Đình làng Kĩa có diện tích 500m2, tọa lạc tại xóm Đồng Giang (HTX Mỹ Trung, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Đình nằm sát trục chính đường liên thôn, mặt quay về hướng Tây Nam, phía trước có hồ nước rộng. Đình được xây dựng vào thời Hậu Lê, khoảng thế kỷ 17 - 18 và được trùng tu vào thời Nguyễn, thế kỷ thứ 19. Nơi đây thờ tự và tri ân công đức của Đông Hải đại vương Đoàn Thượng (vị trung quân, ái quốc Triều Lý) và phối thờ hai vị Tây Hải Đại Vương, Bắc Nhạc Đại Vương (con Lạc Long Quân và Âu Cơ). Đây là những người đã có nhiều công lao khai hoang mở đất làng Kĩa từ một vùng ven biển hoang vu, đầm lầy thành một cộng đồng làng xã đông vui, no ấm như ngày nay.
Việc thờ phụng các vị thần tại Đình làng Kĩa không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà còn thể hiện rõ nét tín ngưỡng thờ thần của người dân Mỹ Trung. Sâu trong tiềm thức của những người dân làng, các vị thần được thờ tại di tích này luôn được tôn kính như những vị thánh, vị thành hoàng che chở, giúp đỡ, phù trợ cho họ về đời sống tinh thần và điểm tựa tâm linh. Chính với niềm tin ấy, các thế hệ người dân làng này từ bao đời nay vẫn luôn trân trọng và gìn giữ, bảo tồn các giá trị kiến trúc, hiện vật lịch sử và trao truyền nghi thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống của Đình làng Kĩa.
Đình làng Kĩa còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của nhiều thế hệ người dân làng nơi đây và chứng tích nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược. Đình làng Kĩa từng là địa điểm để cử tri trong xã tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây cũng là nơi tổ chức các lớp “bình dân học vụ” để xóa nạn mù chữ cho người dân trong làng. Đình cũng từng là cơ sở hoạt động cách mạng của dân quân du kích địa phương, bí mật bàn kế hoạch chống địch càn quét khủng bố và là nơi đưa tiễn bao thế hệ con em của làng Kĩa lên đường tòng quân đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời bình, Đình làng Kĩa là nơi tổ chức họp xóm, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Đình cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của dân làng vào các ngày lễ, ngày Tết.
Đình làng Kĩa có kiến trúc nghệ thuật độc đáo và hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật lịch sử có giá trị như: 3 pho tượng thờ chất liệu bằng gỗ; các cánh cửa chạm nổi, chạm bong tạo hình theo đề tài rồng chầu; các câu đối và cỗ ngai bằng gỗ; mũ thờ bằng đồng được chạm khắc tỉ mỉ với nhiều họa tiết rồng, hổ phù, vân mây rất tinh tế, có niên đại thời Nguyễn, thế kỷ 19...
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Đình đã bị xuống cấp và nhiều lần được chính quyền và nhân dân trong làng nhiều thế hệ chung tay đầu tư công sức, tiền của để trùng tu tôn tạo từng phần. Đặc biệt, mới đây nhất, hưởng ứng lời kêu gọi của các cụ cao niên trong Ban Kiến thiết Đình làng, con em trong làng và những người con ở xa quê hương đã phát tâm công đức đóng góp tiền của và hiện vật với tổng trị giá khoảng 350 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo và mua sắm thêm các hiện vật để phục vụ cho việc thờ phụng được trang nghiêm và thanh tịnh.
Căn cứ vào những giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hóa của Đình làng Kĩa, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định công nhận Đình làng Kĩa là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và tiến hành trao Bằng xếp hạng di tích này cho đại diện chính quyền xã Thành Lợi và người dân Mỹ Trung vào dịp kị thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng tại Đình làng Kĩa năm nay (ngày 11/4/2023 Âm lịch). Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời nhắc nhở, đề cao trách nhiệm của các thế hệ người dân làng Mỹ Trung hôm nay đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của ông cha đã để lại.
Trước đó, Ban Tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Đình làng Kĩa đã phát động và nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở địa phương và những người con ở xa quê hương trong việc ủng hộ và tổ chức các hoạt động của buổi lễ cũng như tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ và các trò chơi dân gian, như: múa lân, đấu vật, bịt mắt bắt vịt, thi đi cầu kiều,... Tất cả đều tham gia với tinh thần tự nguyện, đoàn kết, vui tươi và tạo được khí thế phấn khởi trong toàn thôn, xóm. Qua đó, góp phần gắn kết cộng đồng cùng hướng về ngày hội của quê hương và gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng xóm.
Tại di tích Đình làng Kĩa hằng năm vẫn thường diễn ra nhiều kỳ lễ và sinh hoạt văn hóa nhằm tôn vinh, ghi nhớ công lao của các vị thánh, vị thần, trong đó nổi bật là kỳ lễ ngày 10 - 11/4 (Âm lịch) tưởng niệm ngày mất của Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng. Ngoài ra, vào các ngày Sóc (mồng 1), ngày Vọng (ngày 15) hằng tháng, Ban Khánh tiết của Đình đều mở cửa để nhân dân địa phương dâng hương, dâng lễ tưởng nhớ công ơn của các vị thánh, thần và cầu mong mọi sự tốt lành cho gia đình, người thân và làng xóm.
Với việc chính thức được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, Đình làng Kĩa hứa hẹn sẽ còn được đông đảo du khách thập phương biết đến như một địa chỉ văn hóa tâm linh, đáp ứng nhu cầu tham quan và tín ngưỡng của họ khi về với vùng đất Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong thời gian tới.