Di tích lịch sử cách mạng đình Đỉnh Lự: Biểu tượng truyền thống cách mạng của nhân dân huyện Lộc Hà

23/05/2023 11:11

Theo dõi trên

Đình Đỉnh Lự là một di tích lịch sử cách mạng, trước thuộc làng Đỉnh Lự tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đầu thế kỷ XVI những nho sĩ và nhân dân trong làng đã quyên tiền của công sức xây dựng đình làng thờ Nguyễn Xí, một danh tướng của Lê Lợi. Đây là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Hà Tĩnh.

1-1684813419.jpg
Di tích lịch sử đình Đỉnh Lự trước đây. Ảnh: Tư liệu

Ban đầu, đình được xây dựng với quy mô nhỏ, sau đó phát triển với một hậu cung, năm gian nhà ngói và các công trình phụ. Đình trở thành nơi sinh hoạt hội hè của nhân dân trong làng và các vùng lân cận.

Năm 1930, làng Đỉnh Lự có một đội ngũ trí thức khá đông, trong đó một số tham gia tổ chức yêu nước Tân Việt như Hoàng Khoái Lạc, Phạm Thiều, Nguyễn Hán, Nguyễn Viên, Nguyễn Đình, Nguyễn Biểu, Nguyễn Ái, Nguyễn Thản… sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời 03/02/1930, một nhóm thanh niên Tân Việt đã bí mật nhóm họp ở đình làng tuyên bố ly khai Tân Việt thành lập Chi bộ Cộng sản gồm 5 đồng chí: Hoàng Khoái Lạc, Hoàng Liên, Mai Cát, Nguyễn Cứ và Hoàng Kỳ do đồng chí Lạc làm Bí thư. Đó là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng hạ Can Lộc. Tại đình Đỉnh Lự chi bộ đã nhiều lần hội họp và ra Nghị quyết lãnh đạo quần chúng đấu tranh trong thời gian chính quyền Xô Viết địa phương tồn tại. Đồng chí Nguyễn Trung Thiên, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã từng về đây dự họp với chi bộ. 

5-1684813419.jpg
Nhà vọng nằm trong khuôn viên di tích. Ảnh: PV

Sáng ngày 20 tháng 5 năm Canh Ngọ (1930) hơn 100 nông dân kéo về đình làng, 3 đại biểu nông dân là Mai Thuật, Nguyễn Kỳ, Lưu Ngung tiến vào đình nêu yêu sách chia lại công điền cho nông dân. Sau 3 giờ Lý trưởng Nguyễn Trực buộc phải ký nhận và sai Mai Ký mang sổ sách điền bạ ra trả lại cho dân 36 mẫu ruộng. Trước khí thế của quần chúng bọn chúng còn phải nộp tiền và trao quyền hành chính trong làng cho nông dân. Chính quyền phong kiến ở làng Đỉnh Lự hoàn toàn tan rã. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chính quyền Xô Viết được thành lập, đình làng trở thành trụ sở làm việc. Tháng 8 năm Canh Ngọ dưới sự lãnh đạo của Tổng ủy, trên 1.000 quần chúng của các xã trong tổng Phù Lưu đã tập trung tại đình Đỉnh Lự dự lễ tang đồng chí Hồ Ngọc Tàng, cán bộ Xứ ủy Trung kỳ bị địch bắn chết. Đám tang trở thành cuộc biểu dương lực lượng quần chúng trong tổng. Trong những năm Xô Viết tồn tại, đình Đỉnh Lự là nơi mít tinh quần chúng trước khi lên huyện đường đấu tranh biểu tình.

Đình Đỉnh Lự là di tích lịch sử cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh gồm nhiều hạng mục công trình. Ngày xưa nơi đây có nhiều cây cối rậm rạp che kín, lại có tiếng là vùng đất linh thiêng nên chỉ có ngày lễ là đông người, ngày thường trở nên u tịch càng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc họp bí mật. Hồ bán nguyệt trước đình dài 18m, trồng sen tươi tốt. Giếng nước phía Tây đình trong vắt đã bị lấp cạn chỉ còn dấu vết. Tượng voi phục trước cửa ra vào cao khoảng 1,5m, cửa tam quan có mái che, tắc môn… Ba cây đa cổ thụ từng treo cờ Đảng trong những ngày Xô Viết sôi động hào hùng đã bị chặt.

3-1684814185.jpg
Ban Tuyên giáo huyện Lộc Hà và lớp sơ cấp lý luận Chính trị tổ chức đi thực tế dâng hương tại đình Đỉnh Lự. Ảnh: P.V
4-1684813419.jpg
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo huyện Lộc Hà thành kính dâng hương tại đình. Ảnh: P.V 

Ngôi đình chính gồm 5 gian lợp ngói vảy, mái chồng diêm, kiến trúc theo kiểu tứ trụ. Tượng quan văn, võ đặt trên bệ đá cạnh hai nhà vọng. Thượng điện gồm một gian, cao 5m có 4 cột gỗ, mái uốn vòm, lợp ngói vảy, ngoài có 4 trụ xây bằng gạch, có hình trang trí rồng phượng mềm mại hiền hòa. Nội thất bên trong có bàn thờ và đồ tế lễ.

Hàng năm đến ngày khai hạ hay ngày lễ kỳ phúc (20/5 âm lịch) dân làng đến đình tế lễ. Trong dịp tết Nguyên Đán trẻ già trai gái trong làng tới đình dự hội vật, chơi cờ, đánh đu và các hoạt động văn hóa khác.

6-1684813419.jpg
Lớp sơ cấp lý luận Chính trị chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: P.V

Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, đình Đỉnh Lự đã trở thành biểu tượng của truyền thống cách mạng oanh liệt, là niềm tự hào to lớn của nhân dân huyện Lộc Hà. Với những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa đó, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có Quyết định số 1288/VH-QĐ xếp hạng đình Đỉnh Lự là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Viết Hải
Bạn đang đọc bài viết "Di tích lịch sử cách mạng đình Đỉnh Lự: Biểu tượng truyền thống cách mạng của nhân dân huyện Lộc Hà" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.