Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Vinh dự lớn lao của đời sáng tạo

11/05/2023 14:13

Theo dõi trên

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021 sẽ được Bộ VHTTDL tổ chức nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2023). Có 128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Hai anh em ruột là Nhà văn Nguyễn Văn Thọ và NSND, Đạo diễn Nguyễn Thước cùng được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT trong dịp này.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Vinh dự lớn lao của một đời văn

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần này với tác phẩm "Quyên". "Quyên" là tiểu thuyết đầu tay của ông, xuất bản năm 2009. Tác phẩm kể về Quyên - một cô gái Hà Nội gốc nghe theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức. Cuộc ra đi tìm kiếm đất hứa trở thành cuộc phiêu lưu 9 năm với biết bao bất ngờ, như con thuyền nhỏ lênh đênh ở xứ người chính ngay giữa đồng bào mình.

Với sự xuất hiện của "Quyên", Nguyễn Văn Thọ được đánh giá là "một trong số ít những cây bút đương đại xuất sắc nhất về đề tài người Việt ở hải ngoại". Chia sẻ cảm xúc khi có tên trong danh sách các tác giả được Giải thưởng Nhà nước về VHNT dịp này, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết: "Tôi bất ngờ và cảm động. Bởi vì rõ ràng công sức của mình đóng góp cho dòng chảy văn học nước nhà đã được Nhà nước ghi nhận".

a14768-1683789085.jpg
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết thêm: "Những ngày này, tôi hay nghĩ đến những ngày đầu mình theo đuổi sự nghiệp văn chương. Tôi nhớ đến nhà thơ Bế Kiến Quốc - một người đã động viên tôi rất nhiều trong chặng đường sáng tác của mình. Anh là người đầu tiên nhận những tác phẩm đầu tiên của tôi, dặn dò tôi rất nhiều chuyện, trao đổi nhiều kinh nghiệm viết văn. Chính những lời động viên ấy đã làm tôi tin vào con đường sáng tác mình đã chọn".

Con đường sáng tác của tôi rất dài, trải qua nhiều thăng trầm. Trên con đường ấy, tôi cũng biết ơn các nhà văn đã đi trước như: Trần Lê Văn, Tô Hoài, Lê Đạt, Phạm Tiến Duật, Hữu Nhuận... vì đã cho tôi nhiều kinh nghiệm và những bài học hay về sáng tác.

Tiểu thuyết "Quyên" ra đời hơn chục năm nay rồi. Tác phẩm đã được bạn đọc khắp nơi đón nhận và được trao giải Nhì văn học cuộc thi tiểu thuyết ba năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Nói theo thuyết nhân quả thì tôi viết "Quyên" như một sự trả nợ sau ngần ấy năm tháng bôn ba nơi đất khách đã cho tôi nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời.

Từ cuộc sống ấy, tôi nhận thức được ra bè bạn tôi ở bên Đức như thế nào, những người dân bản địa sống như thế nào, văn hóa người ta ra sao. Đây là tác phẩm ghi dấu ấn trong một thời gian tương đối khốc liệt và nó được đánh giá một trong những tác phẩm sớm nhất, tương đối thành công khi nói về đời sống di dân, khi mà một bộ phận người Việt Nam sau hậu chiến phải ra nước ngoài lam lũ làm việc kiếm tiền.

va-0252346236-1683789071.jpg
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ra mắt tiểu thuyết Quyên năm 2010

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ra mắt tiểu thuyết Quyên năm 2010

Tác phẩm "Quyên" cũng có tiếng vang nhất định, nhất là sau khi được dựng thành phim năm 2015. Người Việt ở Đức hưởng ứng lắm. Vì người ta đều tìm thấy quá khứ của mình trong "Quyên". Đấy là điều an ủi, động viên tôi nhất. Vì với 1 tác phẩm ra đời, viết về nhân vật mà họ không quan tâm thì đó là một thất bại.

"Thực ra khi nhà văn viết, người ta cũng không có ý định viết để được giải hay trở thành hội viên. Hầu hết những nhà văn lao động nghiêm túc đều như thế cả. Vì điều quan trọng nhất đối với một tác phẩm văn học đó là sức bền với thời gian, được công chúng, được bạn đọc đánh giá. Nhưng giải thưởng Nhà nước là giải thưởng cao quý mà không phải ai tham gia dòng chảy văn học cũng có được vinh dự được giải.

Tất nhiên không phải khi được giải mình cảm thấy mình là nhất, đánh giá ấy vẫn là của thời gian và bạn đọc. Nhưng bằng một giải 5 năm mới xét 1 lần và xét trong rất nhiều người, trong hàng ngàn tác giả, nhà văn và tác phẩm, đối với tôi, đây là vinh dự lớn lao của một đời văn"- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ.

NSND Nguyễn Thước được Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho cụm tác phẩm phim tài liệu: Không chỉ là thương hiệu; Đất lạnh; Cỏ xanh im lặng.

