Hậu Giang: Chăm lo đời sống đồng bào Khmer

09/12/2014 11:08

Theo dõi trên

Tỉnh Hậu Giang hiện có 8 xã với 30 ấp đặc biệt khó khăn, trong đó số hộ đồng bào Khmer nghèo là 1.670 hộ, chiếm gần 30% tổng số hộ Khmer trên địa bàn. Thời gian qua, nhờ các chính sách đầu tư đồng bộ của Chính phủ nên các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống của đồng bào Khmer.



 Hướng dẫn hộ đồng bào Khmer ở Hậu Giang trồng màu

 
Tỉnh đã phân bổ nguồn đầu tư của Trung ương một cách hợp lý, quy hoạch lại đất đai, nâng cấp đồng ruộng, xây dựng nhiều vùng cây chuyên canh đa dạng có giá trị kinh tế cao; Tổ chức hướng dẫn cho đồng bào Khmer chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển đàn gia súc, gia cầm giúp bà con tăng thu nhập. Những hộ Khmer ở các thị trấn, thị tứ, thành phố được tạo điều kiện vay vốn và khuyến khích buôn bán nhỏ, làm dịch vụ, tự giải quyết việc làm. Toàn tỉnh xây dựng được 8 công trình nước sinh hoạt tập trung và hỗ trợ cho 1.500 hộ dân ở vùng nông thôn được sử dụng công trình nước phân tán với tổng trị giá 9 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ hộ dân tộc Khmer đặc biệt khó khăn, chính sách trợ giá, trợ cước, giảm lãi suất 15% cho các hộ Khmer vay vốn để sản xuất nông nghiệp.  

Nhờ thụ hưởng từ các chương trình đầu tư của Chính phủ, ở các phum, sóc vùng sâu đã xuất hiện những ngôi trường mẫu giáo, nhà trẻ khang trang. Hàng năm, tỷ lệ huy động học sinh trong đồng bào dân tộc đều tăng. Năm học 2014-2015, tỉnh đã huy động trẻ từ 6-14 tuổi đến trường (đạt hơn 99%). Tỉnh có 2 trường dân tộc nội trú (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và Trường Dân tộc nội trú Him Lam) với chất lượng dạy và học ngày một nâng lên, trong đó năm học 2013-2014, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đào tạo nghề, 5 năm qua, đã dạy nghề cho hơn 1.000 người dân tộc Khmer, mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con đồng bào dân tộc, góp phần đạt hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Nếu năm 2009, toàn tỉnh có 23 xã thuộc vùng khó khăn, thì nay còn 8 xã với 30 ấp. Hệ thống y tế cơ sở được kiện toàn từ tỉnh, huyện xuống tận xã, ấp, 100% xã, phường, thị trấn đều có nhân viên y tế, tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn là 97,3%.

Theo LÊ QUỐC KHÁNH (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Bạn đang đọc bài viết "Hậu Giang: Chăm lo đời sống đồng bào Khmer" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.