“Mang tiền về cho mẹ” và mang yêu thương về cho gia đình

03/01/2022 07:31

Theo dõi trên

Một bản rap vừa ra đời chỉ vài ngày trước khi kết thúc năm 2021 đã nhanh chóng trở nên rất được ưa chuộng và tên bài hát trở thành một trend mà rất nhiều người “đu”. Câu hát "Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ" được “biến tấu” thành nhiều lời thoại mới, trong đó có nhiều câu dí dỏm, chứng tỏ ca khúc có sức hút lớn trong giới trẻ. Và ca khúc được khá nhiều người chia sẻ, dẫn lại trên các trang cá nhân, như là một sự đồng cảm.

Đó là bài Mang tiền về cho mẹ do ca sĩ Đen Vâu thể hiện, được xem như thanh âm báo xuân về. Bản rap gợi cho nhiều người nôn nao trước lúc đoàn viên của gia đình sau một năm đi xa lao động vất vả. Hình ảnh trong video được Đen Vâu hóa thân thành nhiều người với nhiều công việc khác nhau, hầu hết đều nhọc nhằn, vất vả, đã giúp mọi người biết trân trọng hơn mỗi ngày được sống, được lao động và được thương yêu.

01-01-2022-mang-tien-ve-cho-me-va-mang-yeu-thuong-ve-cho-gia-dinh-ed21e461-details-1641169824.jpg
Hình ảnh hóa thân của Đen Vâu thể hiện một nhân vật lao động vất vả trong MV "Mang tiền về cho mẹ". (Ảnh chụp màn hình YouTube)

Nhắc đến mẹ, Đen Vâu gần như chia sẻ tiếng lòng, tâm sự của mình với mọi người, đồng thời cũng nói thay cho bao người về mẹ: “Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy? Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm? Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa? Vấp ngã đầu đời là được ai nâng? Chính là mẹ... Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè. Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ mà chưa thấy về. Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang…”. Tình cảm đó, hình tượng đó thật gần gũi với mọi người.

Đen Vâu cũng khá khéo léo chơi chữ theo vần điệu với 4 từ liên tiếp là “tiền vệ”, “tiền lệ”, “tiền đề” và “tiền tệ” để nêu một lời nhắc nhở: “Đưa tiền cho mẹ, mẹ là tiền vệ. Đừng làm điều xấu, sẽ thành tiền lệ. Lao động hăng say, hơn cả tiền đề. Cầm về tiền tốt, đừng có cầm về tiền tệ”. Đặc biệt là câu cuối, dường như đó là một sự cảnh báo, để mọi người thực sự trân quý sức lao động, thực sự hiểu giá trị của lao động và không chạy theo đồng tiền bằng mọi giá. Và, với hình ảnh, các lời thoại và ca từ, người nghe hiểu rằng Đen Vâu không cổ súy cho lối sống thực dụng, lấy đồng tiền làm mục tiêu, phương tiện và xem đó là cách “báo hiếu” duy nhất.

02-01-2022mangtien-2-1641169859.jpg
Bài rap “Mang tiền về cho mẹ” được nhiều bạn trẻ quan tâm, yêu thích do thể hiện tình yêu thương gia đình mang tính điển hình thông qua tình mẫu tử. (Ảnh chụp màn hình YouTube)

Không hẳn vì nhiều người hâm mộ Đen Vâu hoặc vì tò mò với sản phẩm âm nhạc mới này mà biến Mang tiền về cho mẹ thành một hiện tượng, điều đáng nói chính là nhiều người nghe, người xem đã thấy mình trong câu chuyện của ca sĩ: đó là lòng mong mỏi, khao khát được đoàn viên với người thân, ngay trước thềm năm mới, đặc biệt là sau một năm đầy biến động, xa cách, chia lìa do đại dịch. Đồng thời, bản nhạc đã thể hiện sự chia sẻ yêu thương với mẹ nói riêng và gia đình, người thân nói chung, trong bối cảnh cuộc sống hối hả khiến một số người “quên đi” gia đình của mình. Do đó, “mang tiền về cho mẹ” hàm ý tự mình về bên gia đình (không phải “gửi tiền” hay chỉ giao tiếp qua các phương tiện liên lạc), mang thành quả lao động cho người thân (tiền ở đây chỉ mang giá trị biểu tượng). Và trên hết, đó chính là sự sum vầy, tụ họp của gia đình với tình cảm đong đầy, chan chứa…

