Ghi chép ở Nam Lào - Bùa lèo (Kỳ III)

21/11/2021 18:35

Theo dõi trên

Giới pháp sư Lào xem ngọn núi Phou Kao là nơi người trần gian có thể hấp thu linh khí từ cõi trời. Vì vậy, có dạo thầy mó ở các nơi khác khăn gói về đây, leo lên đỉnh Phou Kao tìm hang đá làm am tu luyện.

Sau năm 1980, chính quyền không cho người dân tự tiện vào núi vì bảo tồn quần thể di tích Wat Phou. Các thầy mó rời núi chọn đất hoang quanh vùng cất chòi lá định cư. Bây giờ, thầy mó không còn nhiều nhưng cũng đủ giúp dân làng không bị các "phí" (linh hồn xấu) phá rối, yên tâm sinh sống.

392151-3680825064026-55876245-n-1637214709.jpg

                 Một vị sư Lào đang cho bùa

Những tàn tích còn lại ngôi đền Wat Phou cho thấy tín ngưỡng Hindu và thuyết Vật Linh đã xuất hiện tại đây từ rất xa xưa. Theo các nhà sử học, Wat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm thờ thần Shiva. Đến thế kỷ 13, khi Phật giáo từ Thái Lan và Myanmar tràn sang rồi trở thành quốc giáo trên đất nước Vạn Tượng thì Wat Phou biến dần thành ngôi chùa Phật. Khi Wat Phou được các vị sư Phật giáo đến gìn giữ, những thầy tế rời đền lùi sâu vào rừng tìm những hang đá tu luyện. Những thầy tế này là những vị tổ của giới pháp sư Lào ngày nay.

Khi Phật giáo chưa ảnh hưởng đến ngôi đền Wat Phou, hàng năm tại đây diễn ra nhiều nghi lễ tế thần rùn rợn.

Chúng tôi may mắn gặp và trò chuyện với một vị du tang tên Khào Thạu, 96 tuổi, đang mật thiền ở góc vắng Wat Phou.

Thời trẻ, mó Khào Thạu là một tu sỹ Phật giáo Mật Tông ở chùa Vat Sio Kat Pu Pan và chùa Vat Sin Hon (Thái Lan). Một đêm, mó nằm mơ thấy một vị Phật khuyên nên đi bắt ma cứu nhân độ thế. Thế là mó thoát tục đi chu du khắp nơi để học hỏi thêm bùa chú và bắt ma. Bây giờ, mó không theo trường phái nhất định nào cả, cứ thấy pháp sư nào có bí quyết hay là mó trao đổi, học hỏi. Mó không bao giờ dùng bất kỳ phương tiện giao thông nào, chỉ đi bộ. Có năm, mó khởi hành từ Pakse đi một đường thẳng sang động Batu (Malaysia) rồi vòng về Myanmar. Mỗi năm, mó về quê nhà Nong Du nghỉ ngơi 1 tháng để chế biến dầu gió từ một loại ngải rồi lên núi Phou Kao hấp thu linh khí, "dạy dỗ" số ma bắt được 1 tháng cho đến tết té nước Lào mới xuất sơn tiếp tục hành trình.

buangaitrendatlao-2-2-1637214923.jpg

               Một lá bùa đặc trưng của Lào

Mó Khào Thạu cho biết, trong thế giới tâm linh có rất nhiều loại phí (linh hồn) nhưng được chia ra làm 2 dạng. Phí thiện gồm có: Phí phek (hồn người chết không siêu thoát được nhưng không hại ai), 12 vị phí muang (giống như Ngũ vị Nương nương), phí hak sa ban (giống như Thần hoàn Bổn cảnh)… Phí ác gồm có: Phí phoong (giống như ma cà rồng), phí koong (má rú), phí phọp (ma lai), phí phoong (ác quỉ), phí phai (linh hồn của ác thú)…

Gia chủ bị ma ám không mời, ông cũng đến bắt ma. Tuy nhiên, theo nếp sống phong tục từ ngàn xưa, hầu như gia chủ nào cũng đón tiếp ông nồng hậu. Khi bắt ma xong, dù không yêu cầu, gia chủ luôn cúng cho ông mớ tiền làm lộ phí để tiếp tục hành hiệp.

Mỗi khi trở về núi Phou Kao, ông dùng phép thuật phân loại ma. Ma hướng thiện, ông sẽ hướng dẫn cách quy y Phật để siêu thoát. Ma hung dữ nhưng chịu thần phục, ông sẽ huấn luyện thành những "tiểu đội hộ vệ quân". Mỗi khi muốn trấn áp một linh hồn nào ông sẽ cử "tiểu đội" này ra tay. Ma hung ác, ông sẽ dùng phép thuật tiêu diệt.

Đối với người Lào, bùa chú không thuộc phạm trù mê tín, dị đoan mà là một tín ngưỡng trần thế song song với tín ngưỡng thoát tục của tôn giáo. Người Lào có câu "đến chùa thờ Phật, về bản thờ thầy mó". Mỗi bản đều có ít nhất một pháp sư. Mỗi người đều có 1 cà thá (bùa hộ mệnh). Khi chào đời, đứa bé được 1 pháp sư ban cà thá. Trong cuộc sống thường nhật, khi gặp chuyện không may, gia đình không êm ấm, hầu hết người Lào đều tìm đến pháp sư tham khảo ý kiến. Nhiều pháp sư còn được người dân bầu giữ chức trưởng bản. Những pháp sư cư ngụ 1 chỗ cố định được gọi là mó bản. Còn những pháp sư đi ngao du hành hiệp như mó Khào Thạu được gọi là mó hặc xá (pháp sư cõi trần được cõi trên giao nhiệm vụ cứu nhân độ thế). Ở Lào những pháp sư hành hiệp như mó Thào Thạu không ít.

laos-31122013-031-1637214977.JPG

              Ngải Lào - Thật ra đó chính là những loại của có dược tính

Ở các bệnh viện phụ sản, việc pháp sư vào tận giường ban cà thá là chuyện bình thường, không ai cấm cản. Ở chùa, các vị sư đều giỏi bùa phép và sẵn sàng ban bố bùa, ngải cho Phật tử. Người Lào bày bán bùa chung với văn hóa phẩm và bày bán ngải chung với thuốc đông y.

