Mo Mường Hòa Bình và bài toán hậu Bảo trợ

10/06/2015 08:49

Theo dõi trên

Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, món ăn tinh thần trong đời người Mường ở tỉnh Hòa Bình vừa được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao bằng Bảo trợ. Với những áng Mo dài, các ông Mo có thể đọc từ 12 - 16 đêm không nghỉ nhưng chúng hoàn toàn chưa có tài liệu nào ghi chép để lưu giữ lại được. Vì thế, bài toán bảo tồn và phát triển hậu Bảo trợ Mo Mường đang là vấn đề cần quan tâm ở Hòa Bình…

Tiêu chí nào để Bảo trợ di sản văn hóa Mo Mường?

Giải thích về những tiêu chí để Bảo trợ di sản văn hóa Mo Mường, ông Đoàn Anh Tuấn, Ủy viên thường trực ban chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam - Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn Cổ vật Việt Nam cho biết: “Mo Mường Hòa Bình là di sản văn hóa phi vật thể, vì vậy cần xác định được những công cụ hỗ trợ, vật chứng gốc liên quan tới nó”.

Đoàn giám định của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam bao gồm 5 người có trình độ chuyên môn cao, sau 2 ngày làm việc tại huyện Lạc Sơn và Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã tìm thấy nhiều vật chứng lịch sử, công cụ hỗ trợ liên quan chặt chẽ tới Mo Mường. Theo đó, ngoài các trang phục cũ, mới của ông Mo từ đầu thế kỉ XX thì quan trọng nhất là các ông Mo được khảo sát trên tổng số 282 ông đều sở hữu những túi Khót. Trong túi Khót có chứa nhiều công cụ lao động sản xuất và đồ tế khi được làm bằng các chất liệu đá, đồng, nhuyễn thể…”.

Cụ thể, đó là các loại đá thiên nhiên, đá sa thạch và những viên đá bán quý tự nhiên; Công cụ rìu đá có vai và bôn bằng đá thuộc văn hóa hòa Bình cách ngày nay 18.000 - 10.000 năm; Một số vòng đá đeo tay thuộc văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay có niên đại từ 4.500 – 5.000 năm được làm từ những viên đá có độ cứng 6,5-8. Ngoài ra, còn có các rìu như rìu xéo, rìu xòe cân, mũi mác và mũi lao, lưỡi lao và lưỡi giáo đều là những đồ đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Ngoài ra, các đồ nhuyễn thể bao gồm rất nhiều sừng, nanh, răng hàm của các con thú, có nhiều răng nanh, răng hàm có niên đại đầu công nguyên.

Điều đặc biệt là các ông Mo đều trả lời, không hề biết tính chất cũng như lịch sử của những vật dụng có trong túi Khót, khi đoàn giám định hỏi mà họ chỉ biết chúng được truyền từ 5, 7, 10 đời và gìn giữ rất cẩn thận.

Qua đây, đoàn Giám định của Liên hiệp các hội UNESCO đã đưa ra kết luận: Người Mường đã có tư duy sử dụng: thiên thạch là những thứ trên trời; những viên đá bán quý ở lòng đất; các công cụ lao động sản xuất; các bộ nhuyễn thể, thiên địa nhân… Tất cả hợp nhất cho túi Khót để tạo ra một khái niệm về quyền lực, dùng làm vật tế khi khi hành lễ mà chủ yếu để giúp cộng đồng đoàn kết sống tốt đẹp theo truyền thống cha ông căn dặn.

Mo Mường bao gồm nhiều thể loại: Mo nghi lễ (thể hiện trong 7 nhóm nghi lễ); mo kể chuyện (gồm sử thi Đẻ đất, đẻ nước và một số chuyện thần thoại kỳ vĩ) và mo “nhòm” (một loại hình mo tả cảnh)… Mo Mường là một chỉnh thể nguyên hợp bao gồm nhiều thành tố văn hóa: Phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, lối sống, ngôn ngữ, văn chương, diễn xướng … phản ánh đặc trưng riêng, mang bản sắc văn hóa của người Mường.

Trong quá trình làm lễ, mỗi một áng Mo đều có những răn dạy con người sống có đức độ, kính trên nhường dưới, dạy lao động sản xuất giữ gìn nương rẫy bảo vệ thành quả lao động, đoàn kết chia sẻ thương yêu lẫn nhau trong đời sống.

