Lời nguyền ở… Xuân La

31/07/2014 10:01

Theo dõi trên

Đi qua chiếc ao trong làng, vị tiến sĩ đá hòn đá xuống ao mà nguyền rằng: “Bao giờ hòn đá này nổi, làng Xuân La mới nên người”.

news-1406775714-1651204652.jpg
Văn Miếu Xuân La

Lời nguyền đáng sợ?

Về thôn Xuân La, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thuỵ, TP. Hải Phòng vào dịp hội làng, chúng tôi được người dân nơi đây kể cho nghe câu chuyện về lời nguyền đá nổi. 

Ngày ấy trong làng có một chàng thanh niên tên Ngô Thái Cẩn, nhà nghèo, bố thì mất sớm còn mẹ lại ốm đau bệnh tật liên miên nên Ngô Thái Cẩn phải đi ở đợ để lấy tiền nuôi mẹ. Khi mẹ chết, ngay đến một đồng để ma chay cho mẹ cũng không có, cực chẳng đã Ngô Thái Cẩn phải cầm mảnh đất cùng căn nhà do tổ tiên để lại để lấy tiền lo tang lễ cho mẹ. 

Nhưng chữ nghĩa thì không biết nên văn tự cũng không biết viết, ông bị trưởng bạ (chức cai dịch chuyên lo sổ cách điền bạ ở làng) miệt thị, khinh bỉ. Quá uất ức Ngô Thái Cẩn quyết tâm dùi mài kinh sử, học đêm học ngày, có nhiều khi người trong làng thấy Ngô Thái Cẩn vừa đi vừa học. 

Kỳ thi năm ấy ông đỗ tiến sĩ. Khi Ngô Thái Cẩn vinh quy bái tổ về quê, có loa của triều đình về báo nhưng các chức sắc cùng dân trong làng không ai tin, chẳng ai ra nghênh đón tiến sĩ. Giận người làng quá coi thường mình nên Ngô Thái Cẩn bực tức bỏ đi. Đi qua quán đá đến ao Lĩnh trong làng ông lấy chiếc dây thừng buộc hòn đá rồi ném xuống ao. 

Ông nguyền: “Bao giờ hòn đá này nổi, làng Xuân La mới nên người”. Sau đó ông bỏ sang khu đất cạnh làng (nay là làng Cẩm La) chiêu dân lập ấp. Khi ông mất, dân làng Cẩm La lập ông là thành hoàng làng và lấy ngày 6 tháng giêng hàng năm là ngày giỗ của ông.

Cũng kể từ ấy cái sự học hành của làng Xuân La chìm trong tăm tối, dù có học giỏi đến mấy nhưng khi đi thi đều trượt. Bao nhiêu năm con em sĩ tử trong làng chán nản chẳng ai muốn học, bởi có chăm chỉ đến mấy thì công sức cũng đổ xuống sông xuống biển. Không biết nguyên nhân là vì đâu, lúc này mọi người mới nhớ tới lời nguyền về hòn đá của Ngô Thái Cẩn. Dân trong làng cứ bàn tán nhau mãi, người tín tâm thì cho rằng tất cả là tại lời nguyền cay nghiệt kia. Chẳng biết có thật hay không nhưng bao năm rồi làng Xuân La không ai đỗ đạt hay làm to được.

Hóa giải lời nguyền đá nổi 

Ông Ngô Quang Khoát, nguyên Trưởng phòng văn hóa huyện Kiến Thụy kể lại: Năm 1997, trời làm hạn hán, cái ao mà người dân trong làng thường múc nước để tưới rau cũng bị khô cạn. Người trồng rau phải vét đáy ao thành những cái nhói sâu 1, 2 mét mới có nước tưới rau. 

Trong khi đào vét đáy ao thì Ông Vũ Văn Hoạt, một người dân trong làng đào được tảng đá hình trụ cao hơn 1m, bốn mặt rộng 0,25m đều có khắc nhiều chữ nho. Thấy vậy mọi người mới nhờ người đọc hộ và biết được đây là một văn bia ghi chép danh tính 14 vị tiến sỹ nho học của huyện Nghi Dương đỗ đại khoa từ đời vua Lê Hồng Đức lại đây. 

Biết là một di vật quý, minh chứng cho tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài của quê hương nên ông Ngô Quang Khoát đã đã tìm gặp cụ Đào Văn Thảo (nguyên là cán bộ sở văn hóa thành phố) để hỏi về nội dung hai bia trên mà cụ ghi chép được trong cuộc khảo sát năm 1977. Cụ Thảo giải thích rằng đây là một văn miếu duy nhất của Hải Phòng, giữ vị trí như một trường thi của nhà Mạc. Trong 14 tiến sỹ của huyện Nghi Dương xưa có hai vị là người làng Xuân La, đó là Ngô Thái Cẩn, và Bùi Tổ Chứ.

Sau khi biết rõ lai lịch của văn bia ông Ngô Quang Khoát cùng bà Chung Thị Dán, bà Nguyễn Thị Xòa đã vận động bà con trong xóm dựng chiếc am nhỏ trên nền Văn Miếu cũ che mưa nắng cho cây thạch trụ và lập hai bài vị tiến sỹ của làng để tưởng nhớ như là một sự tri ân các bậc hiền tài. 

