Lễ cúng bản của dân tộc La Hủ: Ước mong cuộc sống bình yên, no đủ

05/09/2015 06:44

Theo dõi trên

Lần đầu tiên được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Lễ cúng bản của người La Hủ là một trong những hoạt động trong khuôn khổ sự kiện “Vui Tết Độc lập” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (02/9/1945-02/9/2015).

Sáng ngày 04/9, tại không gian làng dân tộc La Hủ thuộc Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào La Hủ (xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) đã lần đầu tiên tái hiện Lễ cúng bản của dân tộc La Hủ.

Mong ước bản làng bình yên, no đủ

Theo chị Li Phó Nhù, dân tộc La Hủ, đến từ Mường Tè (Lai Châu) cho biết: tại các bản người La Hủ sinh sống hiện nay ít thực hiện cúng bản như trước đây. Nhưng theo người già kể lại, nếu bản nào có nhiều người chết, thiên tai nhiều thì cả bản phải tập trung lại tổ chức cúng bản để đuổi tà ma xấu không đến quấy nhiễu, đời sống của người dân được ổn định, no đủ.

Cũng theo chị Li Phó Nhù, lần đầu tiên về với Thủ đô Hà Nội, được sống trong không gian làng dân tộc La Hủ thuộc Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bà con đều rất vui. Tổ chức Lễ cúng bản hôm nay, bà con mong muốn từ nay bản làng của mình sẽ luôn được bình yên, may mắn để hàng ngày đón du khách đến thăm “Làng”.



 
Thầy cúng và bà con chuẩn bị đồ lễ...

Để thực hiện các nghi thức của Lễ cúng bản, ngay từ sáng sớm, thầy cúng đã cùng với dân bản chuẩn bị đồ lễ đi ra khu đất rộng đầu bản để làm lễ. Thầy cúng hướng dẫn mọi người sắp lễ. Ban đầu là lễ sống. Thầy cúng khấn gọi ma đến chứng kiến việc dân làng chuẩn bị làm cỗ cúng ma. “Hôm nay ngày lành tháng tốt, ma không tốt khắp bản hãy về đây, ma tốt thì đừng về, chúng ta mang gà, lợn và đầy đủ lễ vật chuẩn bị làm cỗ cho ma ăn…”

Sau đó thầy cúng bảo dân làng tập trung vào mổ lợn, giết gà, nấu chín thức ăn rồi lại cùng sắp một mâm cỗ để cúng. “Các ma xấu tập trung về đây, chúng ta đã nấu chín thức ăn rồi, chúng mày ăn xong thì biến đi, chúng mày trú ngụ ở đâu thì quay về chỗ đấy, đừng có quay lại đây quấy phá nữa…”




... và thực hiện các nghi thức của Lễ cúng bản.

Sau khi mời ma ăn và đuổi ma đi, thầy cúng đổ bỏ tất cả thức ăn trên mâm cúng, số thức ăn còn lại thầy cúng bảo mọi người dọn ra cùng ăn uống vui vẻ. Mọi người tham gia phải ăn hết đồ ăn thức uống không được mang về. Bát đũa rửa sạch vì sợ ma ngửi thấy mùi thức ăn sẽ về theo. Dọn xong mọi người phải chạy thật nhanh về bản, thầy cúng đi cuối cùng để bảo vệ mọi người, phòng ngừa ma xấu đi theo.

Về bản, mọi người cùng nhau vui múa, vui hát vì từ nay bản mình đã trở lại ổn định, không còn sợ ma xấu quấy nhiễu nữa.

Trải nghiệm thú vị ở “ngôi nhà chung”

Lễ cúng bản của dân tộc La Hủ được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào ngày 04/9/2015. Mặc dù trời mưa, lại không phải ngày nghỉ, nhưng cũng đã thu hút khá đông du khách tới tham dự.






Vui điệu múa mừng bản làng bình yên, no ấm.

Chị Trần Phương Liên (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết; Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết đến các hoạt động “Vui Tết Độc lập” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Hôm nay lên tới đây, được thưởng thức nhiều món ăn ngon và lạ của đồng bào tại phiên chợ vùng cao, lại được thưởng thức các màn trình diễn dân ca rất thú vị. Lễ cúng bản của đồng bào rất đặc sắc, rất nhân văn. Tôi cám ơn Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức các hoạt động văn hoá như vậy để tôi có dịp được trải nghiệm những nét văn hoá của đồng bào mình ngay tại Hà Nội.

Cũng giống với chị Liên, bác Phùng Quang Oánh (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: Tôi đã tham dự khá nhiều hoạt động tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Mỗi lần tới đây, được chứng kiến nhiều lễ hội khác nhau của đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc, lại càng thấy tự hào, thấy yêu quý hơn các giá trị văn hoá Việt Nam. “Đây là điều không dễ thực hiện được đối với một người đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” như tôi”, bác Oánh nói.




Mang tới những trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Thắng - Phó Giám đốc Khu các làng dân tộc (Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam) cho rằng: Với không ít người, được đi được trải nghiệm văn hoá của các dân tộc, các vùng miền khác nhau là một cái thú. Nhưng cũng không phải ai và khi nào cũng có thể có điều kiện thực hiện điều đó! Qua các lần tổ chức sự kiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam chúng tôi đã ghi nhận được những tình cảm tốt đẹp của bà con khi về với “Nhà mình ở Hà Nội” cũng như những tình cảm của người dân Thủ đô và du khách tham dự các hoạt động văn hoá này. “Dù chưa thực sự được như mong muốn, nhưng tôi cho rằng, với những kết quả ban đầu như vậy, cùng với những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam nói chung, Ban Quản lý Khu các làng dân tộc nói riêng, trong thời gian tới sẽ thu hút đông đảo hơn nữa du khách đến với “ngôi nhà chung” để được tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm qua các hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào”, ông Nguyễn Đức Thắng bày tỏ.

Trong các ngày 05, 06/9/2015, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động văn hoá dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu, đặc biệt là Nghi lễ cúng cây Đu trong Tết mùa mưa của dân tộc Hà Nhì, Lễ cưới của dân tộc Si La…

Bên cạnh đó, các hoạt động chợ vùng cao sẽ tiếp tục được tổ chức giới thiệu các sản vật địa phương của đồng bào như: thịt dê, xôi nếp 3 màu, gà quay dân tộc, thịt sấy, lạp xườn… hứa hẹn mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến với “ngôi nhà chung” Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Theo Song Nguyên (Làng Việt Online)

Bạn đang đọc bài viết "Lễ cúng bản của dân tộc La Hủ: Ước mong cuộc sống bình yên, no đủ" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.