Ông chia sẻ: "Giải thưởng Nhà nước là danh hiệu cao quý với những người làm văn học nghệ thuật nói chung, với người làm điện ảnh nói riêng và cụ thể hơn là làm điện ảnh tài liệu như chúng tôi. Đó là vinh dự, sự ghi nhận cả một đời làm nghề với các tác phẩm được đánh giá cao".

va-26346737-1683789153.jpg
NSND Nguyễn Thước

NSND Nguyễn Thước cho biết: "Giải thưởng Nhà nước là cột mốc trong chặng đường làm nghề của tôi. Tôi rất vui vì giải thưởng này là điều mà tôi có thể tự hào với các em sinh viên mình đang giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Đây cũng là điều động viên các em với con đường làm nghề sau này".

Chia sẻ về đời làm đạo diễn phim tài liệu, NSND Nguyễn Thước cho biết, mỗi bộ phim đều có cuộc sống riêng, ký ức riêng, bài học riêng. Tuy nhiên cũng có những bộ phim cứ nhớ và theo mãi, trong đó có ba bộ phim đoạt giải thưởng Nhà nước của ông.

"Một bộ phim cũng rất ấn tượng và theo tôi mãi là phim "Đất lạnh" làm về đề tài nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Thời điểm đó, những vấn đề về nông nghiệp, nông thôn, nông dân là đề tài nóng. Tôi đã chọn mảnh đất Thái Bình để làm phim. Có hai lý do, đó là quê cha đất tổ, nơi tuổi thơ tôi từng gắn bó. Nhưng điều quan trọng hơn, Thái Bình, tuy chưa phải tỉnh nghèo nhất nhưng lại chứa đựng trong nó nhiều mâu thuẫn trong vấn đề nông nghiệp nông thôn. Rất mừng, bộ phim đã gặt hái được nhiều thành công, trong đó có giải thưởng Bông sen vàng. Khi nhận giải tôi phát biểu: "Đôi khi thất vọng thực thúc đẩy người ta hành động hơn là một hy vọng giả" và bộ phim "Đất lạnh" ấy là một thất vọng thực về những vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam"- NSND Nguyễn Thước bày tỏ.

"Bộ phim đặc biệt nữa là "Cỏ xanh im lặng" làm về người anh hùng Hồ Giáo. Đây là bộ phim tôi làm trước khi nghỉ hưu. Ông Hồ Giáo là một người nhân vật rất đặc biệt, một người cả đời làm những công việc dung dị như nuôi bò, nuôi trâu, chăm cỏ nhưng anh đã được 2 lần phong tặng Anh Hùng, 3 kỳ làm Đại biểu Quốc hội. Anh làm việc đến 80 tuổi mới nghỉ. Tôi làm phim này bằng tất cả tình cảm, cảm xúc của mình. Có thể nói, ông Hồ Giáo đã làm những công việc giản dị nhưng với tình yêu vĩ đại.

va-263467778-1683789185.jpg
Cảnh trong phim tài liệu Đất lạnh

"Không chỉ là thương hiệu" là bộ phim khai thác đề tài thương hiệu Việt Nam. Đây là một đề tài khó làm, rất nhiều đạo diễn sẽ rất ngại nhưng tôi đã làm với cảm xúc, đau đáu của mình về thương hiệu Việt Nam đang đứng ở đâu. Điều khiến tôi vui nhất là khi hoàn thành bộ phim này, nhiều doanh nghiệp gọi điện cho tôi và chia sẻ với tôi về thương hiệu Việt Nam. Tôi rất bất ngờ, với một bộ phim với vấn đề khô cứng như vậy, nhưng tôi đã giành hai giải thưởng, một giải Cánh diều và một giải ở Liên hoan phim Việt Nam"- NSND Nguyễn Thước cho hay.

Trước khi đến với vai trò Đạo diễn phim tài liệu, NSND Nguyễn Thước là một quay phim. Ông cho biết: "Tôi học quay phim và giành được 3 giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất ở 3 Liên hoan phim Việt Nam kế tiếp. Trong 10 năm tôi gần như không có đối thủ. Nhưng đến một lúc, tôi muốn được nói lên điều gì đó của chính mình, chứ không phải thực hiện điều đạo diễn muốn nói. Thế nên tôi trở lại trường, học xong một khóa đạo diễn và bắt đầu làm đạo diễn từ năm 2000 đến lúc nghỉ hưu. Đó cũng là những chặng đường khác nhau. Tôi được phong NSƯT với tư cách là quay phim. Và cũng sau hơn 10 năm làm đạo diễn, tôi được phong tặng danh hiệu NSND. Đó là niềm tự hào của một người cả đời gắn với nghề phim tài liệu như tôi".

Chia sẻ về nghề đạo diễn phim tài liệu, NSND Nguyễn Thước cho rằng, đây là một nghề khó. "Một đạo diễn học xong ở trường Đại học Sân khấu điện ảnh, thông minh một chút có thể làm phim truyện được ngay. Nhưng phim tài liệu thì chưa chắc. Để trở thành đạo diễn phim tài liệu thì phải có bản lĩnh sống đã, sau đó mới đến tri thức và tài năng"- NSND Nguyễn Thước khẳng định.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Vinh dự lớn lao của đời sáng tạo" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.