Người Hà Nội hôm nay dạo bước trên những nẻo đường tấp nập, rợp bóng cây xanh, ngày lại ngày mùa Xuân tới, vạn vật đổi thay, cành lá rung rinh của những hàng cây đan mái. Công viên Thủ Lệ bao quanh đền Voi Phục xanh rờn từ thuở nào. Giờ đứng trên hòn đảo xanh giữa hồ Bảy Mẫu (công viên Thống Nhất) mới thấy hết những tầng lầu cao của Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội lung linh bóng trên ngấn nước đôi bờ.
Người Hà Nội không thể không nhớ những năm tháng đạn bom chống Mỹ cứu nước, những năm tháng Hà Nội đẹp đến nao lòng. Cũng con sông Hồng quanh năm cuộn chảy, với bãi cát trắng phẳng lặng trải dài, cũng làn sương mờ kỳ ảo mỗi độ thu về, bảng lảng trên sóng nước Hồ Tây, những đàn sâm cầm trú đông từ phương xa tới, mênh mang ý thơ.
Nhưng tuổi thơ người Hà Nội xưa kia không có và không trông thấy thế, nỗi đau mất nước, cả đến số phận mỗi con người lúc ấy cũng không biết có thuộc mình không!
Nếu núi rừng Pắc Bó thiêng liêng được đón Bác Hồ về trực tiếp lãnh đạo cách mạng cả nước trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, thì Hà Nội vinh dự nhất nước được đón Bác và Trung ương Đảng về mở trang sử mới khai sáng đất nước con Rồng cháu Tiên. Thật vĩ đại và kỳ diệu thay, vẫn chiếc bàn giản dị ở 48 Hàng Ngang, giữa lòng phố cổ Hà Nội, của “36 phố phường”, nơi Bác Hồ đặt bút viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay CHXHCN Việt Nam), để từ Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2 tháng 9 năm 1945 truyền khắp thế giới “Nước Việt Nam có quyền được tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập”.
Bác Hồ trong cả nước, cả nước trong Bác Hồ- có thể nói như thế về Hà Nội với Bác Hồ; phải nói như thế về đất nước vinh quang hôm nay, khi nghĩ lại những tháng ngày nô lệ xưa kia ta càng nhớ đến công ơn trời biển của Bác.
Nước Cộng hòa non trẻ ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp buộc chúng ta phải đứng lên cầm vũ khí chiến đấu theo lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” đêm 19 tháng 12 năm 1946 của Bác Hồ. Các chiến sỹ Quyết tử quân Thủ đô đã chiến đấu ngoan cường bảo vệ Hà Nội. Cũng từ ngày ấy, trên các chuyến tàu Nam tiến đã có các chiến sỹ Vệ Quốc đoàn Hà Nội đến bảo vệ Sài Gòn thân thương.
Hà Nội hôm nay với công viên Thống nhất vẫn xanh tốt cây đa Bác trồng năm nào vẫn tỏa bóng, với nếp nhà đơn sơ và giản dị và ao cá trước nhà Bác trong Phủ Chủ tịch, tự nhiên mà rất đổi Việt Nam.
Hà Nội nghìn năm với Chương Dương, Hàm Tử, Đông Bộ Đầu…, Lê Lợi với Hồ Gươm, đậm mầu truyền thuyết, Quang Trung – Nguyễn Huệ với chiến thắng Đống Đa – Ngọc Hồi. Ngàn năm Hà Nội vẫn hiên ngang đó.
Từng trang sử Hà Nội mở ra trên những truyền thuyết Loa Thành, đình Chèm với Lý Ông Trọng, đền Hai Bà Trưng, Quán Thánh…, những chùa Kim Liên, Khuê Văn các, Văn Miếu – Quốc Tử Giám với Hoàng thành Thăng Long phát lộ… Tất cả, tất cả nghìn năm được chứng kiến Hà Nội hôm nay, càng tự hào nghìn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Xưa và nay, Hà Nội chưa bao giờ từng rực rỡ đến thế. Nghìn năm Hà Nội hội tụ trên vóc dáng thủ đô đất nước Xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Đông Nam Á.
