Tháp Chăm đang bị lãng quên?
Tháp đôi Liễu Cốc thuộc làng Liễu Cốc Thượng, phường Thủy Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh TTH. Đây là một trong những tháp Chăm còn lại ở Huế, tháp Chăm Liễu Cốc là minh chứng cho sự phát triển của văn hóa Chăm trên dãi đất miền Trung.
Tháng 9/1997, di tích tháp đôi Liễu Cốc được bộ Văn hóa Thông tin (nay là bộ VHTT&DL) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, từ đó cho đến nay di tích này dần trôi vào quên lãng và dần trở thành phế tích.
Để vào được tháp Chăm chúng tôi phải men theo một đoạn đường đầy cỏ dại, cây mắc ma cao trên 1m, cùng với đó là những khi lăng mộ của người dân nằm hai bên đường, đoạn đường khó đi khiến chúng tôi phải dùng gậy gộc và dao phát quang hai bên đường.
Theo quan sát của chúng tôi, tháp đôi Liễu Cốc bao gồm hai ngôi tháp lớn nhỏ khác nhau được xâu dựng bằng gạch. Tuy nhiên hai ngôi tháp này giờ chỉ còn là đóng gạch vụn, cây cối đã mọc và phủ lên cả vách tháp. Trên tường còn có cả những ụn mối lớn tồn tại khá lâu. Trên đỉnh hai ngọn tháp, cây dại còn bám cả rễ và sinh trưởng ngay trên đó, phía dưới gạch vụng rơi vãi đầy xung quanh chân tháp. Hệ thống tường thành của tháp không còn nguyên vẹn như trước mà đã xê dịch khá nhiều, nằm chồng lên nhau và có nguy cơ đổ sụp bất cứ khi nào.
Ngay dưới chân tháp nhỏ, một bệ thờ với rất nhiều bát hương được dựng lên, mà theo người dân sống xung quanh cho biết, cứ đến ngày rằm và 30 hàng tháng, lại có người từ các làng Xuân Đài, làng Thanh Lương đến đây thắp hương khấn vái, dù chính quyền đã tháo dỡ nhiều lần.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tuấn Anh – Trưởng phòng di sản, thuộc sở VHTT&DL cho biết, hiện nay đối với di tích này sở đã giao lại cho bảo tàng lịch sử cách mạng TT Huế quản lý, tuy nhiên mức độ quản lý chỉ mới là khoanh vùng và tạo ranh giới để bảo vệ di tích, đồng thời giao lại cho thị xã Hương Trà quản lý di tích này.
Di tích thành Lồi giờ ra sao?
Thành Lồi thuộc địa phận của hai phường đó là phường Thủy Xuân và phường Thủy Biểu (TP Huế). Đây là công trình kiến trúc cổ, di tích lịch sử văn hóa Chămpa hiếm hoi còn sót lại ở cố đô Huế. Tháng 12/2014, di tích Thành Lồi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thành nằm trên đồi Long Thọ, phía tả ngạn sông Hương. Theo Đại Nam Nhất thống chí, tương truyền đây là chỗ ở của vua Chiêm Thành gọi là Phật Thệ, tục gọi là thành Lồi.
Theo chuyện “sự tích thành Lồi” của Nguyễn Đổng Chi kể lại đoạn kết cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa và vua nước Chăm để đổi lấy cho nước Việt hai châu Ô và Lý.
Chỉ hơn một năm chung sống, vua Chăm mất. Nhập gia tùy tục, Huyền Trân phải lên giàn hỏa. Cuộc giải thoát cho công chúa được tổ chức và đã dẫn đến bùng nổ chiến tranh giữa hai nước. Sau thời gian giao tranh bất phân thắng bại, hai bên đàm luận để rồi đi đến một thỏa ước “Nội trong một đêm, mỗi bên xây một luỹ thành, bên nào cao hơn thì thắng, bên thua phải tự rút quân ngay để khỏi sát hại sinh linh”. Khi chiều buông, quân Chăm hối hả đào đắp.
Nhìn qua, quân Việt vẫn nhởn nhơ. Vậy mà mới hừng đông, quân Chăm quá đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy bên phía quân Việt đã mọc lên toà thành đồ sộ. Họ đâu ngờ toà thành kia được dựng lên toàn bằng phên tre được sơn phết, trang hoàng y như thật.
Thành có dạng gần vuông, với các lũy Hướng Tây (dài 350m, rộng trung bình 10m, cao trung bình 3,5m), Nam (550m; 9m; 2,3m), Ðông (370), và Bắc (750). Khi triều cường nước sông tiến sát chân lũy Phía Bắc. Bao quanh lũy thành Phía Tây , Nam và Phía Ðông là khe Long Thọ và khe Ðá tạo thành các hào nước. Ở lũy thành Phía Tây có di tích điện Voi Ré và Hổ Quyền; cách lũy thành Phía Nam 50m về Hướng Bắc là miếu quốc vương Chiêm Thành. Ngoài ra, còn tìm thấy một số hiện vật như: vòng bạc, mảnh gốm, đá vỡ có khắc chữ, đá tảng, gạch Chăm, giếng Chăm... ở khu vực trong và ngoài thành. Hiện nay các bờ lũy không còn nguyên dạng trừ lũy Phía Tây, Ðông. Kết cấu lũy thành trên cơ sở lợi dụng triệt để địa hình tự nhiên, thành được đắp bởi 2 lớp đất, kè đá và gạch vỡ, một số đoạn đắp thêm lớp đất trên mặt. Hiện nay, các bờ lũy này không còn nguyên dạng hoặc bị thời gian làm hư hại.
Hiện nay, trên khu đất của di tích Thành Lồi người dân đang trồng cây Gió, chính vì vậy mà khu di tích này lại càng đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ bất cứ lúc nào.
Ông Tuấn Anh cho biết, những hộ dân sống trong khu vực di tích Thành Lồi vốn đã ở đây từ trước năm 1975, cho nên họ có quyền canh tác ở đây. Trả lời cho câu hỏi quản lý di tích ông Tuấn Anh cho biết, hiện nay sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế đang khoanh vùng để quản lý di tích, đồng thời tiến hành đền bù giải tỏa cho những hộ sống trong khu di tích, đưa thành Lồi về nguyện vẹn ban đầu.