Lê Nghi Dân – Vị vua thứ 4 của nhà Lê Sơ

20/09/2017 14:37

Theo dõi trên

Đánh giá về một nhân vật lịch sử cũng là một việc rất khó, không dễ chút nào. Giáo sư Nguyễn Văn Hồng trong cuốn sách viết về: “Mấy vấn đề lịch sử Việt Nam và Châu Á” xuất bản năm 2001 cũng đã từng viết: “Đánh giá về một nhân vật lịch sử là phải nhìn nhận nhân vật đó trong quá trình lịch sử. Xét đến điều kiện đương thời và tác động đến toàn bộ xã hội lịch sử”.



(Ảnh minh họa Internet)

Từ chuyện vua Lê Nghi Dân, luận bàn mấy vấn đề bất cập đến việc chép sử trong sách giáo khoa
 
Vương triều nhà Lê Sơ (1428 – 1527), tồn tại tổng cộng được 99 năm, truyền nối được 11 đời vua.  Từ vị vua đầu tiên là Lê Lợi, đến vị vua cuối cùng là Lê Cung Hoàng. Hiện nay hầu hết các sách lịch sử ở Việt Nam khi viết về triều đại nhà Lê Sơ, tất cả đều ghi chép nhà Lê Sơ có 10 vị vua. Tại sao lại có sự ghi chép như vậy, vậy còn 1 vị vua nhà Lê Sơ là ai, sao không thấy sử sách công nhận?
 
Có một vị vua nhà Lê Sơ không được các sử gia ngày xưa và ngày nay ghi nhận khi biên soạn sách, vị vua đó chính là Lê Nghi Dân (1439 – 1460). Năm 1459, Nghi Dân đã giết chết vua Lê Nhân Tông (1441 -1459), tự lập lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Hưng.
 
Hơn 8 tháng sau, vào năm 1460, Nghi Dân bị các đại thần lật đổ, vì cho rằng ông vua này không có tài cán và mang tội phản nghịch, nên vua Nghi Dân thường không được các sử gia xem là vị vua chính thống của nhà Lê Sơ. Người xưa thường nói: “Đất nước không thể một ngày không có vua”  huống chi Nghi Dân đã làm vua đươch hơn 8 tháng. Mặc dù sau này bị phế, nhưng Nghi Dân vẫn phải được xem là một vị vua của nhà Lê Sơ.
 
Trong quá trình phát triển của lịch sử loài người, kể từ khi có sự ra đời của Nhà nước, xuất hiện các vua chúa, đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, nếu một người nào đó đã lên làm vua, thì dù mới chỉ một ngày, hoặc kể cả là 1 giờ thì người đó vẫn được coi là vua. Vậy vì cớ gì mà Lê Nghi Dân lại không được coi là một vị vua trong lịch sử phong kiến Việt Nam?
 
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có vị vua tại vị ngắn ngày nhất là vua Dục Đức (1853 -1883) – Vị vua thứ 5 của vương triều nhà Nguyễn (1802 – 1945). Vua Dục Đức chỉ tại vị có đúng 3 ngày. Nói chung 3 ngày hay 3 giờ không quan trọng, miễn là người đó đã lên làm vua, thì vẫn được coi là vua của một nước.
 
Nhà sử học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) đã từng viết: “Hoàng đế đăng quang và đặt ra niên hiệu, trăm họ theo đó để mà tính thời gian, các sử quan cũng theo đó để mà chép việc…”. Vậy Lê nghi Dân đã làm vua trong suốt gần 1 năm trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nên Lê Nghi Dân cũng xứng đáng được coi là một vị vua và là một trong những vị vua của nhà Lê Sơ. Như vậy, vương triều nhà Lê Sơ được tính từ khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (tháng 4 năm 1428) đến vị vua cuối cùng là Lê Cung Hoàng (1507 – 1527), tồn tại 99 năm, tổng cộng chính xác là 11 vị vua.
 
Việc Lê Nghi Dân không được xem là vị vua chính thống của nhà Lê Sơ, bởi vì các sử gia ngày xưa và thậm chí là các sử gia ngày nay cho rằng Lê Nghi Dân mang tội phản nghịch cướp ngôi, nên không xứng đáng được coi là vua, ngày xưa thời phong kiến có thể chấp nhận được quan điểm đó, nhưng ngày nay mà còn có quan niệm và cái nhìn như thế thì đúng là một bất cập, không ổn chút nào.
 
