Làng nghề thớt Định An chuẩn bị cho thị trường Tết

19/12/2014 16:28

Theo dõi trên

Khi con nước rong tháng 9 âm lịch bắt đầu rút, làng thớt Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp bắt đầu nhộn nhịp với tiếng cưa, tiếng đục, tiếng máy. Làng nghề đang hối hả chuẩn bị cho ra lò nhiều loại thớt cung cấp cho thị trường dịp Tết.



 Người dân sản xuất thớt tại xã Định An, huyện Lấp Vò

 
Nghề làm thớt có từ lâu đời và là nghề truyền thống của người dân thuộc địa bàn xã Định An, huyện Lấp Vò. Mỗi ngày, làng nghề thớt Định An, huyện Lấp Vò sản xuất hơn 1.000 sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông Nam bộ.

Theo các hộ dân sản xuất thớt, giá nguyên liệu năm nay tăng cao hơn 10 - 15% so với năm trước. Bên cạnh đó, người làm nghề này ngày một ít đi và chủ yếu chỉ lấy công làm lời do gặp nhiều khó khăn: giá nguyên liệu gỗ, giá nhân công lao động tăng nhưng giá sản phẩm lại không tăng nhiều.

Việc sản xuất phục vụ Tết của làng nghề thớt năm nay khởi động chậm hơn mọi năm do nhu cầu đặt hàng ít và sự cạnh tranh sản phẩm, ông Nguyễn Văn Xuyên ngụ ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò cho biết: “Trước đây mỗi đợt Tết, gia đình tôi có thể làm vài ngàn tấm thớt để bỏ mối bán. Năm nay, do sức mua từ thị trường yếu hơn mọi năm nên gia đình tôi chỉ sản xuất cầm chừng. Mỗi tuần, làm ra khoảng 400 - 500 tấm thớt, giảm khoảng 30 - 40% so với mọi năm. Với mức giá từ 8.000 - 25.000 đồng/tấm tùy loại, sau khi trừ các khoản chi phí còn lời khoảng 2.000 - 3.000 đồng/tấm”.

Theo ông Trần Văn Thanh ngụ ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò: “Từ khi ứng dụng các phương tiện cơ giới như máy cưa dùng để xẻ cây, máy cắt, máy lọng, bào điện... việc sản xuất thớt được thuận lợi hơn, nếu có đủ nguyên liệu, mỗi gia đình có thể cung cấp 200 - 300 thớt/ngày. Tuy nhiên, việc kiếm nguyên liệu làm thớt không còn dễ dàng như trước. Muốn có gỗ, người trong nghề phải qua Sóc Trăng, Trà Vinh  mua. Mỗi chuyến đi như vậy cũng mất ba, bốn ngày, nhưng cũng chỉ mua được rất ít”.

Bên cạnh đó, các hộ theo nghề còn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại từ các tỉnh khác nên lợi nhuận không cao. Ông Nguyễn Thanh Tùng ngụ ấp An Hòa, xã Định An làm nghề thớt hơn 40 năm cho biết: “Tôi làm nghề này lâu rồi, giờ thì lợi nhuận không bằng trước, nguyên liệu gỗ xà cừ, mù u, me chua tìm mua khó khăn, chi phí cao nhưng giá bán thớt lại không tăng. Tính không theo nghề nữa, nhưng nghĩ lại đây là nghề truyền thống nên ráng giữ”.

Mặt khác, nhiều hộ sản xuất thớt lâu năm tại đây cho biết, nghề này phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn sản xuất nên khó khăn hiện tại của bà con là thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Vì để làm 1.000 tấm thớt, số vốn cần có khoảng từ 10 - 15 triệu đồng, trong khi đó để đủ giao hàng cho mối lái và có được số lãi kha khá, mỗi gia đình phải làm vài ngàn tấm thớt. Vì vậy, nhiều gia đình ít nhân công, không có vốn ưu tiên chọn giải pháp làm thuê.

Dù khó khăn, vất vả nhưng hơn nửa thế kỷ qua, người dân ấp An Hòa, xã Định An vẫn miệt mài cùng với nghề bởi đây vừa là nghề tạo thu nhập vừa là nghề truyền thống.

Theo KHÁNH PHAN (Báo Đông Tháp)

Bạn đang đọc bài viết "Làng nghề thớt Định An chuẩn bị cho thị trường Tết" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.