Đinh Nho Tuấn, củ khoai quả cà làm nên vóc dáng

13/12/2021 08:52

Theo dõi trên

Đinh Nho Tuấn đang “thăng hoa” cùng thơ. Nói về sức sáng tạo của Đinh Nho Tuấn, không riêng tôi mà GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, nay là Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam đã nhận xét: “Phải nói đó là một lao động thơ đáng nể, không dễ thực hiện ở bất cứ ai, dẫu là nhà thơ chuyên nghiệp. Thế nhưng điều đáng nói ở đây lại không phải là mật độ thơ, ở số lượng bài mà ở sự mở rộng của chất liệu và cảm hứng thơ”...

dinh-nho-tuan-1639272418-1639360243.jpg
Bài thơ “Lời rêu” được nhạc sỹ vừa quá cố Phú Quang phổ nhạc

1. Trong ba năm 2018, 2019, 2020, TS. Đinh Nho Tuấn “trình làng” văn chương 3 tập thơ: “Em hãy cho anh vội”, “Em tôi’, “Díu dan với núi sông”, NXB Hội Nhà văn cấp phép. Cả 3 tập thơ đều dày dặn. “Em hãy cho anh vội” gồm 76 bài, gần 200 trang in; “Em tôi” gồm 101 bài và chùm thơ ngắn 4 câu (2 chùm 64 bài), chùm thơ ngắn 8 câu (chùm 13 bài), 324 trang in; “Díu dan với núi sông” gồm 76 bài, 218 trang in.

Đinh Nho Tuấn đang “thăng hoa” cùng thơ. Nói về sức sáng tạo của Đinh Nho Tuấn, không riêng tôi mà GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, nay là Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam đã nhận xét: “Phải nói đó là một lao động thơ đáng nể, không dễ thực hiện ở bất cứ ai, dẫu là nhà thơ chuyên nghiệp. Thế nhưng điều đáng nói ở đây lại không phải là mật độ thơ, ở số lượng bài mà ở sự mở rộng của chất liệu và cảm hứng thơ”, (Lời giới thiệu cho tập Em tôi).

Đọc thơ Đinh Nho Tuấn, dễ thấy cuộc sống ngoài kia cứ vỗ vào trái tim anh, bật lên thành thơ. Anh viết về thế giới, đất nước, quê hương, tình yêu, về những người thân, bạn hữu...Tức là cả 3 tập đã xuất bản, đề tài rộng, đa dạng. Thơ Đinh Nho Tuấn, ngoài những chùm thơ ngắn (trong Em tôi), cả 3 tập đều có những bài thơ dài đến kinh ngạc. GS. Phong Lê khi giới thiệu “Em tôi” đã thống kê, đánh giá: “Và cái mới, hoặc lạ theo tôi là những bài thơ dài đến bảy chục câu, thậm chí trên 100 câu, để trang trải một câu chuyện dài, như Titanich (132 câu); hoặc cho cả một đời người, như câu chuyện Em tôi (132 câu)...”.

dinh-nho-tuan1-1639272418-1639360286.jpg
Bìa 2 tập thơ gần đây của nhà thơ, TS. Đinh Nho Tuấn

Trong “Díu dan với núi sông”, bài “Tổ quốc và tôi” gồm 6 đoạn, 10 trang in, 132 câu; bài “Lễ cưới vui vẻ” gồm 16 trang in. Nếu như “Lễ cưới vui vẻ” là câu chuyện thơ dài, thì “Tổ quốc và tôi” được xem như một “tiểu trường ca”. Đinh Nho Tuấn có thể phát triển thành một trường ca vạm vỡ, tư tưởng của bài thơ đáng ghi nhận. Như vậy, Đinh Nho Tuấn, ít nhất có đến 3 bài thơ đều 132 câu. Con số 132 đang là ẩn số chưa giải mã được.

Đinh Nho Tuấn là con “nhà nòi”, ông cụ thân sinh, cố nhà báo lão thành Đinh Nho Liêm, nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh cũng là một tác giả thơ. Hồn thơ Đinh Nho Tuấn được nuôi dưỡng trong “không gian” của Ví giặm, của Truyện Kiều và “nếp nhà” thi ca ấy.  Người đọc nhận ra Đinh Nho Tuấn là người gần gũi, trọng tình, dễ sẻ chia trong thơ. “Người thơ” Đinh Nho Tuấn đầy trắc ẩn, xa xót.

