Kiên Giang: Đổi mới công tác dân vận phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

17/11/2021 08:27

Theo dõi trên

Đổi mới công tác dân vận đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

2-kien-giang-doi-moi-1637033614-1637112394.jpg
Đoàn kết các tổ chức tôn giáo phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh

Thực hiện Chương trình hành động số 01-CTr/BDVTW của Ban Dân vận Trung ương “thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác dân vận”; Chương trình hành động số 09-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra chương trình hành động về công tác dân vận với mục tiêu tăng cường quan hệ mật thiết, nâng lên lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.

Đồng thời đổi mới công tác dân vận đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới để nâng cao chất lượng tổ chức và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và hội quần chúng các cấp trong tỉnh góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh về công tác dân vận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy về công tác dân vận.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức, hành động của các cấp ủy, hệ thống chính trị về công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của chính quyền và cơ quan nhà nước các cấp. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu và tích cực làm công tác dân vận, thật sự trọng dân, gần dân, hiểu dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm. Bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp tăng cường gặp gỡ, đối thoại, trực tiếp giải quyết yêu cầu, kiến nghị, bức xúc của nhân dân theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước.

Tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận, đoàn thể theo hướng chuyên sâu; phân công cán bộ phụ trách công tác dân vận ở các cơ quan nhà nước, tổ chức đảng đủ mạnh và thật sự làm tốt vai trò tham mưu.

1-kien-giang-doi-moi-1637033614-1637112422.jpg
Ấm áp, nghĩa tình ngôi nhà tình thương chia sẻ yêu thương với người nghèo

Quán triệt sâu sắc, toàn diện việc thực hiện công tác dân vận trong tình hình mới để công tác dân vận hoạt động có hiệu quả. Hội đồng nhân dân các cấp cần phát huy tốt hơn nữa vai trò cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên các lĩnh vực, dân chủ cơ sở ở các loại hình, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nâng cao hiệu quả đạo đức công vụ, văn hóa công sở, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, lấy kết quả thực hiện công tác dân vận là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân ở các cơ quan nhà nước các cấp.

Xây dựng, nhân rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp và từng cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu, phiền hà người dân, tổ chức và doanh nghiệp của các tổ chức và cá nhân sai phạm.

Thực hiện tốt kế hoạch Chương trình cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; có giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, phấn đấu hàng năm nâng lên các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR-Index), mức độ hài lòng của người dân (SIPAS), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn, chi hội gắn với quản lý chặt chẽ đoàn viên, hội viên; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội; đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng trong đoàn viên, hội viên.

Vận động nhân dân tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng “thế trận lòng dân”, phát huy sức mạnh nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp, cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo và tích cực làm công tác từ thiện, an sinh xã hội. Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của từng tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển của tỉnh.

Quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt và thực hiện tốt chính sách đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành và các tín đồ tôn giáo. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các yêu cầu chính đáng và vụ việc liên quan đến dân tộc, tôn giáo; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động gây chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chú trọng chất lượng, hiệu quả, nhân rộng các mô hình, điển hình tốt, có hiệu quả, gắn với thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu), đô thị văn minh góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 30 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, có 7-9 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới./.

Anh Sáng
Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Đổi mới công tác dân vận phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.