Gia đình bảo tồn nghệ thuật Dì Kê

15/10/2015 08:47

Theo dõi trên

Nhiều năm qua, đoàn dì kê xã Ô Lâm (Tri Tôn) với trụ cột là vợ chồng ông Chau Men Sa Ray và bà Néang Ok cùng cô con gái Néang Kunh Thia đã dẫn dắt một đội gần 30 người để đưa Dì Kê giới thiệu với đồng bào trong cả nước, sáng tạo và giữ gìn các đạo cụ của loại hình nghệ thuật này như “bảo vật” thiêng liêng.



 Néang Kunh Thia đạt giải giọng hát xuất sắc trong Ngày hội Văn hóa đồng bào dân tộc Khmer tại Tịnh Biên
 
Ông Nguyễn Thanh Việt, cán bộ phụ trách Văn hóa – Xã hội xã Ô Lâm cho biết, khi nghệ nhân Châu Nhâm ở ấp Sà Lôn (xã Lương Phi) qua đời, tưởng như bộ môn này đã thất truyền thì nay có gia đình ông Chau Men Sa Ray và Néang Ok cố gắng duy trì loại hình nghệ thuật độc đáo này ở Ô Lâm. Những năm trước đây, hàng đêm, sân nhà của Chau Men Sa Ray và Néang Ok sáng rực ánh đèn. Các thành viên trong phum, sóc cùng nhau đến đây luyện tập những kịch bản, điệu múa để phục vụ cho bà con trong những ngày lễ lớn, những đợt hội diễn ở khu vực. “Đoàn nghệ thuật Dì Kê xã Ô Lâm đã từng đại diện cho tỉnh An Giang và đồng bào Khmer Nam Bộ tham dự các liên hoan văn hóa dân tộc Khmer tại nhiều địa phương trong cả nước, tạo tiếng vang đến thủ đô Hà Nội và giành được nhiều giải thưởng” – ông Việt cho hay. Hiện nay, thành viên trong đoàn dì kê xã Ô Lâm đa phần là người lao động với đủ các nghề, từ chạy xe Honđa đầu đến làm ruộng, làm mướn… Vì đam mê nghệ thuật của dân tộc, họ có thể gác lại những ngày làm của mình để đến với đoàn khi cần thiết. Trong đó, gia đình ông Chau Men Sa Ray là “đầu tàu” của đoàn nghệ thuật quần chúng này.
 
Bước vào ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng ông Chau Men Sa Ray và Néang Ok, sau một hồi trò chuyện, bà Néang Ok tạm ngưng công việc kết kim sa dẫn chúng tôi vào trong để giới thiệu những “đứa con tinh thần” của gia đình. Bên trái nhà là tủ kiếng đựng đủ đồ biểu diễn nghệ thuật, như: Mão, đai, dây tay, dây đeo cổ, quần, áo… vẫn còn mới được xếp rất ngăn nắp. Nhìn quanh, tôi thấy giấy khen, giấy chứng nhận, huy chương, những tấm hình lưu niệm trong những hội diễn được treo khắp nhà. Điều đó chứng tỏ được cái tài của một gia đình nông dân ‘’chân đất’’ một mực gìn giữ loại hình nghệ thuật đã một thời vang bóng.
 
Đến giữa trưa, ông Chau Men Sa Ray về nhà sau một buổi chạy xe chở khách kiếm tiền. Trước mặt tôi là người đàn ông ngoài 50, mái tóc hoa râm, ngoại hình đậm chất nông dân. Ông kể: “Mối lương duyên với cô Néang Ok cũng là cơ duyên giúp chú đến với loại hình nghệ thuật Dì Kê. Bởi trước đây, cô được gia đình truyền dạy bộ môn này nên chú mới học theo”. Càng vui mừng hơn khi Néang Kunh Thia, con gái vợ chồng Chau Men Sa Ray và Néang Ok theo nghiệp ba mẹ. Hiện nay, Kunh Thia đang công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Tri Tôn. Nhờ khả năng hát múa, dàn dựng mà Kunh Thia giờ đây là một trong những nhân tố chủ lực của lực lượng văn nghệ ở Tri Tôn. Mới đây, trong Ngày hội Văn hóa đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang tại Tịnh Biên, Kunh Thia góp công lớn mang về nhiều giải thưởng cho đoàn nghệ thuật huyện Tri Tôn.
 
Theo thầy Chau Sóc Kha, Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú An Giang, Dì Kê là sản phẩm phát triển từ loại hình múa (Rô băm) kết hợp với hát và nói có vần điệu tạo nên ca nhạc trên sân khấu. Những thi sĩ, nghệ sĩ dân gian cũng đã chuyển thể thành tiểu bản, gọi là bài ca Ba Sac (Bài ca sản sinh ra ở vùng sông Hậu) trong sân khấu Dì Kê. Hiện nay, mỗi cuối tuần, khán giả được xem qua các Đài Truyền hình tiếng Khmer các tỉnh và VTV Cần Thơ. Có nhiều bài ca Ba Sac được viết lời mới phù hợp với quá trình phát triển của đất nước.
 
Theo MỸ ÁI (Tin Tức Miền Tây)

Bạn đang đọc bài viết "Gia đình bảo tồn nghệ thuật Dì Kê" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.