Lớn lên Đinh Nho Tuấn sang Liên Xô (cũ) du học, rồi về nước khởi nghiệp. Đường đời, đường thơ song hành. Anh đi nhiều, từ bến Giang Đình (Hà Tĩnh), đến với nước gần, nước xa; gần và xa thành nỗi lòng như “Mùa thu nước Nga”. Đến đâu Đinh Nho Tuấn cũng có thơ. Thơ xác tín Đinh Nho Tuấn được chọn trao gửi, để “díu dan” giữa cõi vô thức và cõi người.

2. Đinh Nho Tuấn cả nghĩ. Đọc thơ anh, nhất là tập “Díu dan với núi sông” dễ thấy anh là người yêu quê hương, đất nước đến thế nào! Trong tập này, ngoài bài thơ dài “Tổ quốc và tôi”, còn có bài “Khi Tổ quốc nguy nan từ biển”, “Những hòn đảo Tổ quốc”.

Biển không chỉ là không gian sinh tồn ngàn năm nay của người Việt mà còn là không gian văn hóa Việt được cha ông, lớp cha trước lớp con sau đổ bao xương máu tạo dựng nên. Đáng tiếc, không gian đó đang bị nước ngoài gặm nhấm, ăn cướp và đe dọa. Đọc những câu thơ của Đinh Nho Tuấn, không thể không nhói lòng:

...

Khi Tổ quốc nguy nan từ biển

Cả cỏ cây không một phút yên lòng

Đau đớn thay phải lấy máu mà làm nên đất nước

Lấy tro người tô thắm non sông

(Khi Tổ quốc nguy nan từ biển)

Bài thơ này nhà thơ Đinh Nho Tuấn viết vào trung tuần tháng 4/2020. Thời điểm này hằng năm không ai quên được sự kiện đẫm máu Gạc Ma 32 năm trước. Ngày 14/3/1988 là một ngày đặc biệt đối với người dân Việt Nam. Đó là ngày Trung Quốc xua quân tấn công các chiến sĩ công binh của Việt Nam tại khu vực Trường Sa. Máu đã loang trên mặt biển Đông. 64 chiến sĩ của chúng ta đã mãi mãi không trở về. Nỗi đau không thể nào quên được. Đau đớn là nỗi đau này lại do chính những người cùng chung lý tưởng gây ra. Âm mưu thôn tính biển Đông của Trung Quốc đặt người Việt vào tư thế luôn phải cảnh giác.

Chủ đề đất nước, không chỉ có trong “Díu dan với núi sông”. Trong tập thơ đầu tiên “Em hãy cho anh vội” anh có “Tôi đi tìm vần thơ đất nước”, “Đất nước 3”, “Đất nước và em”; trong “Em tôi” có “Sông Hồng”, “Hà Nội và nỗi nhớ”, “Linh hồn Gạc Ma”...Còn nếu nói theo cách của nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua: “Tình yêu đất nước bắt đầu từ tình yêu mái rạ nhà mình”, thì gần như chủ đề này không thua kém mảng thơ về tình yêu của anh.

Dẫu đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng với Đinh Nho Tuấn không đâu bằng Tổ quốc. Anh yêu đất nước, không chỉ từ những vấn đề lớn lao, mà bắt đầu từ những điều cụ thể, thân thuộc. Cũng nhà văn Nga I.Ê-ren-bua nói về quá trình hình thành lòng yêu nước một cách sinh động và giàu hình ảnh: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.

Thực tế đã cho thấy điều đó là đúng. Lòng yêu nước vốn là một khái niệm trừu tượng, nhưng nó được thể hiện qua những việc làm cụ thể, bình thường hằng ngày. Ngoài những bài thơ đau đáu thế sự, Đinh Nho Tuấn còn viết về những điều giản dị như “Rau khoai lang”...Đinh Nho Tuấn, khắc khoải từ những ngọn rau lang vượt vồng, từ vị bưởi quê nhà, từ vườn đêm nơi có vị mồ hôi trinh nữ làm xốn xang thuở bắt đầu biết yêu.