Không ai biết được sự chính xác của câu chuyện mà các cụ cao niên vẫn kể cho con cháu nghe nhưng dân trong làng tin lắm, họ tin vào lời nguyền đá nổi và nhất là sau khi có những chuyện kỳ lạ khác nữa xảy ra. Đó là chuyện mùa thi sau khi người ta tìm thấy cây thạch trụ thì bỗng nhiên trong làng có mấy em đỗ vào đại học, rồi câu chuyện về con gái của một bác sỹ thú y. 

Cô bé học giỏi nhưng lận đận về đường thi cử, đã mấy năm chăm chỉ đèn sách mà đi thi trượt vẫn hoàn trượt. Vị bác sỹ này cũng tìm đủ mọi cách, cho con ôn luyện thi ở khắp những địa chỉ có tiếng trong thành phố nhưng vẫn không có kết quả. Đang lúc nản trí thì ông gặp một người bạn, sau khi nghe bạn kể xong về Văn Miếu ông về nhà sắm lễ lên Văn Miếu thành tâm cầu khấn. Quả nhiên năm đó con gái ông đỗ đại học với số điểm cao chót vót. Tiếng thơm Văn Miếu bắt đầu lan tỏa từ đấy.

Bà Nguyễn Thị Xòa kể: “từ ngày phục dựng lại Văn Miếu nhân dân trong làng phấn khởi hẳn lên, các cháu học sinh cũng hăng say học tập và các cháu đỗ đại học ngày càng tăng. Vừa rồi có cháu Ngô Đình Duy con ông Ngô Đình Đối giành được huy chương vàng toán quốc tế”. Cũng kể từ đấy mỗi mùa thi cử, các sỹ tử lại về miếu dâng hương nguyện cầu đăng khoa đỗ đạt và phát tâm đóng góp sửa sang lại Văn Miếu.

Văn Miếu Xuân La, trường thi lớn của nhà Mạc

Văn Miếu Xuân La nằm ở phía Tây Nam Núi Đối thuộc địa phận thôn Xuân La, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng, được xây dựng từ thế kỷ thứ 15, cách đây đã hơn 400 năm. Vào thế kỷ 16, nhà Mạc lấy Nghi Dương làm kinh đô thứ 2 (gọi là Dương Kinh). Văn miếu Xuân La được coi là một trường thi lớn của Dương Kinh, kinh đô ven biển. 

Văn miếu xưa có quy mô khang trang và sầm uất nhất vùng: Tòa điện thánh cột xà bằng đá, có tượng thánh Khổng Tử và Tứ Phối (Nhan Tử, Mạnh Tử, Tăng Tử và Tư Tử) cũng bằng đá cẩm thạc cao to như người thật. Tòa tiền tế 5 gian gỗ lim chạm khắc cầu kỳ, có hoành phi câu đối sơn thếp rực rỡ. Bên tả có nhà bia tiến sỹ đặt lên lưng rùa. Bên hữu là nhà hội tư văn. Trước cửa Miếu có hồ hình bán nguyệt, xung quanh trồng nhiều cây cổ thụ bốn mùa xanh tươi, chim hót ríu rít suốt ngày. Theo văn bia được tìm thấy thì từ thời Chánh Hòa (1680) quan lộ, quan phủ vẫn về tế ở Miếu.

Năm 1947 thực hiện tiêu thổ kháng chiến, làng dỡ tòa nhà tiền tế và nhà hai bên giải vũ, đốn chặt hết cây, chỉ để lại điện thánh. Năm 1951 giặc Pháp bắn pháo từ Kiến an về làm sập Văn Miếu nhưng 5 pho tượng đá và 2 văn bia vẫn nguyên vẹn đứng trên nền Miếu. năm 1955 cải cách ruộng đất, chính quyền thu ruộng thánh chia cho nông dân, đào hồ bán nguyệt thành hình vuông (như hiện nay), hạ tượng đá kê làm cầu lên xuống. Năm 1977 đoàn cán bộ văn hóa thành phố Hải Phòng khảo sát, nghiên cứu văn bia Hán Nôm về Văn Miếu đọc bia rồi dập bản mang đi. Mấy tháng sau sở văn hóa thuê người đào 2 bia của Văn Miếu đem về bảo tàng thành phố. Từ đó Văn Miếu Xuân La chỉ còn là một gò hoang cỏ mọc, nhân dân vỡ đất trồng rau. Năm 1997, sau khi tìm được cây thạch trụ dưới đáy ao, Văn Miếu Xuân La bắt đầu được phục dựng lại.

Hiện Văn miếu Xuân La được xây dựng lại trên nền đất cũ rộng 1800m2, gồm 1 cung thánh 2 tầng mái đao, lợp ngói vẩy cá; toà văn thánh 3 gian thờ Khổng Tử ở chính giữa, 2 bên tả và hữu thờ bia ghi văn thánh kiến trúc theo kiểu thuận chồng, mái ngoài bít nóc đao cong, lợp ngói vẩy.

Văn Miếu bây giờ là nơi tụ họp của nhiều hoạt động văn hóa giàu tính nhân văn, phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài. Hàng năm đến mùa thi cử các học sinh, sinh viên lại tìm về Văn Miếu dâng hương tưởng nhớ tri ân các tiên hiền, tâm nguyện thành danh. Văn Miếu thực sự trở thành điểm sáng văn hóa với những hoạt động như nghênh đón và ghi danh nhân tài của quê hương, tuyên dương học sinh giỏi của huyện và xã, tổ chức giao lưu, bình thơ, triển lãm thư pháp, cho chữ đầu xuân, khuyến học khuyến tài.

Thùy Dương
Bạn đang đọc bài viết "Lời nguyền ở… Xuân La" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.