Hà Nội với những con ngõ nhỏ tĩnh mịch rêu phong với đền đài miếu mạo… lảng đảng bóng thời gian, xen kẻ với những đường phố thẳng tắp, tràn ngập bóng cây xanh, thêm những hàng biệt thự xinh xắn như những chiếc cườm, chuổi ngọc trên chiếc cổ nõn nà nàng trinh nữ kiêu sa.
Hà Nội còn có những đại lộ rợp bóng cây bốn mùa ngát thơm, những đêm thu già không nở ngủ, có những ngõ quanh co, phố cong như vầng trăng đầu tháng và những phố dốc triền đê… Tất cả đều phảng phất dư ba lịch sử, khiến du khách phải lăng hồn mình vào thời gian đang ngầm chảy.
Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, đất “thượng kinh”, đất “ngàn năm văn hiến”. Nghìn năm trước đã là trung tâm, nay vẫn là “trái tim cả nước”, với thời đại Hồ Chí Minh được bạn bè thế giới ngơi ca “thủ đô phẩm giá con người”, là “thành phố vì hòa bình”.
Hà Nội đẹp vì Hồ Gươm đẹp “một trời cao trên nước biếc đôi bờ”. Từ thủ đô nghìn năm đứng hiên ngang nhìn sông Hồng cuộn chảy, phóng tầm mắt nhìn ra bốn phương, tám hướng càng thấy tự hào Hà Nội hôm nay với những lớp nhà cao mọc lên, những con đường “thênh thang ta bước”, những chiếc cầu hiện đại nối đôi bờ sông “Mẹ” – Hồng Hà và những khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Sài Đồng, Gia Lâm…
Hà Nội xưa và nay nâng đỡ, hòa quyện vào nhau tạo nên một đô thị phương Đông, mang âm hưởng phương Tây, một bản giao hưởng hòa đậm chất dân ca mà du khách một lần gặp sẽ nhớ suốt đời.
Đi giữa lòng Hà Nội mới thấy hết sức sống trường tồn của thành phố. Cả Hà Nội là một bảo tàng lịch sử chiến công nối tiếp chiến công. Kẻ thù có thể đánh tan cây đa đền Bà Kiệu, phá nát bệnh viện Bạch Mai,… nhưng không thể phá nổi tấm lòng người Hà Nội với Bác Hồ và Đảng kính yêu.
Ngày đầu kháng chiến toàn quốc, Hà Nội chỉ có bom ba càng tự chế và các chiến sỹ tự vệ cầm giáo mác xung phong, nhưng với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Hà Nội đã lớn lên cùng cách mạng trong khí thế chàng trai Phù Đổng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, buộc tên lính Pháp cuối cùng phải rút khỏi Hà Nội, cuộc đối đầu lịch sử 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” với đội tự về Đống Đa, Hoàn Kiếm đã bắn gục F111, cánh cụp cánh xòe. Oai phong đe nạt thế giới của pháo đài bay B52 đã cháy đỏ rực trời đêm Hà Nội, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân về nước.
Ngày ấy, Hà Nội với những trang bị vũ khí thô sơ, nay kiêu hãnh vươn mình ra biển Đông rộng lớn với những binh chủng hải lục không quân hùng mạnh chưa bao giở có.
Trang đời Hà Nội hôm nay đang độ vào Xuân. Mỗi trang đời Hà Nội mở ra đều tỏa bóng từ nghìn xưa văn hiến, từ trầm tích văn hóa thấm sâu từng góc phố, hàng cây, trong tâm thức mỗi con người nơi đây – Hà Nội.
Hà Nội bao giờ cũng đậm sắc xưa và nay: cổ sơ và hiện đại, tinh anh và truyền thống anh hùng của dân tộc đan xen và hòa quyện./.