...

Có phải vì ngọn khoai mà những bài thơ cha màu xanh

Có phải vì ngọn khoai mắt chúng con màu xanh

Những nước mơ xanh

Có phải?

(Rau khoai lang)

3. Hẳn nhiên, Đinh Nho Tuấn yêu cuộc sống. Anh nâng niu từng khoảnh khắc của thiên nhiên, với thiên nhiên. Chính vì yêu và mang trong mình phẩm chất thi sỹ, nên thiên nhiên luôn va đập vào trái tim mẫn cảm của anh. Không khó gì khó hiểu, trong ba tập thơ đã xuất bản, nhất là “Díu dan với núi sông” anh gắn mình mới thiên nhiên như một biện chứng sinh tồn.

Mỗi người sinh ra, ai mà không có cội nguồn gốc gác, ai mà không có quê hương. Quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi chôn rau cắt rốn của ta. Quê hương cho ta những kỷ niệm ngọt ngào, cho ta tuổi thơ tươi đẹp. Quê hương dạy ta những bài học làm người đầy ý nghĩa, để cho ta lớn khôn và trưởng thành. Với Đinh Nho Tuấn cũng vậy, quê hương có một vị trí vô cùng đặc biệt, chiếm một vị trí quan trọng trong thơ anh.

dinh-nho-tuan2-1639272418-1639360222.jpg
Củ khoai quả cà làm nên vóc dáng

Đinh Nho Tuấn là người Xứ Nghệ, hẹp hơn, nơi chôn nhau cắt rốn của anh là Hà Tĩnh, nên không lạ, chủ đề làng quê thân thuộc trong thơ anh đậm nét. Hà Tĩnh luôn hiện hữu trong tâm hồn Đinh Nho Tuấn. Trong tập “Em hãy cho anh vội”, anh viết: “Con mượn thơ cha làm mái chèo ngược dòng Lam/ Qua miền Nghi Xuân hướng về rừng Pù Mát/Nước vỗ mạn thuyền ngàn câu lục bát/ Lấp lóa sao trời thương kiếp Tố Như”, (Dòng Lam dòng La)

Tình yêu cố hương trong thơ Đinh Nho Tuấn, tập thơ sau trở nên da diết hơn tập thơ trước. Có thể đó là dư vị hạnh phúc một “đêm quê” theo suốt cuộc đời: “Em mơ đêm lạnh/ Khép mình triền đê/ Ôm anh ấm gió/ Ngã vào đêm quê” (Đêm quê). Yêu quê đến da diết, và tự hào về xứ Nghệ “Đi năm châu nơi mô cũng húc vào người Nghệ”, (Người Nghệ).

Trong văn hiến Việt Nam, Hà Tĩnh nổi lên là vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Đất anh hùng, đất học, đất nhạc, đất thơ, đó là “căn cước”, là gương mặt riêng của Hà Tĩnh. Đây là nơi giàu truyền thống yêu quê hương, đất nước, kiên cường, dũng cảm trong chống giặc ngoại xâm, tạo nên bản sắc văn hóa vùng miền rất rõ nét. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý lúc còn sống từng nói: “Tài nguyên duy nhất của người Hà Tĩnh là người Hà Tĩnh”. Đinh Nho Tuấn tự hào về quê hương mình. Tuy nhiên, cũng không ít điều dở cần phải thay đổi trong môi trường hội nhập.

Đinh Nho Tuấn nhìn ra : “Yêu chi yêu dập yêu vùi/ Ghét chi phang thẳng đến đui đến què”; “Anh ơi, chơ răng mà xúc thơ từng đọi/ Đổ xuống mùa em say cả ánh trăng rằm”. Yêu đến dâng hiến, phân thân. Đó là nét đẹp. Nhưng cục cằn, gia trưởng, cục bộ thì không thể không khắc phục. Đinh Nho Tuấn đã có những cố gắng trong việc tạc chân dung con người xứ sở trong “Người Nghệ”.

