Theo chính sử và truyền thuyết dân gian tại địa phương kể rằng, Đoàn Thượng sinh năm 1184, quê ở phủ Thượng Hồng, Hải Dương (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Ông là người thông minh, tài giỏi, am tường văn chương, võ nghệ và đỗ đầu khoa thi võ năm 23 tuổi, được vua Lý Cao Tông phong cho giữ chức Đô đốc trấn Hải Dương.
Trong thời gian làm quan, ông từng nhiều lần được Vua tin tưởng giao cầm quân đánh giặc và giành được thắng lợi vẻ vang, được Triều đình ban thưởng và phong cho thêm chức tước. Một trong những lần tiêu biểu đó là dịp ông đích thân chỉ đạo 5 vạn quân theo lệnh Vua đi dẹp loạn và thắng trận trở về, ông được Vua phong là Kiến Nghĩa hầu và trấn giữ đạo Sơn Nam (vùng đất phía Nam Thăng Long, bao gồm có Nam Định ngày nay).
Kể từ đó, những lúc nhàn rỗi, ông thường đi vãng cảnh phong thuỷ, xem xét hình thế đất đai. Một hôm, đi ngang qua xã Đồng Chi (Đồng Kĩ) tức làng Kĩa, thôn Mỹ Trung, tổng Thi Liệu (nay thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản), ông thấy trong làng có mảnh đất hình thế đẹp, cảnh trí phong quang nên đã dừng chân nghỉ lại rồi truyền cho binh sĩ cùng dân làng tạo dựng hành cung ngay trên mảnh đất này.
Trong thời gian lưu lại tại đây, ông có công vận động dân làng chung sức trị thủy, chăm lo cày cấy, chăn nuôi trên vùng nước phù sa và khuyến khích phát triển nông nghiệp. Nhờ đó, cuộc sống của người dân nơi đây ngày một ấm no, hạnh phúc.
Năm 1225, Trần Thái Tông lên ngôi vua, mở đầu cho Vương triều Trần, một số trung thần nghĩa sĩ nhất loạt từ quan, trong đó có tướng quân Đoàn Thượng. Để thể hiện lòng trung với triều nhà Lý, ông đã chạy về xứ Hồng Châu chiêu tập binh mã, thành lập quân đội, xây thành ở Yên Nhân (nay thuộc khu vực thị trấn Bần, Hưng Yên), quay về hướng Đông xưng hiệu là Đông Hải đại vương nhằm chống lại nhà Trần, khôi phục lại Vương triều Lý. Cùng với Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn với danh nghĩa khôi phục nhà Lý cũng đứng lên trấn giữ vùng Kinh Bắc (nay thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang).
Trong bối cảnh vận nước mới mở, lòng dân chưa phục, lại phải đương đầu với nhiều thế lực thù địch, vua tôi nhà Trần nhận thấy khó có thể chế ngự được nên đã bàn với Thái sư Trần Thủ Độ lập kế phong vương cho Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng. Tuy nhiên, Đoàn Thượng một lòng thờ nhà Lý nên nhất quyết không chấp thuận.
Năm 1228, sau khi thao túng nhà Lý và mua chuộc được Nguyễn Nộn, Trần Thủ Độ ngầm giao ước cùng Nguyễn Nộn hẹn gặp Đoàn Thượng ở xứ Đồng Giao (thuộc tỉnh Hưng Yên) để làm lễ ăn thề kết nghĩa anh em. Đoàn Thượng sơ suất cả tin nên đã đến đây, mắc phải mưu và bị giết chết.
Tương truyền, sau khi mất, ông thường linh thiêng hiển ứng nên được nhiều đời vua Nhà Trần, Nhà Lê, Nhà Nguyễn sắc phong là Đông Hải Đại Vương Thượng đẳng thần. Tưởng nhớ công ơn của ông, nhiều nơi trong cả nước đã lập đền thờ, trong đó có người dân làng Đồng Kĩ (nay là thôn Mỹ Trung, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Việc thờ tự Đông Hải đại vương Đoàn Thượng tại Đình làng Kĩa không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với một vị dũng tướng có lòng trung quân, ái quốc mà còn có ý nghĩa tưởng nhớ công lao của ông khi về mảnh đất này lập hành cung và có công giúp dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Bên cạnh việc thờ tự chính Đông Hải đại vương Đoàn Thượng, tại di tích Đình làng Kĩa còn phối thờ hai vị thần: Tây Hải đại vương và Bắc Nhạc đại vương (con của Lạc Long Quân và Âu Cơ) - những người đã có nhiều công lao trong công cuộc chiêu dân từ các vùng miền về khai phá vùng đất Kĩa thời còn hoang vu, lập thành trang ấp, quai đê, lấn biển, đắp đập khơi ngòi, khai phá đầm lầy bãi hoang thành đồng ruộng và dạy dân đánh cá, trồng lúa. Nhờ vậy mà cuộc sống người dân nơi đây ngày càng ấm no, làng xã ngày thêm đông vui, phồn thịnh. Để ghi nhớ công đức của hai vị thần đã bảo trợ nhân dân trong công cuộc khai khẩn đất đai thành lập làng xã, nhân dân làng Kĩa xưa đã lập ngôi đình phối thờ hai vị thần này để tỏ lòng thành kính.
Việc phối thờ các vị thần tại Đình làng Kĩa thể hiện rõ nét tín ngưỡng thờ thần của người Việt. Đây là nhu cầu tâm linh không thể thiếu đối với người dân nơi đây. Họ tin rằng với sức mạnh và sự thiêng liêng cao cả của các vị thần phù hộ đã che chở cho họ trong cuộc sống đời thường. Nhiều người dân trong làng vẫn thường nhận định, từ sâu trong tiềm thức của người dân làng Kĩa khi xưa và người dân làng Mỹ Trung hiện nay, các vị thần được thờ tại di tích Đình làng Kĩa luôn được tôn kính như những vị thánh, vị thành hoàng bảo hộ cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của họ.
Hàng năm, theo truyền thống, người dân Mỹ Trung, xã Thành Lợi vẫn thường xuyên tổ chức nhiều kỳ lễ và sinh hoạt văn hóa tại di tích Đình làng Kĩa nhằm tôn vinh, ghi nhớ công lao của các vị thần. Trong đó, nổi bật hơn cả là kỳ lễ ngày 10 - 11/4 (Âm lịch) tưởng niệm ngày mất của Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng. Ngoài ra, vào các ngày Sóc (mồng 1), ngày Vọng (ngày 15) hằng tháng, Ban Khánh tiết của Đình đều mở cửa để nhân dân địa phương và khách thập phương dâng hương, dâng lễ.