Khai mạc Lễ hội Đền Cờn và Khai trương du lịch Hoàng Mai năm 2024 nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch

02/03/2024 08:02

Theo dõi trên

Tối 29/2, UBND thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Đền Cờn và Khai trương du lịch Hoàng Mai năm 2024 nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch của thị xã.

429581318-1017912399781738-980507677722915576-n-1709300492.jpg
Lễ hội đền Cờn và Khai trương du lịch năm 2024

Được người đời suy tôn là một trong tứ đại đền thiêng của xứ Nghệ, “nhất Cờn” trải bóng xuống dòng Mai Giang, ôm trong đó những thần tích huyền bí, những giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc hay cảnh quan. Không ngoa khi nói Đền Cờn là một biểu trưng về văn hóa tâm linh của người Nghệ, là di sản mà tiền nhân để lại cho hậu thế!

430987629-1017930586446586-8756091962439244890-n-1709300551.jpg

Theo sử sách, đền được xây dựng vào năm 1235 đời nhà Trần, lúc đầu làm bằng tranh tre nứa lá nhỏ bé. Đền thờ tứ vị thánh nương là 3 mẹ con công chúa nước Nam Tống: Từ Hy Thái hậu Dương Nguyệt Quả, 2 công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu.  Đền còn thờ cả các vị thần là vua Tống Đế Bính, các quan Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu…  Đền còn thờ một khúc gỗ thiêng và vỏ hạt lúa.

014fbc0fc3-1779-4e11-9442-abeb092df433-1709299804.jpg
Lễ phát tích cầu ngư năm 2024. Ảnh: HP

Theo lối nhìn phong thủy, đền Cờn dựng trên thế đầu chim Phượng hoàng, cánh phượng là các bãi de (sác) trước đây, còn hai mắt phượng là các giếng Đò và giếng Đình. 

Đền Trong thờ “Tứ Vị Thánh Nương”. Theo Thần phả đền Cờn, đền được khởi dựng vào năm Hưng Long thứ 20 (1312), đời Trần Anh Tông và tiếp tục được trùng tu, tôn tạo vào các triều đại sau. Đền Cờn được dựng trên khu đất cao gọi là gò Diệc (hay cồn Diệc). Trước mặt đền là sông Mai (còn gọi là Hoàng Mai hay Mai Giang) uốn khúc thông ra cửa biển lớn nhất của Quỳnh Lưu. Sau đền là biển. Phía bắc có dãy núi Hoàng Mai trùng điệp, phía nam là dãy đá vôi nhấp nhô với nhiều hang động kỳ thú.

1000008368-1709299928.jpg

Không những là di tích cổ kính, quy mô lâu đời có vị trí cảnh quan đẹp, lễ hội hấp dẫn ở cửa ngõ Nghệ An,  đền Cờn còn nổi tiếng bởi là ngôi đền có tới 3 bậc đế vương là Vua Trần Anh Tông, Vua Lê Thánh Tông, Vua Quang Trung đến dâng hương trước khi đi đánh trận và đều được Tứ vị Thánh nương hiển linh phù trợ đánh thắng giặc. Tưởng nhớ công lao của Tứ vị Thánh nương, các vua đều ban cấp sắc phong, tiền bạc tu bổ, tôn tạo ngôi đền ngày càng bề thế, uy nghiêm, trở thành trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân vùng biển.

Nguyên xưa, Lễ hội  đền Cờn diễn ra từ 21 tháng Chạp năm trước đến 22 tháng Giêng năm sau. Ngày nay, Lễ hội  đền Cờn diễn ra từ ngày 19 - 21 tháng Giêng, với các hoạt động như: nghi thức tế lễ, chạy ói, rước thánh du xuân, hợp tế tại đền Cờn Ngoài, cầu ngư và các trò chơi dân gian… Đây là lễ hội truyền thống thuộc loại cổ xưa nhất của xứ Nghệ, mang đậm nét văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của người dân biển Quỳnh.

1000008363-1709299954.jpg
Năm 1993, Đền Cờn được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2017, Lễ hội Đền Cờn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Lễ hội Đền Cờn 2024 có nhiều hoạt động như Chương trình nghệ thuật đặc sắc và màn bắn pháo hoa trong buổi khai mạc; Hội thi nữ sinh thanh lịch thị xã. Các hoạt động văn hóa - thể thao trong khuôn khổ của lễ hội đã diễn ra từ ngày 28-2 và kéo dài cho đến ngày 1-3 như: thi đấu cờ thẻ, triển lãm cây cảnh nghệ thuật, thi chim cảnh, thi đấu bóng chuyền… Bên cạnh đó, UBND thị xã Hoàng Mai lần đầu tiên tổ chức trưng bày 12 gian hàng các sản phẩm OCOP của địa phương.

1000008364-1709300010.jpg
Rước kiệu - một trong những nghi lễ của Lễ hội đền Cờn

Lễ hội  đền Cờn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch và giới thiệu nét đẹp văn hóa của quê hương, con người Hoàng Mai với đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Khai mạc Lễ hội Đền Cờn và Khai trương du lịch Hoàng Mai năm 2024 nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.