Kim Các Tự - Cuốn tiểu thuyết xoay quanh ẩn ức về Cái Đẹp

15/06/2022 11:06

Theo dõi trên

Là một trong những nhà văn quan trọng hàng đầu của Nhật Bản thế kỷ XX, Mishima Yukio được biết đến qua các tác phẩm giàu mỹ cảm, tinh tế và đầy ám ảnh. Cái Đẹp trong văn chương ông thường được gắn với sự hủy diệt, gây ra vô số tranh cãi và những ý kiến trái chiều.

kim-cac-tu-1655220489-1655265946.jpg
“Kim Các Tự” được in bìa cứng trang trọng, gồm bìa áo (jacket) và bìa trong khác nhau.

Được đánh giá là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất trong sự nghiệp văn chương của Mishima Yukio và đặc trưng cho phong cách của ông, “Kim Các Tự” là cuốn tiểu thuyết được sáng tác dựa trên một sự kiện có thật từng xảy ra ở Nhật Bản - vụ hoả hoạn tại Kim Các Tự năm 1950. Xoay quanh những ẩn ức của con người về Cái Đẹp toàn năng, Mishima Yukio đã đi sâu vào những ngóc ngách sâu thẳm nhất của lòng dạ con người hòng định nghĩa lại Cái Đẹp dưới lăng kính của riêng mình.

Ngày 2 tháng 7 năm 1950, toà Kim Các Tự chìm trong biển lửa. Di sản trân quý của Kyoto đã hoá tro tàn dưới tay phóng hỏa của một tiểu tăng của chùa. Cả nước Nhật sững sờ và thương xót trước tin ngôi chùa hơn một trăm năm tuổi đã bị thiêu rụi. Dựa trên sự kiện phóng hỏa ở Kim Các, Mishima Yukio đã cất công thu thập tư liệu từ khắp nơi, thậm chí vào thăm hung thủ phóng hỏa trong tù để gom nhặt chất liệu cho cuốn tiểu thuyết tiếp theo của mình. Năm năm sau biến cố, tiểu thuyết gắn liền với tên tuổi của Mishima ra đời.

Kim Các Tự xoay quanh Mizoguchi - một tiểu tăng đang theo học tại chùa, có tật nói lắp và luôn tự ti về khuyết tật cũng như diện mạo của mình. Từ thuở thiếu thời, Mizoguchi đã được nghe cha mình kể về Kim Các, rằng “toà Kim Các là một báu vật tuyệt thế”. Hình ảnh ngôi chùa vàng hiện lên trong tâm trí thơ trẻ của Mizoguchi rực rỡ đến mức mọi điều đẹp đẽ lọt vào mắt cậu đều được so sánh với Kim Các Tự: cánh đồng dưới ánh mặt trời vàng ruộm, một cô gái có dung nhan đẹp, hay một cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ. Kim Các Tự đã trở thành biểu tượng vô song của Cái Đẹp hiện hữu.

Cái Đẹp là thứ không tách rời khỏi bóng tối

Nếu như quan điểm về Cái Đẹp theo lẽ thường là những gì tươi sáng, hướng thiện nhất thì quan điểm của những nhân vật khiếm khuyết trong Kim Các Tự về Cái Đẹp lại chìm trong bóng tối, tương phản một màu cực đoan. Điều đó thể hiện trước tiên ở những suy ngẫm vụng trộm của cậu học trò nói lắp Mizoguchi về Uiko - một cô gái đẹp trong làng. Hình hài đẹp đẽ của Uiko lẩn khuất trong những cơn mơ của Mizoguchi, khiến cậu hoảng hốt vì chính những mộng tưởng đó. Nhưng trong tâm tưởng của cậu, vẻ đẹp đó chỉ là tầm thường khi so sánh với dung mạo của Uiko vào giây phút cô quyết định chối bỏ cuộc sống, một “khuôn mặt chường ra chỉ để chối từ với thế giới này”. Cái Đẹp trong ngần từ Uiko khiến cậu ngây say.

Với Mizoguchi, Cái Đẹp không bao giờ ở xa xôi với những điều đen tối. “Khi chỉ nghĩ tới Cái Đẹp, thì cuối cùng người ta cũng vô thức đụng tới những tư tưởng hắc ám nằm sẵn trong cõi đời này”. Toà Kim Các Tự chẳng đẹp rực rỡ trong tâm tưởng của Mizoguchi, khi cậu nghĩ đến viễn cảnh ngôi chùa vàng chìm trong biển lửa sao.

Cái Đẹp là thứ không thể vĩnh hằng

Ngay từ nhỏ, Mizoguchi luôn mang trong mình những ẩn ức cực đoan, như cậu tự nhận, “suốt thời niên thiếu tôi hoàn toàn không có trong tâm mình cái gọi là lòng trắc ẩn của con người”. Nhìn đời bằng một lăng kính cực đoan, tất cả mọi Cái Đẹp tồn tại trong đời cậu đều tất yếu bị hủy hoại, và rằng Cái Đẹp thì không được phép vĩnh hằng. Cũng như cái chết của cô gái đẹp Uiko, bị huỷ diệt là kết cục của tất cả những gì Mizoguchi coi là đẹp đẽ trong tiểu thuyết Kim Các Tự.