Các nhà nghiên cứu gọi các pháp sư là tín đồ của thuyết Vật Linh. Đó là một tôn giáo bản địa của hầu hết những người Môn Kh'mer (người Kh'mer cổ) xuất xứ từ giai đoạn phôi thai của kinh đô cổ Wat phou. Tín ngưỡng này lan sang một số sắc tộc Mông, Myanma, Tây Tạng và Thái cho đến tận ngày nay. Tín ngưỡng này cho rằng, tất cả mọi vật đều có linh hồn. Tảng đá, gốc cây, hang động, con suối, nanh heo, sừng trâu…. Nếu con người biết cách "kêu gọi" bằng "mật khẩu" sẽ đánh thức linh hồn trong vật. "Mật khẩu" chính là câu chú mà các pháp sư hay dùng.

Những pháp sư theo tín ngưỡng Vật Linh có thể biến một vật bình thường như nanh heo, móng cọp thành kà thá (bùa phòng thân) để ban phát cho tín đồ. Họ tin rằng, khi đeo kà thá, ma quỉ không dám đến gần làm hại, tai ương tránh xa. Hầu hết các tướng lĩnh, sỹ quan quân đội Lào đều có 1 kà thá trong người để tránh đạn.

Ngoài ra pháp sư còn dùng da trâu, móng ngựa, máu người để tạo thành những vũ khí tấn công đối phương (thư ếm). Họ tin rằng, pháp sư có thể dùng bùa phép biến miếng da trâu thành "sái nắn" nằm trong bụng đối phương gây nên chứng… xơ gan. Nếu không nhờ một pháp sư cao tay ấn trục "sái nắn" ra khỏi người, nạn nhân sẽ chết dần mòn trong đau đớn.

laos-wat-phou-canon-010-1637215035.JPG

                   Ở Lào, bùa chú bán chung với văn hóa phẩm

Một chiếc móng ngựa sẽ được pháp sư mài nhỏ thành một miếng hình tròn, dẹp rồi "tôm" bùa vào để biến thành "lẹp mà". Các võ sỹ đeo "lẹp mà" sẽ có cú đá hậu dũng mãnh như… ngựa. Hầu như mọi võ sỹ xứ triệu voi đều có ít nhất một lá bùa "lẹp mà" trong người xem như đó là nơi cất giữ sinh mạng của họ. Nếu để bị mất lá bùa "lẹp mà", võ sỹ sẽ phải giải nghệ. Vì vậy, để an toàn, có người xâm hẳn lá bùa "lẹp mà" vào thân thể. Họ tin rằng, bùa "lẹp mà" đã giúp họ không đau đớn khi ăn đòn của đối phương, đồng thời đòn của họ sẽ làm đối phương đau đớn. Bùa người nào mạnh sẽ giúp người đó chiến thắng.

Chuyện kể rằng hoàng thân Boun Oum Na Champassak (người thừa kế vương triều Champassak, Nam Lào) có bùa tàng hình nên nhiều lần hiến binh Nhật bao vây nhưng ông vẫn trốn thoát được. Chuyện cũng kể rằng ông hoàng Phetsarath Rattanavongsa (anh cùng cha khác mẹ với hoàng thân Souphanouvong) có "nuôi" bùa "hái tùa" nên lặn xuống nước nửa ngày vẫn không bị ngộp thở. Và hoàng thân Souphanouvong có bùa tránh đạn nên nhiều lần thoát chết trong những tháng năm kháng chiến.

Hầu hết các pháp sư Lào đều biết y thuật Đông y. Trong thuật Đông y của pháp sư Lào đều có ngải. Phương pháp luyện ngải của các pháp sư Lào và pháp sư Việt khá giống nhau từ câu chú cho đến chữ bùa.

Những khả năng huyền bí của bùa Lèo có thật hay không, khoa học hiện đại đã và đang chứng minh.

o-lao-rat-nhieu-tuong-phat-thien-duoi-goc-cay-ven-duong-1637215198.JPG
Ở Lào có rất nhiều tượng Phật thiền dưới gốc cây ven đường

Có một điều khá nguy hiểm đối với các pháp sư Lào là ngày nay họ đã quá lạm dụng loại chì lá thay vàng lá để làm kà thá và sử dụng một số ngải độc để trị bệnh. Những yếu tố độc hại này không sát thương người sử dụng ngay mà ngấm dần vào cơ thể. Hàng chục năm sau, khi tích tụ đủ liều lượng, những chất độc này sẽ bộc phát giết người.

Dù thế nào đi nữa, bùa chú đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước và vẫn đang tồn tại song song với đời sống xã hội của một bộ phận không nhỏ ở đất nước Lào./.

Hồ Xuân Dung
Bạn đang đọc bài viết "Ghi chép ở Nam Lào - Bùa lèo (Kỳ III)" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.