá nhân cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, bổ sung thêm đối tượng "Quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình; "Nhạc sĩ sáng tác tác phẩm âm nhạc" và "Nhà nhiếp ảnh". Việc bổ sung đối tượng để phù hợp với thực tiễn hoạt động văn hóa, nghệ thuật của một số lĩnh vực và bảo đảm quyền lợi của cá nhân hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong xét tặng danh hiệu.

Nghị định cũng quy định chi tiết và cụ thể hơn về cách tính thời gian hoạt động văn hóa, nghệ thuật của cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật và cá nhân sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật để bao quát đầy đủ điều kiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các cá nhân, nhất là với các cá nhân hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp tự do.

Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu (quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định): Quy định về tiêu chuẩn xét tặng hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022; quy định chi tiết cách tính thành tích, thời gian của từng đối tượng.

Theo đó, đối với cá nhân xét theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 7 và điểm a, b, c khoản 4 Điều 8 (xét theo tiêu chí giải thưởng): Bổ sung quy định rõ hơn về giải Vàng của cá nhân phải là Giải Vàng quốc gia "…trong đó có 01 Giải vàng quốc gia là của cá nhân" (Nghị định số 40/2021/NĐ-CP quy định: trong đó có 01 Giải Vàng là của cá nhân), với quy định cụ thể như vậy giúp cho Hội đồng các cấp có một cách hiểu thống nhất và có căn cứ rõ ràng hơn trong đánh giá về tài năng của cá nhân thông qua các giải thưởng mà cá nhân đạt được.

Đối với tác phẩm âm nhạc và tác phẩm nhiếp ảnh quy định tại điểm c khoản 4 Điều 7 và điểm d khoản 4 Điều 8: quy định tác phẩm có ít nhất 02 Giải Vàng quốc gia.

Đối với cá nhân xét theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 7 và điểm đ khoản 4 Điều 8: Bổ sung cá nhân hoạt động trong loại hình: nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch, nhạc kịch xét theo tiêu chí "có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật tiêu biểu xuất sắc, chưa đáp ứng tiêu chí về giải thưởng theo quy định" (đối với xét danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân) hoặc "có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc chưa đáp ứng tiêu chí về giải thưởng theo quy định" (đối với xét danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú) vì những loại hình nghệ thuật này dù được đánh giá là "âm nhạc bác học" nhưng hiếm khi tổ chức cuộc thi nên cá nhân không có giải thưởng. Quy định này sẽ tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật ở loại hình này.

Nghị định cũng quy định cụ thể hơn đối với cá nhân là người cao tuổi; cá nhân là giảng viên các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật… có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trong loại hình, ngành nghề nghệ thuật… vẫn đang tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp cấp tỉnh và quốc gia.

Đối với các cá nhân là giảng viên, quy định rõ đào tạo trực tiếp từ 03 học sinh, sinh viên tham gia đạt giải Vàng tại cuộc thi nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế (tiêu chuẩn Nghệ sĩ nhân dân) hoặc đào tạo trực tiếp từ 03 học sinh, sinh viên, trong đó có 02 học sinh, sinh viên tham gia đạt giải Vàng và 01 học sinh, sinh viên tham gia đạt giải Bạc tại cuộc thi nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế (tiêu chuẩn Nghệ sĩ ưu tú), các giảng viên đó vẫn đang tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật sẽ thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".

nsut-150805402-1718012469.jpg
Nghị định 61 cũng quy định cụ thể nguyên tắc làm việc của từng cấp Hội đồng, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng cấp Hội đồng. Ảnh minh họa: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho nghệ sĩ Lê Mai vào tháng 3 năm 2024.

Quy định cụ thể nguyên tắc làm việc của Hội đồng xét danh hiệu

Về Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" (quy định tại các Điều 10, 11, 12 Nghị định), Nghị định 61 cũng quy định cụ thể nguyên tắc làm việc của từng cấp Hội đồng, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng cấp Hội đồng.

Đối với Hội đồng cấp cơ sở: Tại điểm d khoản 3 Điều 10 quy định: Hội đồng xem xét về quá trình, thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn; đánh giá về uy tín, chuyên môn, tầm ảnh hưởng của từng cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" hoặc "Nghệ sĩ ưu tú" theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 hoặc Điều 8 Nghị định này.

