Huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh: Bước chuyển mình của xã Cổ Đạm sau khi về đích nông thôn mới

05/06/2022 15:06

Theo dõi trên

Nhờ sự đoàn kết, đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân trong những năm chung tay xây dựng Nông thôn mới (NTM) đến 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã công nhận xã Cổ Đạm đạt chuẩn nông thôn mới, từ một vùng quê nghèo đầy khó khăn ngày càng "thay da đổi thịt", khoác lên mình chiếc áo đầy khởi sắc.

cd1-1654416233.png
Đường làng ngõ xóm ngày càng khang trang

Khởi sắc

Cổ Đạm là vùng nổi tiếng về truyền thống lịch sử và văn hoá với "nôi" Ca trù Cổ Đạm, nghề làm gốm cổ truyền (Nồi đất Cổ đạm thôn 3) và nhiều di tích lịch sử - văn hoá như Đình Hoa Vân Hải, đền Phan Tôn Chu, Đền Nguyễn Xí, Đền Cửa Bà. Chùa Bến. Đền Tống. Cửa Điện, Đền Thượng, Đền Chỏ Ma… Với cái nôi truyền thống văn hóa lâu đời và trên cơ sở nền tảng kết quả xây dựng NTM năm 2016, những năm gần đây, chính quyền và nhân dân tiếp tục phát huy lợi thế cũng như sức mạnh đoàn kết để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nhằm đưa cuộc sống người dân khởi sắc từng ngày. 

Về quá trình xây dựng NTM trên địa bàn, ông Phan Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, cho biết: Cán bộ và nhân dân xã Cổ Đạm có truyền thống đoàn kết, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương. Do vậy, phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được nhân dân và xã hội đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa lớn và thật sự mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để xã Cổ Đạm thực hiện tốt, đạt được nhiều kết quả và sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Cổ Đạm được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt là công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với các cuộc hội thảo đầu bờ đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích sản xuất. Ngoài trồng trọt và chăn nuôi thì ngư nghiệp trên địa bàn cũng đóng góp một phàn khá quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Trong những tháng đầu năm tuy thời tiết không thuận lợi cho đánh bắt thủy hải sản vẫn đạt mức tương đối, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt đạt 30.05ha, diện tích quản lý đánh bắt 180ha. 

Bên cạnh đó thì công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng cũng luôn được chú trọng. Làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết về công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng giữa chính quyền với các chủ rừng, các hộ dân, vì vậy không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi của Cổ Đạm được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa và phục vụ dân sinh...

cd2-1654416283.jpg
Đánh bắt thủy hải sản trên địa bàn

Những năm gần đây, điều dễ nhận thấy nhất trên địa bàn đó là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ có bước phát triển vượt bậc. Giá trị sản xuất CN - XD trong vùng ước đạt trên 38 tỷ đồng, trong đó tập trung sản xuất một số ngành nghề như: nhôm kính, sắt hàn, cưa xẻ, mộc dân dụng, xây dựng… Giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ cũng ước đạt 48 tỷ đồng. Đặc biệt là hoạt động thương mại - dịch vụ có bước phát triển nhanh về doanh số và mặt bằng phục vụ. Các loại hình dịch vụ tiếp tục được hình thành, phát triển, đảm bảo về chất lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, tạo cơ hội và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng hiện đại hóa. 

Cùng với kinh tế thì văn hóa - giáo dục - y tế cũng có những bước phát triển rõ nét. Các hoạt động văn hóa - thể thao diễn ra sôi nổi, gắn kết tình đoàn kết toàn dân; y tế - giáo dục ngày càng nâng cao chất lượng. Đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, hệ thống trường học được xây dựng khang trang, kiên cố; chất lượng giáo dục được chú trọng và đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Đời sống tinh thần của người dân được nâng cao khi xã được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất văn hóa. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cơ bản được giữ vững và ổn định, công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy đạt hiệu quả.

csd5-1654416358.png
Thương mại - dịch vụ có bước khởi sắc mới

Xây dựng NTM bền vững

Được công nhận xã NTM là kết quả xứng đáng và là động lực để người dân Cổ Đạm tiếp tục phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu và bền vững. Anh PVT, một người dân xã Cổ Đạm phấn khởi: “Trước đây, hầu hết người dân trên địa bàn xã sống bằng nghề nông. Giao thông đi lại chưa được thuận tiện, trường học xuống cấp và không đáp ứng đủ nhu cầu địa phương, cơ sở khám chữa bệnh thiếu thốn, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi có chương trình xây dựng NTM, đời sống nhân dân chúng tôi từng bước được cải thiện. Hôm nay, xã Cổ Đạm được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa NTM - đây là niềm vui của mọi người. Để niềm vui này được trọn vẹn, chúng tôi sẽ cùng nhau ra sức tuyên truyền, cổ vũ, động viên, chung sức xây dựng và quyết tâm giữ vững xã văn hóa NTM”.

Xây dựng thành công NTM là hành trang để Cổ Đạm tự tin trên hành trình xây dựng và phát triển. Ông Phan Đình Ca cho biết thêm: Cổ Đạm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng. Qua đó, góp phần nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện phát triển bền vững xã NTM. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã sẽ chủ động xây dựng các kế hoạch nâng chất các tiêu chí NTM hằng năm. Trong đó, chú trọng các tiêu chí phải thường xuyên nâng chất như: thu nhập, hộ nghèo, y tế... đảm bảo chất lượng xây dựng NTM trên địa bàn xã được giữ vững theo từng năm, từng giai đoạn.

Hoàng Anh
Bạn đang đọc bài viết "Huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh: Bước chuyển mình của xã Cổ Đạm sau khi về đích nông thôn mới" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.