Cách thành phố Đồng Hới khoảng 60 - 65km về hướng Tây Bắc, từ đường Hồ Chí Minh dọc theo con đường 20 khoảng 15km quanh co theo sườn núi để vào tới khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hang đá nhỏ bé này ghi dấu sự hy sinh to lớn của lực lượng thanh niên xung phong trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tại khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên đường 20 và đặc biệt là khu vực tưởng niệm các cô gái thanh niên xung phong trong lúc làm nhiệm vụ đã bị bom Mỹ đánh sập hang đá bịt kín lối ra và đã hy sinh. Khu tưởng niệm đó được nhân dân quen gọi bằng cái tên thiêng liêng là Hang Tám Cô.
Đến đây được lắng nghe câu chuyện bi tráng của Hang Tám Cô từ thuyết minh viên tại khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Ngày 14 tháng 11 năm 1972, bom Mỹ đánh vào đường 20, nơi có một đội thanh niên xung phong và một tiểu đội pháo đang đóng. Đội thanh niên xung phong gồm 8 người, 4 nam 4 nữ. Anh lớn tuổi nhất khi đó 37 tuổi, còn 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20. Để tránh bom Mỹ, 8 người đã vào trong một hang núi ngay bên cạnh đường để trú ẩn.
Lúc đó, bầu trời đường 20 như sụp vỡ bởi tiếng những tiếng bom tàn phá thật khủng khiếp. Không chỉ mặt đường 20 bị cày nát mà ngay cả những ngọn núi đồi xung quanh cũng rung chuyển bởi sức tàn phá của bom đạn. Khi khói bụi tan đi, những đơn vị khác chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa Hang Tám Cô đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng ngàn tấn bịt kín.
Chạy đến nơi thì họ chỉ nghe thấy văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội phía sau tảng đá. Tảng đá đã ngăn cách bên ngoài với bên trong. Những người bên ngoài sau trận bom đã tìm thấy hang, nhưng không sao có thể mở được đường vào.
Họ chỉ biết lấy cây tre dài thông qua một chỗ hở để đưa nước uống và lương khô cho những người bị giam trong hang. Mỗi lần có xe qua, người ta lại tìm cách, kể cả dùng mìn phá đá, nhưng vô vọng. Sau 9 ngày, những người bên ngoài không còn nghe thấy tiếng kêu khóc bên trong nữa…
Đến tận năm 1996, khi làm đường qua đây, hài cốt của 8 liệt sĩ mới được đưa ra khỏi hang. Cùng được chôn cất với 5 chiến sĩ pháo cao xạ hi sinh trong cùng trận bom ngày 14/11/1972 đó.
Hiện nay Hang Tám Cô là một điểm du lịch tâm linh thu hút du khách trong và ngoài nước đến dâng hương. Đến Hang du khách được đi trên đường 20 huyền thoại, thắp nén hương để tưởng nhớ và ghi ơn các anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.
Tám TNXP hy sinh trong hang
1. Nguyễn Văn Huệ (1952 - 1972) - Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa
2. Nguyễn Văn Phương (1954 - 1972) - Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa
3. Nguyễn Mậu Kỹ (1953 - 1972) - Hoằng Đạt, Hoằng Hóa, Thanh Hóa
4. Hoàng Văn Vụ (1953 - 1972) - Hoằng Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa
5. Trần Thị Tơ (1954 - 1972) - Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa
6. Lê Thị Mai (1952 - 1972) - Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa
7. Đỗ Thị Loan (1952 - 1972) - Hoằng Ngọc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa
8. Lê Thị Lương (1953 - 1972) - Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa
Năm liệt sỹ pháo binh hy sinh cùng trong trận bom
1. Mai Đức Hùng (1952 - 1972) - Hải Giang, Hải Hậu, Nam Hà
2. Đinh Công Đính (1953 - 1972) - Hải Tây, Hải Hậu, Nam Hà
3. Nguyễn Văn Quận (1952 - 1972) - Vĩnh Lợi, Sơn Dương, Tuyên Quang
4. Sầm Văn Mắc (1952 - 1972) - Thôn Vạch, Cam Đường, Lào Cai
5. Nguyễn Văn Thủy (1954 - 1972) - Yên Định, Vị Xuyên, Hà Giang