Đối với gã trai mang khiếm khuyết, vẻ đẹp vĩnh cửu chẳng có ý nghĩa. Ý nghĩ được tồn tại mãi với thời gian có thể làm cho bất kỳ ai mê đắm, nhưng với một kẻ như Mizoguchi, “sự hiện hữu vĩnh viễn của  Đẹp thực sự làm nghẽn đời sống của chúng ta, và đầu độc cuộc sống”. Khi Cái Đẹp phải đầu hàng thời gian hữu hạn, “nó ngay lập tức bị phá nát, huỷ diệt và phơi bày sự sống dưới ánh sáng nhợt nhạt của diệt vong”. Đó mới là vẻ đẹp mà Mizoguchi khao khát.

Lấy bối cảnh Thế chiến II ở Nhật Bản, thông qua quan điểm duy mĩ cực đoan của Mizoguchi, Mishima Yukio đã vẽ nên một bức tranh về Cái Đẹp đứng trước nguy cơ bị huỷ hoại bởi bàn tay bom đạn và chiến tranh. Là Cái Đẹp chân chính không thể tồn tại với thời gian hay bởi chiến trận khiến những di sản đẹp đẽ đứng trước bờ vực diệt vong?

Kim Các Tự, hay mặc cảm cực đoan trước vẻ đẹp vĩnh hằng

Cuộn xoáy trong những ám ảnh của Mizoguchi về Kim Các Tự và khao khát ngày một lớn dần muốn huỷ hoại vẻ đẹp của ngôi chùa, Mishima Yukio đã đi sâu vào ngóc ngách tâm tưởng của một con người mặc cảm, từ đó lột tả tâm lý của kẻ yếu thế trước Cái Đẹp.

Sinh ra là một kẻ thiệt thòi về thể xác, thân thể yếu ớt lại nói lắp, Mizoguchi thu mình lại, đeo trên mình mặc cảm bị “ngăn cách với ngoại giới”. Cậu luôn sống trong một thế giới nội tại, tự vơ vào mình những mộng tưởng hoặc viển vông, hoặc tàn ác. Đối nghịch với sự thiệt thòi vĩnh viễn của cậu là vẻ đẹp sừng sững và vĩnh hằng của Kim Các Tự. Theo lời cha cậu, một vị trụ trì: “Trên thế gian này chẳng có gì đẹp như Kim Các”. Mizoguchi giữ trong mình những ám ảnh nặng nề rằng sự tồn tại của Kim Các đối nghịch với sự tồn tại của cậu. Cậu bất mãn và bực bội vì nếu Cái Đẹp tồn tại thực sự ở Kim Các, thì tồn tại của cậu đã bị tách rời khỏi Cái Đẹp.

Nỗi bất mãn ấy lập tức chuyển thành ngây say kể từ giây phút cậu hay tin ngôi chùa có thể bị huỷ hoại trong làn bom đạn. Cái vĩnh cửu vốn chia cắt cậu khỏi vẻ đẹp của Kim Các chẳng bao lâu nữa sẽ bị huỷ diệt. Cậu khấp khởi và say mê vẻ đẹp sắp bị tuyệt diệt của ngôi chùa vàng. Đó cũng là thái độ của Mizoguchi dành cho tất cả những Cái Đẹp xuất hiện trong cuộc đời cậu: kéo mọi vẻ đẹp về gần với sự huỷ diệt để giải thoát những ẩn ức mặc cảm của cậu.

Bằng bút pháp sắc sảo và sự am hiểm đến tường tận từng góc khuất u tối trong tâm lý của con người, Mishima Yukio đã gửi đến độc giả một kiến giải duy mỹ về Cái Đẹp cùng những ẩn ức của con người khi Cái Đẹp chìm trong bóng tối.

VỀ TÁC GIẢ

Mishima Yukio (1925 - 1970)

Ông sinh tại Tokyo, tốt nghiệp khoa Luật Đại học Tokyo năm 1947, sau đó làm việc cho Bộ Tài chính. Sau 9 tháng, ông từ chức và bắt đầu viết văn.

Các tác phẩm tiêu biểu: Khát vọng yêu đương (năm 1950), Tiếng triều dâng (năm 1954, giải thưởng Văn học Shinchosha), Kim Các Tự (năm 1956, giải thưởng Văn học Yomiuri), Sau bữa tiệc (năm 1960)...

Ngày 25 tháng 11 năm 1970, ông tự sát tại doanh trại Ichigaya của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, sau khi hoàn thành những trang cuối bản thảo “Năm tướng suy của người trời” - tập thứ 4 trong tác phẩm trường thiên “Biển phì nhiêu”.

Các tác phẩm của Mishima Yukio đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được yêu thích toàn thế giới.

An An
Bạn đang đọc bài viết "Kim Các Tự - Cuốn tiểu thuyết xoay quanh ẩn ức về Cái Đẹp" tại chuyên mục Văn nghệ sỹ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.