Có lẽ nhiều người nhận ra rằng, những lời yêu thương giờ đây dường như rất dễ nói ra. Với các thiết bị giao tiếp hiện đại, sự phát triển của mạng xã hội, người ta có thể bộc lộ tình yêu thương bằng nhiều cách: gọi video, nhắn tin, thả tim hoặc chọn các sticker mang đậm tình cảm, đăng các dòng trạng thái, cập nhật (status) bày tỏ tình cảm với người khác… Vì vậy, lời yêu thương chưa hẳn được bộc lộ một cách chân thành và sâu lắng, vốn lắm khi được chất chứa, dồn nén trong thời gian dài hoặc do những ngập ngừng mà không nói thành lời. Hay trong nhiều trường hợp, lời yêu thương được thể hiện khá dễ dãi trên mạng xã hội với những câu từ, hình ảnh hoa mỹ, ướt át nhưng thực tế chỉ là một hình thức câu view, câu like, vì người được nói lời ngọt ngào ấy không hề dùng mạng xã hội và không hề biết người thân của mình tỏ ra thương yêu nồng nàn như vậy…

Do đó, mang yêu thương đến với người thân hoặc đến những người mà mình muốn bày tỏ thì thực sự cần những cách thức cụ thể, phù hợp và thực tế. Đặc biệt là với gia đình, dịp cuối năm là thời khắc đoàn viên, để mọi người cùng quây quần bên nhau thể hiện tình yêu thương, chia sẻ những điều vui nỗi buồn, động viên nhau sống tốt hơn trong năm mới… Trong 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống xã hội, làm thay đổi, xáo trộn nhiều hoạt động mang tính truyền thống, định kỳ của rất nhiều gia đình. Chẳng hạn, do bị cách ly, phong tỏa, giãn cách…, nhiều người đã không thể về thăm người thân, trở về gia đình, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, nhu cầu mang yêu thương cũng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, để mỗi thành viên giảm đi sự trông ngóng các người thân của mình.

Chính trong bối cảnh đó, cuối năm 2021, Nhà xuất bản Hội Nhà văn - Chi nhánh miền Nam, phối hợp cùng trang vanvn.vn (cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam), phát động cuộc thi viết có tên “Về nhà”. Theo ban tổ chức cuộc thi, “về nhà” thực sự là tâm thức, hiện thực xã hội rất đáng khắc ghi, suy ngẫm bởi khi dịch Covid-19 xảy ra, để "ai ở đâu ở yên đấy" thì ngôi nhà không chỉ là nơi trú ngụ, mà nó còn là nơi chốn để tinh thần mình cảm thấy được xoa dịu…

Trở lại câu chuyện “mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu, sâu thẳm bên trong là tình cảm gia đình thắm thiết, sâu nặng. Mẹ là đại diện tiêu biểu của gia đình, vốn còn rất nhiều thành viên khác. Việc mang tiền về là sự trở về nhà với đầy ắp những thành quả lao động, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau của các thành viên.

Bản rap không có những câu hát ngọt ngào, lắng đọng và toàn bộ câu chuyện thì lại đi vào lòng người bởi nhiều người thấy có mình trong đó. Nhưng có lẽ mỗi người khi thưởng thức sản phẩm này, hãy nhớ rằng yêu thương thì đừng thực dụng mà luôn cần sự chân thành; yêu thương cũng không cần hoa mỹ mà nên có sự chân chất; yêu thương cũng không phải là lời nói suông mà phải có hành động cụ thể… Bởi yêu thương luôn có sức làm lay động lòng người, không chỉ người trong cuộc, mà còn lan tỏa, truyền cảm hứng cho nhiều người khác, nên yêu thương cần được điển hình hóa một cách giản dị, thiết thực, như cách mà Mang tiền về cho mẹ đã làm./.

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "“Mang tiền về cho mẹ” và mang yêu thương về cho gia đình" tại chuyên mục Xã hội. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.