Việc quy định rõ trách nhiệm như vậy sẽ đảm bảo chất lượng các hồ sơ trình lên Hội đồng cấp trên, không ai đánh giá đúng và "chuẩn" về tài năng nghệ thuật và quá trình hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ bằng những người sống và làm việc cùng môi trường, cùng ngành nghề. Ngoài ra, đối với các hồ sơ xét theo điểm c khoản 4 Điều 7 hoặc điểm đ khoản 4 Điều 8 thì Hội đồng cấp cơ sở phải có 1 bản nhận xét, đánh giá toàn diện về 4 tiêu chí xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" hoặc "Nghệ sĩ ưu tú", trong đó nêu cụ thể các hoạt động tham gia biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp: quy mô của các chương trình nghệ thuật; các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị mà nghệ sĩ đó tham gia. Đây chính là căn cứ để Hội đồng cấp trên có cơ sở xem xét các trường hợp này.

Đối với Hội đồng cấp Bộ, tỉnh: Tại điểm d khoản 3 Điều 11 quy định: Hội đồng xem xét về hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng của Hội đồng cấp cơ sở; đánh giá về uy tín, chuyên môn, tầm ảnh hưởng của từng cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" hoặc "Nghệ sĩ ưu tú" theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 hoặc Điều 8 Nghị định này.

Đối với Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước: Tại điểm c khoản 1 Điều 12 quy định: Hội đồng xem xét về hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng của Hội đồng cấp Bộ hoặc Hội đồng cấp tỉnh; đánh giá về uy tín, chuyên môn, tầm ảnh hưởng của từng cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" hoặc "Nghệ sĩ ưu tú" theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 hoặc Điều 8 Nghị định này.

Đối với Hội đồng cấp Nhà nước: Tại điểm c khoản 2 Điều 12 quy định: Hội đồng xem xét về hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng của của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước; đánh giá về uy tín, chuyên môn, tầm ảnh hưởng của từng cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" hoặc "Nghệ sĩ ưu tú" theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 hoặc Điều 8 Nghị định này.

Một số điểm mới của Nghị định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Quy định chặt chẽ hơn, tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ - Ảnh 3.
Điều 13 Nghị định 61 hướng dẫn cụ thể tuyến gửi hồ sơ của từng cá nhân giúp cho nghệ sĩ dễ dàng hơn trong việc làm hồ sơ xét tặng danh hiệu. Ảnh minh họa.

Hướng dẫn cụ thể tuyến gửi hồ sơ

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" (quy định tại Điều 13, 14, 15 và Điều 16 Nghị định). Theo đó, Điều 13 Nghị định đã hướng dẫn cụ thể tuyến gửi hồ sơ của từng cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 1.

Tại các Điều 14, 15 và 16 quy định cụ thể về thời gian sau khi kết thúc cuộc họp của Hội đồng các cấp thì cơ quan thường trực của Hội đồng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" về Hội đồng cấp dưới; quy định cụ thể về thời gian khi Hội đồng cấp dưới nhận được văn bản thông báo kết quả của Hội đồng cấp trên phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến các cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú". Các quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho từng cấp xét tặng, nhất là ở cấp Hội đồng cấp tỉnh; bảo đảm sự minh bạch, thuận lợi và khoa học, thống nhất ở từng cấp xét tặng.

Về quy đổi giải thưởng quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo dự thảo Nghị định, bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích cho một số thành phần tham gia trong tác phẩm như: Diễn viên nhạc (nhạc công ở dàn nhạc sân khấu), Người làm âm thanh, Người làm ánh sáng… Đây là những thành phần không thể thiếu trong các chương trình, vở diễn, có nhiều đóng góp vào thành công của vở diễn nhưng chưa được tính quy đổi giải thưởng và trong cơ cấu giải thưởng của các cuộc thi liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp rất ít khi trao giải thưởng cá nhân cho nhóm đối tượng này. Việc bổ sung quy đổi giải thưởng để tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ.

Phụ lục cũng bổ sung Bảng quy đổi giải thưởng cho tác phẩm âm nhạc và tác phẩm nhiếp ảnh, là căn cứ để tính thành tích cho tác giả sáng tạo tác phẩm trong xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú"./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Một số điểm mới của Nghị định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Quy định chặt chẽ hơn, tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.