Kỳ lạ người phụ nữ 30 năm không ăn cơm, chỉ uống cà phê và ăn trầu

30/12/2014 15:33

Theo dõi trên

Bà Tư Trầu đã hơn 30 năm không ăn cơm nhưng vẫn sống khỏe mạnh, lao động bình thường. “Thực đơn” hàng ngày của bà là ăn trầu và uống cà phê đá không đường. Bà cũng không tu hành theo đạo giáo nào và cũng không hề bị bệnh suốt mấy chục năm qua.

Chỉ ăn trầu, uống cà phê đá vẫn tăng cân

Bà Nguyễn Thị Tư (Tư Trầu), 64 tuổi, hiện đang sống một mình trong cẳn nhà nhỏ ở vùng quê nghèo thuộc xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thế nhưng, bà Tư Trầu nổi tiếng khắp nơi vì khả năng không cần ăn cơm hay bất kì loại thực phẩm nào mà vẫn sống khỏe mạnh.

Lúc đầu, hàng xóm nghĩ bà đang bị bệnh trầm cảm nên không chịu ăn uống gì. Người khác thì lại lo chắc là bà sắp “gần đất xa trời”. Nghe hàng xóm đoán già đoán non, bà Tư Trầu chỉ cười nói: “Trời đất ơi, tui có bệnh gì đâu. Tui không ăn cơm, nhưng tui ăn trầu nè, nên hổng thấy đói bụng”. Nghe vậy, hàng xóm lại còn thưởng bà bị thêm chứng bệnh tâm thần. “Có ai ăn trầu thay cơm mà sống được không trời?”, bà Tám hàng xóm thốt lên. Bà Tư Trầu cố gắng giải thích nhưng không ai thấy… lọt tai. Họ còn quả quyết, vì bà nhiều năm sống đơn độc, hiu quạnh một mình trong nhà riết rồi bị thần kinh.

Những ngày sau đó, mọi người trong xóm vẫn thấy bà Tư Trầu đi làm thuê, làm mướn khắp đầu làng cuối ngõ. Bà vẫn khỏe mạnh bình thường, chẳng bao giờ bà phải đi viện. Có hôm đi làm cỏ mướn trên đồng ruộng, đến trưa đứng bóng mọi người đều ngừng tay, lôi trong giỏ ra một thố cơm với món dưa cải muối, nước tương ăn lót dạ. Còn bà Tư Trầu thì lại lôi trong giỏ ra mớ trầu, cau, thuốc xỉa và vôi rồi ăn. Nhiều người cứ tưởng bà Tư hết gạo, không có để nấu cơm nên đến bên cạnh “chia sẻ” phần cơm đạm bạc của mình. Nhưng bà Tư Trầu xua tay bảo không cần. “Lâu rồi tui hổng có ăn cơm. Tui ăn trầu là thay cơm rồi đó. Nói thiệt, mấy chị tin tui đi”, bà Tư quả quyết. Ai nấy đều làm lạ, nhưng bà Tư vẫn lao động miệt mài mà không thấy mệt. Đến cuối giờ chiều, mọi người thấy đói cồn cào còn bà Tư vẫn còn miệt mài làm việc đủ ăn mấy miếng trầu.

Từ đó, người ta để ý mỗi lần bà Tư đi chợ, bà không bao giờ mua gạo mà chỉ có trầu cau, vôi, thuốc xỉa và cà phê rang xay nhuyễn. Tò mò, nhiều người trong xóm “khám xét” hũ gạo của bà Tư nhưng cũng đã cạn đáy từ bao giờ. Bà Tư cười xòa: “Lâu lắm rồi tui không mua gạo. Hổng phải hổng có tiền, mà tui hổng có ăn cơm hay cháo thì mua gạo làm gì. Cảm ơn mọi người đã quan tâm bà lão già này. Nhưng đừng có lo, tui hổng có bệnh gì đâu, chỉ có điều hổng biết thèm cơm. Mà cũng không muốn ăn bất kỳ món gì khác, ngoài ăn trầu và uống cà phê đá không đường”.

Bà Tư Trầu cho biết, thực đơn của bà vô cùng đơn giản. Chỉ cần khoảng chục miếng trầu và 4 – 5 ly cà phê đá không đường là… lo bụng. Bà Tư nói, ban đầu trong xóm mọi người không tin đó là sự thật, nhưng rồi họ bị bà thuyết phục. Bởi chỉ ăn trầu, uống cà phê đá năm này qua tháng khác mà bà vẫn tăng cân.