Hiện nay thậm chí rất nhiều người, đặc biệt là học sinh không thích học môn lịch sử, điểm thi trung bình tốt nghiệp của môn lịch sử thuộc dạng thấp nhất trong các môn được thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Một số danh nhân văn hóa đã được đặt tên đường, thậm chí có người sống ở trên con đường đó, khi được hỏi có biết danh nhân văn hóa được đặt tên đường đó là ai không, đã có rất nhiều người lắc đầu trả lời không biết, bởi vì họ không quan tâm đến lịch sử, nhưng cũng không sao, bởi vì trong xã hội mỗi người quan tâm những việc khác nhau là chuyện bình thường.
 
Hơn nữa việc biên soạn sử sách, rất nhiều người cứ sao chép lại, người trước chép sai, người sau không am hiểu cũng cứ thế chép theo. Ngay như việc nói về nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, sách dạy lịch sử trong trường Trung học cơ sở tại Việt Nam. Sách nào cũng cứ ghi nguyên nhân là do vua Đường có một nàng Quý Phi rất được sủng ái đó là Dương Quý Phi, Dương Quý Phi rất thích ăn quả “Vải” ở An Nam, nên vua Đường bắt nhân dân ta triều cống. Việc gánh vải rất khó khăn và vất vả… Trong đoàn phu gánh vải có Mai  Thúc Loan, đã hô hào mọi người đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Đường.
 
Thực ra cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan ở Việt Nam chính thức được bắt đầu từ năm 713, và cuộc khởi nghĩa đó kết thúc vào năm 722. Trong thời gian cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan nổ ra, 6 năm sau thì nàng Dương Quý Phi được nhắc đến là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khởi nghĩa mới cất tiếng khóc chào đời. Dương Quý Phi chính là một trong “Tứ đại mỹ nhân” của Trung Quốc (Tây Thi; Vương Chiêu Quân; Điêu Thuyền và Dương Quý Phi).
 
Trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc, ba người đầu tiên không có nguồn tài liệu nào chứng minh được năm sinh và năm mất. Chỉ duy nhất có nàng Dương Quý Phi là sử sách của Trung Quốc ghi chép chứng minh được nàng sinh năm 719 và mất năm 756 (Trung Quốc có quan chép sử từ rất sớm, từ năm 841 Tr.cn, trong 12 năm thời “Cộng hòa hành chính” dưới thời đại nhà Chu, ở Trung Quốc đã có quan chép sử. Còn ở Việt Nam vào năm 1272 dưới thời nhà Trần mới xuất hiện nhà sử học Lê Văn Hưu. Như vậy quan chép sử của Việt Nam xuất hiện sau Trung Quốc đến 2113 năm!”.

Vậy nói về nguyên nhân cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, đề cập đến nàng Dương Quý Phi, thì đúng là rất nhiều học sinh ở Việt Nam (những người đã học hết bậc Trung học cơ sở) đúng là đã bị những người biên soạn sách lịch sử lừa đảo một cách trắng trợn, hay nói đúng ra là Lịch sử đã bị xuyên tạc! Và ngày nay học sinh đi học, học lịch sử mà sách vẫn còn biên soạn như thế thì đúng là không thể chấp nhận được.
 
Đánh giá về một nhân vật lịch sử cũng là một việc rất khó, không dễ chút nào. Giáo sư Nguyễn Văn Hồng trong cuốn sách viết về: “Mấy vấn đề lịch sử Việt Nam và Châu Á” xuất bản năm 2001 cũng đã từng viết: “Đánh giá về một nhân vật lịch sử là phải nhìn nhận nhân vật đó trong quá trình lịch sử. Xét đến điều kiện đương thời và tác động đến toàn bộ xã hội lịch sử”. Vì vậy đánh giá về một nhân vật lịch sử nào đó cần phải nhìn nhận một cách khách quan và công tâm nhất, hay nói một cách nôm na là như Tòa tuyên án thường xử là đúng người đúng tội.
 
Thịnh suy là chuyện bình thường, là lẽ thường tình trong tự nhiên và xã hội. Trong Lịch sử việc triều đại này thay thế triều đại kia để cai trị thiên hạ, cứ theo thời gian nó diễn ra thường xuyên. Và người thắng thường lên làm vua, thua thì bị tru di tam tộc, cửu tộc cũng là chuyện bình thường. Việc Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê Sơ. Khi đánh giá về Hồ Quý Ly, hay vương triều nhà Mạc, hiện nay giới sử học cũng đã có những nhận xét và đánh giá một cách khách quan hơn trước rất nhiều. Cũng như vấn đề về các chúa Nguyễn khi tiến công vào Nam khai hoang mở mang bờ cõi, và vương triều nhà Nguyễn trong lịch sử phong kiến Việt Nam là có công hay có tội? Để đưa ra được nhận xét chính xác cũng rất khó.
 