Tôi muốn dành cảm tình đặc biệt với Đinh Nho Tuấn với bài thơ “Quê hương”, trang 139 đến trang 145 của tập “Díu dan với núi sông”. Đây cũng là bài thơ dài “phong cách” Đinh Nho Tuấn. Phần 1, anh phác họa “bức tranh thơ” tổng quát về quê; phần 2, anh nói về dòng sông, đặc biệt là sông Lam có vị trí như “sông cả” của xứ Nghê; phần 3, anh nói về làng; phần 4, anh nói về con người. Bài thơ trải dài và rộng về cảm xúc, biện chứng phồn sinh giữa đất và người. “Ôi con người quê tôi/ Đội nắng mưa cả khi ở trong nhà/ Củ khoai quả cà làm nên vóc dáng”, dẫu quê nay khác quê xưa nhưng “Quê hương/ Còn chút niềm đau”. Đây là bài thơ, Đinh Nho Tuấn đa dạng thi pháp, ngay cả phát triển mới đồng dao như “Còn thương còn giận còn cả bờ tre/ Còn non còn nước còn cả trưa hè”, dù tổng thể là thi pháp tự do để anh biểu đạt được không gian cảm xúc và gửi gắm tư tưởng.

Đinh Nho Tuấn có mảng thơ sinh thái khá thú vị. Anh không đứng ngoài những vấn đề lớn của thời đại; lắng lo và thức tỉnh trước nguy cơ đối với văn hóa sinh thái của nhân loại. Có thể kể ra các bài “Mẹ thiên nhiên”, “Tôi quên bây giờ đã vào xuân”, “Tôi cám ơn buổi sáng này trong lành”...

Sự phát triển nhanh và cuồng hoan tiêu dùng bất chấp văn hóa, tín ngưỡng của cuộc sống hiện đại đẩy loài người đến chỗ phải đối mặt với hai hiện trạng nghiêm trọng: một là vấn đề cắt đứt với văn hóa truyền thống trong “xung đột cổ kim”, hai là ý thức hạnh phúc giả tạo, vay mượn, chụp giật, bóc lột không gian tồn tại của chính mình....Suy cho cùng, con người đang “tấn công” và chính tương lai của con cháu họ. Sinh thái vật chất và sinh thái tinh thần đang bị phá vỡ. Mưa lũ miền Trung năm 2020, có nguyên nhân “nhân tai”. Covid-19 và các biến thể của nó phát sinh từ năm 2019 và kéo dài đến nay, phá vỡ hết tất cả các cấu trúc kinh tế và xã hội, do con người sinh ra. Hay nói cách khác, con người là thủ phạm nên tất yếu trở thành nạn nhân.

...

Theo tháng năm chưa bao giờ khép cửa

Mẹ nhân từ luôn dang rộng vòng tay

Vì con người cũng một loài cỏ dại

Xanh một đời, chết theo gió sẽ bay.

(Mẹ thiên nhiên)

Bài thơ này Đinh Nho Tuấn viết vào giữa tháng 4/2020, khi đợt Covid-19 thứ hai bùng phát ở Việt Nam. Đọc thơ Đinh Nho Tuấn thấy anh không chỉ biết lắng nghe mà còn thấu hiểu “mẹ thiên nhiên”. Chính vì thế, trái tim anh run lên đớn đau: “Tôi quên bây giờ đã vào Xuân/ Mẹ thiên nhiên đâu có ngày tận thế/ Nhưng với con người, tôi tin/ Không gì là không thể”, (Tôi quên bây giờ đã vào Xuân).

Mừng vì Đinh Nho Tuấn tiếp tục cho ra đời “những bài thơ ngổn ngang, bề bộn và dạt dào xúc cảm”, như đánh giá của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đinh Nho Tuấn là một nhà thơ giàu trắc ẩn, cảm xúc. Chính vì thế, thơ anh hồn hậu, dễ sang chấn cảm xúc cho người đọc, mang đến vẻ đẹp lương thiện cho những cảm xúc ấy./.

Ngô Đức Hành
Bạn đang đọc bài viết "Đinh Nho Tuấn, củ khoai quả cà làm nên vóc dáng" tại chuyên mục Văn nghệ sỹ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.