Tự nhiên hết thèm cơm

Bà Tư kể. trước đây bà cũng ăn cơm bình thường như bao người khác, nhưng do vóc dáng nhỏ thó nên bà cũng ăn rất ít. Hồi con gái, mỗi ngày bà Tư chỉ ăn duy nhất một chén cơm. Đến lúc lấy chồng, bà cũng không thể ăn thêm, mà còn ăn ít hơn. “Hồi mới lấy chồng, tướng tá tui còm nhom hà, chỉ nặng gần 30kg. Mỗi bữa cơm tui chỉ ăn hơn nửa chén. Ông nhà tui tưởng tui mới về làm dâu nên mắc cỡ hổng dám ăn nhiều. Đợi tới tối, khi mọi người trong nhà đi ngủ thì ổng đem cơm vô buồng, biểu tôi ăn. Tui nói là: “Em không đói, hồi chiều đã ăn no rồi”, mà ổng đâu chịu tin. Sau này vợ chồng ra ở riêng, tui đã ăn ít lại càng ít hơn, riết rồi có khi mấy ngày mới ăn cơm một lần (nửa chén) mà cũng hổng thấy đói”, bà Tư nói.

Cái biệt danh Tư Trầu đã theo bà khoảng 30 năm nay. Trước đây bà không hề biết ăn trầu. Khoảng 30 năm trước, chồng bà Tư gặp cơn bạo bệnh. Bao nhiêu tài sản hai vợ chồng bà tích cóp trong nhiều năm lần lượt đội nón ra đi để lấy tiền chữa trị cho chồng. Khi tài sản kiệt quệ thì ông cũng lìa khỏi thế gian, bỏ lại bà một nách 4 con: 3 trai, 1 gái. Không ruộng đất, không nghề nghiệp, bà Tư làm đủ thứ nghề, bất cứ việc gì người ta mướn là bà làm để nuôi con nhỏ. Nhưng dẫu có cố gắng bao nhiêu thì cuộc sống vẫn vô cùng chật vật. Bà bồng bế các con về nhà mẹ đẻ ở xã Tường Lộc, xin đất cất tạm mái nhà nho nhỏ. Ở quê nghèo không có thứ gì để giải trí. “Buồn quá tui hổng biết làm gì. Thấy mấy bà xồn xồn trong xóm thường ngồi nhai trầu bỏm bẻm, nghe họ nói là ăn nó “đỡ buồn lắm” nên tui thử. Không ngờ cái thứ vừa cay, vừa đắng như vậy lại dễ bị ghiền. Thử có mấy lần rồi tui ghiền ăn trầu luôn hồi nào không biết. Hồi đó tui chỉ ba mươi mấy bốn mươi tuổi thôi mà trong xóm ai cũng gọi tui là Tư Trầu”, bà bộc bạch.

Bà Tư bảo, từ ngày biết ăn trầu rồi trở thành ghiền thì dường như bà quên hẳn cơm. Cả ngày bà không hề biết đói, không hề biết thèm cơm, mà mỗi lần buồn miệngthì bài lại ngoáy trầu để ăn. “Tại hổng còn thèm cơm nữa thì làm sao ăn được. Cái gì thèm thì ăn mới thấy ngon, không thèm có ép cũng ăn không nổi”, bà Tư giải thích.

Còn chuyện uống cà phê đá không đường của bà Tư cũng là do thói quen mà nên. Bà kể, hồi đó, một lần nuôi người thân bị bệnh nằm liệt giường suốt cả năm trời ở bệnh viện nên bà thường uống cà phê đá không đường loại đậm đặc để thức trông nom. Một năm trời nuôi bệnh nhân ở bệnh viện, đều đặn mỗi ngày bà uống 3 – 5 tách cà phê. Vậy nên sau này, chuyện uống cà phê cũng là thói quen không thể bỏ của bà.

Bây giờ, ở tuổi 64 nhưng bà Tư Trầu vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Các con bà đều đã trưởng thành, cưới vợ gả chồng và ở riêng. Trong căn nhà nhỏ còn mỗi mình bà sinh sống. Cũng vì không phải lo “chạy gạo” từng bữa nên cuộc sống của bà Tư Trầu cũng không còn trật vật như trước nữa. Tuy không khá giả, chỉ đủ ăn đủ xài nhưng bây giờ bà Tư không còn phải đi làm thuê làm mướn như trước nữa. Hàng ngày, bà Tư nhận chằm lá (tết lá dừa nước lại thành tấm). Thu nhập ít ỏi nhưng vẫn dư để bà mua trầu cau và uống cà phê mỗi ngày.

Theo Tin Tức Miền Tây
Bạn đang đọc bài viết "Kỳ lạ người phụ nữ 30 năm không ăn cơm, chỉ uống cà phê và ăn trầu" tại chuyên mục Xã hội. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.