Khai quật những bí ẩn kinh ngạc giữa Hồ Con Rùa - Dinh độc lập và vận mệnh chính trị của Nguyễn Văn Thiệu (Kỳ III)

17/09/2021 14:22

Theo dõi trên

Thời chiến tranh, người lính nào cũng lo lắng cho số mạng như chuông treo chỉ mảnh của mình. Để tự an ủi mình, rất nhiều người lính tin vào số mạng qua thầy bói.

nguyen-van-thieu-1631852898.jpg
Nguyễn Văn Thiệu lúc mới được Mỹ trao ghế Tổng Thống

Khi 2 viên quân cảnh mở cửa thùng xe, thầy Chim đã sắp chết cứng vì sợ. Thầy Chim nằm co ro, dưới sàn là một vũng nước tiểu.

Thầy Chim được đẩy vào một căn phòng có máy lạnh núp dưới đống bao cát chống đạn. Đang sợ lại gặp hơi lạnh, thầy Chim run cầm cập, ngồi không vững.

Bên kia chiếc bàn buy rô là một viên sỹ quan trẻ, mang hàm Đại tá, mặt hình thoi dựng đứng, nước da trắng bệt. Đó là Nguyễn Văn Thiệu.

Thầy Chim thở dài, lấy lại thần hồn khi Thiệu cho biết cần giúp 1 số chuyện. Thiệu chìa cho thầy Chim 1 tờ giấy có ghi sẵn lá số tử vi của Thiệu. 

Tờ giấy ghi sẵn nội dung: “Nguyễn Văn Thiệu, sinh vào giờ tý, ngày 24/12/1924, năm giáp tý. Lá số nêu rõ: Đó là chân mạng đế vương bởi sinh vào giờ tý, tháng tý, năm tý. Người mang chân mạng tam tý tứ quý: Nhất quý đế vương; Nhì quý hiển danh; Tam quý trường thọ; Tứ quý tài lộc. Người mang mạng này, đường công danh rộng như đại lộ. Ai theo phò tá trung thành sẽ có cơ hội hưởng bổng lộc thăng tiến. Ai phản bội sẽ bị đột tử, chết oan khiên, chết không toàn thây".

Thiệu đề nghị thầy Chim phải học thuộc lòng nội dung đó. Thiệu hứa sẽ cho phép thầy Chim vào doanh trại binh lính coi bói kiếm tiền thoải mái với điều kiện phải rêu rao lá số đó khắp các chợ cho Thiệu.

Thầy Chim mừng húm như bắt được hủ vàng ròng.

Thời chiến tranh, người lính nào cũng lo lắng cho số mạng như chuông treo chỉ mảnh của mình. Để tự an ủi mình, rất nhiều người lính tin vào số mạng qua thấy bói. Những ngày ngồi lê vỉa hè Bến Thành, mỗi lần lính ghé vào chiếu là thầy Chim cầm chắc chai bia la de trong tay. Linh coi bói thường cúng nhiều tiền xủ quẻ, có khi nói xàm vài câu được tiền quẻ cả chục đồng. 1 chai la de giá 2 đồng. Xủ 1 quẻ nhảm cho lính, dư tiền uống mấy chai la de. Bây giờ thầy Chim lại được Thiệu cho vào doanh trại coi bói, giống như chuột té vào hủ nếp.

Xạo là nghề của thầy bói, Chim nhận lời cái rụp.

Đó là thời điểm Thiệu chuẩn bị tham gia đảo chính Ngô Đình Diệm. E ngại binh lính chống lệnh mình, nghe lời khuyên của cậu vợ, Thiệu phải bày trò rước thầy Chim bói toán cho lính. Xủ quẻ cho ai xong, thầy Chim cũng nói thòng thêm 1 câu: "Ngài Đại tá tư lệnh có chân mạng thiên tử. Ngài sắp mưu đồ đại sự, ai theo ngài sẽ được hưởng bổng lộc về sau".

Thầy Chim bị Thiệu nhốt trong "hủ nếp" suốt 1 tuần lễ trước ngày xảy ra cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm (1/11/1963). Nhờ thầy Chim, khi Thiệu cho binh sỹ thuộc quyền biết sẽ tham gia đảo chính, không ai dám phản đối.

huynh-lien-1631853249.jpg
Bộ sách tử vi của chiêm tinh gia Huỳnh Liên

Có người cho rằng, Đại tá thầy bói Đỗ Mậu là người thuê thầy Chim đến xủ quẻ cho Thiệu để Thiệu đồng ý tham gia đảo chính Diệm. Điều này không chính xác.