Như chúng ta đã biết, lịch sử là những gì đã trải qua, đã diễn ra trong một thời gian không kể ngắn dài, lịch sử nghiên cứu con người từ đâu mà ra, sống và hoạt động ra sao và có những biến đổi gì. Vì vậy khi đã nói đến lịch sử là không có từ “Nếu”. Cho nên khi lịch sử đã diễn ra rồi, chúng ta không thể “xuyên không trở về quá khứ” được, mà phải nhìn nhận một cách khách quan nhất.

Việc Lê Nghi Dân cướp ngôi lên làm vua, sự việc đã diễn ra, và đúng là Lê Nghi Dân đã lên làm vua, một ông vua có niên hiệu đàng hoàng. Vì vậy cần phải nhìn nhận một cách khách quan nhất, đó là Lê Nghi Dân vẫn là một ông vua chính thống của nhà Lê Sơ. Và Nhà Lê Sơ trong lịch sử phong kiến Việt Nam có 11 vị vua, chứ không phải 10 vị vua như nhiều sách lịch sử đã từng biên soạn.
 
Trở lại vấn đề vua Lê Nghi Dân
 
Lê Nghi Dân sinh vào tháng 10 năm Kỷ Mùi 1439, và mất năm Canh Thìn 1460, Lê Nghi Dân là con trưởng của vua Lê Thái Tông (1423 – 1442), thân mẫu là bà phi họ Dương, tên là Dương Thị Bí. Lê Nghi Dân còn có một người em trai là Lê Bang Cơ sinh năm Tân Dậu 1441.

Vì nhiều nguyên nhân, Dương Thị Bí mắc tội với vua Lê Thái Tông,  vì vậy mà Lê Nghi Dân đã không được lập làm Thái tử. Người được lập làm Thái tử là Lê Bang Cơ, chứ đúng ra bao giờ ngôi vị Thái tử cũng thuộc về con trưởng. Năm Nhâm Tuất 1442, vua Lê Thái Tông mất, Thái tử Lê Bang Cơ mới được gần 2 tuổi, được lập lên nối ngôi, hiệu là Lê Nhân Tông, vì nhà vua còn nhỏ, nên Thái hậu Tuyên Từ phải buông rèm nhiếp chính. Đến năm Quý  Dậu 1453, lúc đó Lê Nhân Tông được 12 tuổi, Thái hậu Tuyên Từ mới trao quyền cho nhà vua trẻ.
 
Chính thức cầm quyền được 6 năm, vào ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão 1459, vua Lê Nhân Tông bị người anh cả là Lê Nghi Dân sát hại. và ngày 7 tháng 10 năm 1459, Lê Nghi Dân chính thức lên làm vua. Trước đó, khi trưởng thành Lê Nghi Dân nghĩ mình là phận con trưởng, lẽ ra ngôi báu đó phải thuộc về mình. Cho nên Lê Nghi Dân đã âm thầm chuẩn bị cùng với một số mưu sỹ thân tín là Phạm Đồn, Phạm Ban và Trần Lăng chờ cơ hội đến sẽ cướp ngôi vua của Lê Nghi Dân.
 
Sau khi giết chết vua Lê Nhân Tông, Lê nghi Dân tự lập lên làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Hưng. Lê Nghi Dân còn phong cho người em cùng cha khác mẹ với mình là Lê Tư Thành (1442 – 1497) làm Gia Vương. Chính Lê Tư Thành sau đó được các quan đại thần, đứng đầu là tướng quân Nguyễn Xí (1397 -1465), phế truất vua Lê Nghi Dân ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn 1460, lập Lê Tư Thành lên làm vua, hiệu là Lê Thánh Tông.
 
Như vậy, Lê Nghi Dân lên làm vua,  đến ngày bị phế truất, tính ra là được 8 tháng 3 ngày. Sau Khi bị phế truất, Lê Nghi Dân bị đưa ra khỏi cung, bị truất làm Lệ Đức Hầu, và sau đó buộc phải thắt cổ tự tử chết. Lê nghi Dân chết, hưởng dương được 21 tuổi.
 
Vương Quốc Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Lê Nghi Dân – Vị vua thứ 4 của nhà Lê Sơ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.