Theo thông lệ hằng năm, vào các ngày 27, 28 và 29 tháng chín (Âm lịch), nhân dân ở khắp nơi cùng nhau “Về Hà Tiên”, nơi có đền thờ Bà Mạc Mi Cô để chiêm bái. Qua đó, tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc ta, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể nói từ nhiều năm qua, ngày giỗ Bà Cô Năm đã trở thành một dịp để mọi người thành tâm khấn nguyện những điều may mắn, tốt đẹp cho gia đình, người thân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Tại phần lễ tắm Bà sẽ được một thay một bộ y phục và mão mới. Cứ như thế, qua mỗi một năm, tại phòng trưng bày của đền thờ Mạc Mi Cô lại có thêm nhiều trang phục do người dân phụng cúng, thể hiện lòng tôn kính hồn thiêng của người trinh nữ. Phần hội năm nay còn có các hoạt động đặc sắc như trò chơi dân gian, giải cờ vua, ẩm thực truyền thống, các hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thương mại và quảng bá du lịch... là dịp để Hà Tiên giới thiệu về văn hóa truyền thống, thu hút phát triển du lịch.
Ông Lê Văn Em – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh cho biết: Chương trình nghệ thuật khai mạc gồm 2 phần, phần 1 với hoạt cảnh “Huyền tích Mạc Mi Cô”, phần 2 với chủ đề “Hà Tiên hồn thơ – tình non nước”. Với nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên tham gia trong chương trình sẽ mang đến cho khán giả nhiều tiết mục hấp dẫn trong đêm khai mạc.
Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày mất của bà Mạc Mi Cô đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa con người Hà Tiên, Kiên Giang, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch và khai thác hiệu quả các loại hình du lịch của địa phương như: Lễ hội truyền thống, du lịch sinh thái biển đảo, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, tạo nên diện mạo mới của thành phố Hà Tiên đối với du khách trong và ngoài nước.