Lúc đó Đỗ Mậu là giám đốc Nha An Ninh Quân đội của chế độ Diệm. Theo lệnh của Mỹ, chính Đỗ Mậu là người đi gặp từng viên sỹ quan cao cấp rỉ tai rủ rê làm đảo chính. E ngại những người này la làng phản đối, Đỗ Mậu dùng quẻ bói nói xa gần rằng: "Ngài sắp thay đổi đại cuộc. Ngài sẽ được thăng cấp nếu tham gia làm 1 điều gì đó vĩ đại". Đỗ Mậu cũng rủ rê Thiệu bằng cách ấy. Thấy Thiệu nhát gan không dám tham gia, Đỗ Mậu đã phải viết lá số tử vi chân mạng ra giấy cho Thiệu tin. Đó là lá số mà Thiệu đưa cho thầy Chim.

Sau khi Đỗ Mậu ra về, để ăn chắc, Thiệu nhờ thầy Chim vào doanh trại "tuyên truyền" dùm mình.

Sau trận bói mỏi tay đó, từ 1 gã vô công rỗi nghề, vô gia cư, thầy Chim có đủ tiền mua một căn nhà trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần). Khi đã có nhà, thầy Chim thuê thợ vẽ hẳn 1 biển hiệu: "Chiêm tinh gia Huỳnh Liên - Quỷ Cốc tái thế; Chuyên bấm độn tử vi, coi sao, giải hạn, xem tướng, xem chỉ tay, tạo phong thủy". Tấm biển treo hẳn phía trước ngôi nhà. Chỉ một bước ngắn, nhờ Đại tá Thiệu chìa tay, thầy Chim lột xác thành chiêm tinh gia.

Dù đã có tư gia và có quyền treo biển giới thiệu mình là chiêm tinh gia nhưng cửa hàng coi bói của Huỳnh Liên chìm nghỉm giữa hàng ngàn thầy bói khác ở Sài Gòn. Do Sài Gòn xảy ra nhiều biến động chính trị, Thiệu cũng quên hẳn thầy Chim.

ngo-dinh-diem-bi-lat-do-1631853646.png
Dân chúng vui mừng khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ

Sau khi Ngô Đình Diệm bị sát hại, đất Sài Gòn trở thành nơi tụ hội các thầy tử vi, tướng số, chiêm tinh, phong thủy. Thời Ngô Đình Diệm, chính quyền cấm đoán ngặt nghèo, các thầy rút vô bí mật. Khi Nguyễn Khánh cầm quyền, Sài Gòn rơi vào tình trạng gần như phi chính phủ. Các chính trị gia, các tướng tá lo gầm ghè đấu đá, tranh giành quyền lực lẫn nhau. Sài Gòn biến động từng giờ, từng ngày. Ngày nay ông này cầm quyền, ngày mai ông khác nắm quyền. Người dân Sài Gòn sống trong tâm trạng lo sợ phập phồng. Ai cũng mong biết trước hậu vận để tránh né. Đó là lý do các thầy bói ăn nên làm ra.

Hàng trăm cửa hàng bói toán mở cửa công khai tại Sài Gòn. Hàng trăm thầy bói thuê hẳn 1 góc báo để quảng cáo tài bói toán của mình. Một số tờ báo còn thu hút độc giả bằng cách mở hẳn 1 mục coi sao giải hạn cho độc giả. Nhiều tên tuổi thầy bói tây, ta thi nhau khoe mẽ bằng những chiêu lạ đời. Thầy bói mang tên tây Maitre Khánh Sơn vẽ tấm biển hiệu chân dung ông ta chỉ tay vào một chiếc chìa khóa với dòng chú thích: "Mở khóa mọi bí ẩn đời người!"; Thầy bói Minh Nguyệt ở đường Đề Thám tự xưng là "giáo sư lý số" tốt nghiệp khoa chiêm tinh ở Pháp; Thầy Canh "mù" chuyên bấm độn trên 10 đầu ngón tay; Thầy Ba La có mái tóc bạc cột túm thành bó trên đầu và chòm râu trắng dài tới ngực. Giới nữ thầy bói thì có Anna Phán chuyên bói bằng cách rờ mu rùa; Madame Claire luôn mặc váy đầm và bói bài tây; Bà đồng Bích thì cất am ngồi thiền chuyên mượn danh thánh phán tử vi; Bà Nguyệt Hồ cũng chuyên lên đồng bói số…

Riêng thầy Chim - Huỳnh Liên vẫn chìm nghỉm, không ai biết tới.

Đến năm 1965, sau 2 năm Nguyễn Khánh quậy tưng bừng chính trường Sài Gòn, Mỹ muốn tìm người thay thế Khánh. Mỹ đã tìm thấy Thiệu và Kỳ trong nhóm tướng trẻ. Trước khi đuổi Khánh ra khỏi chính trường miền Nam, Mỹ đã giải tán chính phủ Phan Huy Quát và lập nên cái gọi là "Hội đồng quân lực". Mục đích của Mỹ là dùng quân đội tạm nắm quyền chính trị để sau đó tổ chức bầu cử Tổng thống.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Khai quật những bí ẩn kinh ngạc giữa Hồ Con Rùa - Dinh độc lập và vận mệnh chính trị của Nguyễn Văn Thiệu (Kỳ III)" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.