Khi tiễn người chết, các áng Mo dặn dò con cái là phải đoàn kết thương yêu nhau, không được cãi cọ và kế thừa những công việc dang dở người cha người mẹ khi mất đi. Cụ thể, ví dụ như những con trâu, con nghé thì phải chăm sóc để phục vụ việc cấy cày, những vườn cây phải chăm sóc cho ra hoa quả để anh em cùng được hưởng thụ.

Ở mỗi lĩnh vực những các áng Mo răn dạy con người kỹ lưỡng từng chi tiết mà cho đến ngày nay không lạc hậu như: khi ra đường phải ngả mũ chào nhau, khi thấy phụ nữ mất chồng không được chọc ghẹo mà phải giúp đỡ,  khi có vợ có chồng thì không được ngoại tình, khi bố mẹ mất thì không đươc nhảy múa huýt sáo, khi xuống nước tắm không được vùng vẫy…

Ví như trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường có ghi:

“Trong cửa, trong nhà
Người già truyền cho con cháu
Muốn có lụa để may quần may áo
Muốn có vải trắng bông gạo để nhuộm phẩm tím phẩm xanh
Muốn dệt gấm ở sân rộng
Muốn trải vải trắng áng cao

Con nhà con người
Ngày mai phải lên đồi trồng bông cho sớm
Muốn ăn thịt nai nướng, thịt nai khô
Muốn ăn cá kho, cá gắp
Con người con nhà
Ngày mai phải đi sông thả lưới
Đi suối đơm đó, đơm rắc, làm chặng, làm uông”.

Áng Mo trên răn dạy, con người ta kế sinh nhai trong đời sống nhỏ nhặt hàng ngày. Và người đọc Mo là những ông Mo phải phải có đức độ có uy tín, am hiểu phong tục, luật lệ của bản Mường nên được người dân coi trọng, tin tưởng và thường tới xin ý kiến về những việc cần phải khuyên nhủ, phân xử trong cuộc sống thường ngày.

Thiếu tướng Bùi Đức Sòn, Giám đốc công an tỉnh Hòa Bình trả lời trên chuyên mục cuộc sống thường ngày của VTV: "Những bài Mo Giáo dục truyền thống, ý thức, răn dạy các cháu làm ăn một cách chính đáng”.

Dựa trên tính khoa học, nhân văn, giáo dục và văn hóa của Mo Mường, cũng như thông qua kết quả giám định, ngày 28.5 Liên hiệp UNESCO Việt Nam đã cấp bằng bảo trợ cho văn hóa Mo Mường Hòa Bình và tặng 20 chứng nhận nghệ nhân cho các ông Mo (Đợt 1) đã có công trong việc bảo tồn gìn giữ gìn di sản văn hóa này.

Bài toán hậu công nhận…?

Trả lời về việc hậu Bảo trợ, ông Đoàn Anh Tuấn cho biết: “Sau bảo trợ, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam sẽ có những chính sách hỗ trợ cụ thể trong quyết định của Chủ tịch Liên hiệp. Đồng thời, Đoàn giám định sẽ tiếp tục điều tra để tìm ra lịch sử hình thành cũng như những phát hiện mới về di sản văn hóa Mo Mường. Đồng thời, UNESCO Việt Nam sẽ hỗ trợ những kiến thức Khoa học kĩ thuật giúp người dân Mường xóa đói giảm nghèo. Tỉnh Hòa Bình được sử dụng thương hiệu Bảo trợ, để kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước giúp đỡ ngành văn hóa nơi đây, bảo tồn và phát huy các giá trị quí giá của Mo Mường”.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, cho đến ngày nay người ta vẫn chưa tìm thấy chữ viết của đồng bào dân tộc Mường. Có những áng Mo dài, các ông Mo có thể hát từ 12 - 16  đêm không nghỉ, chúng hoàn toàn chưa có tài liệu nào ghi chép lại được. Chính vì thế, bảo tồn tiếng nói của người Mường là việc hết sức quan trọng và cấp thiết đối với tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, Mo Mường cũng đang cần một chính sách thỏa đáng để bảo tồn di sản văn hóa phi vât thể quý giá này.

Theo Ngày Nay
Bạn đang đọc bài viết "Mo Mường Hòa Bình và bài toán hậu Bảo trợ" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.