Phong vị quê hương
Tất cả những khái niệm về đình làng được “phiên dịch” và “tái hiện” trong bộ khung gỗ chắc chắn mà linh hoạt, trong cấu trúc không gian thoáng mở mà tầng bậc, trong chủ đề trang trí mộc mạc mà tinh tế.
Bao đời nay, khi nói đến văn hóa làng ta đều liên tưởng tới những hình ảnh mang tính biểu tượng “cây đa, bến nước, sân đình”. Đình làng không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian.
“Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Đình Phúc Xá mang trong mình những giá trị với thời đại, song hành với tiến trình lịch sử hình thành tên ấp, tên làng của vùng đất Thanh Chương nói chung, Ngọc Sơn nói riêng. Đình linh thiêng không nhờ toà ngang dãy dọc, kiến trúc đình khiêm nhường nhỏ bé, nhưng lớn lao trong tâm niệm người dân quê.
Theo “Lý lịch di tích đình Phúc Xá”, dù các tài liệu ghi chép về lịch sử xây dựng đình không còn, nhưng các cụ cao niên trong vùng cho biết: Việc xây dựng đình đã được bàn kĩ qua nhiều cuộc họp, mục đích là chọn hướng, chọn thợ và chi phí dựng đình. Để chọn được vị trí thích hợp xây dựng, làng đã mời các thầy địa lý giỏi về nghiên cứu địa hình. Sau khi xem xét địa thế của làng, thầy địa lý đã chọn rú Đấng làm nơi dựng đình (nay là làng Lam Hồng, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương).
Dưới thời Nguyễn, đình Phúc Xá được xây dựng với một tòa kiến trúc đồ sộ gồm năm gian, hai chái. Cho đến năm Mậu Thìn (1928), đình được tôn tạo lại. Đỉnh ngoảnh mặt theo hướng Tây Nam, lấy sông Gang hiền hòa làm minh đường. Lưng đình có rú Đấng bao bọc, vừa làm hậu chẩm, thế “tọa sơn vọng thủy”. Qua các thời kỳ lịch sử, tuy vị trí của đình được giữ nguyên nhưng địa danh hành chính gắn với di tích có sự thay đổi.
Thời vua Tự Đức (1848 - 1883), di tích thuộc thôn Phúc Xá, xã Đông Liệt, tổng Xuân Lâm, huyện Nam Đường, phủ Anh Đô, tỉnh Nghệ An (Đầu thời Nguyễn lấy lại tên cũ là trấn Nghệ An, năm Minh Mệnh thứ 12 (1832) chia đặt tỉnh hạt trong toàn quốc, lúc này gọi là tỉnh Nghệ An).
Đến thời vua Đồng Khánh (1886 - 1888), xã Đông Liệt đổi tên thành xã Văn Lâm, huyện Nam Đường đổi thành huyện Nam Đàn (Năm Đồng Khánh thứ nhất, vì kỵ húy (tên cúng cơm của vua Đồng Khánh là Nguyễn Phúc Đường) đổi Nam Đường thành Nam Đàn.
Niên hiệu Duy Tân năm thứ nhất (1907), cắt tổng Nam Kim ở phía đông huyện Thanh Chương nhập vào huyện Nam Đàn. Đồng thời cắt phần lớn tổng Xuân Lâm và tổng Đại Đồng nhập vào huyện Thanh Chương. Thời điểm này di tích thuộc thôn Phúc Xá, xã Văn Lâm, tổng Xuân Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Năm 1945, xã Văn Lâm đổi thành xã Mai Lâm. Di tích thuộc thôn Phúc Xá, xã Mai Lâm, tổng Xuân Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1954, xã Mai Lâm chia thành 3 xã: Thanh Lam, Thanh Nam, Thanh Trường. Di tích thuộc thôn Phúc Xá, xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (Theo “Thanh Chương xưa và nay”, Trần Kim Đôn chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 2010, tr 68).
Và năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh tách thành 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh. Cũng từ đó, di tích đình Phúc Xá thuộc làng Lam Hồng, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho đến tận bây giờ.
Còn tiếp...