Di sản văn hóa đang đứng trước những thử thách khốc liệt

08/10/2014 16:12

Theo dõi trên

Hội thảo - Tập huấn ngành Di sản văn hóa 2014 đã chính thức bắt đầu tại HN từ ngày 7.10. Bên cạnh những thử thách khốc liệt của công cuộc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, công tác xét tặng danh hiệu nghệ nhân cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt.

VN thuộc tốp đầu ASEAN về di sản văn hóa được UNESCO vinh danh

Theo báo cáo của Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL, hiện cả nước có gần 4 vạn đối tượng có tiêu chí là di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 48 di tích quốc gia đặc biệt, 3.211 di tích quốc gia, 7.484 di tích cấp tỉnh, thành phố... Đó là một thành quả đáng ghi nhận trong công tác xếp hạng của ngành Di sản văn hóa trong nhiều năm qua. Việc vinh danh các di sản văn hóa các cấp ít nhiều đã đem đến cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích những bước chuyển biến tích cực. Ý thức bảo vệ di sản văn hóa của cộng đồng xã hội ngày càng được nâng cao, hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cũng được các cấp quan tâm, đầu tư và ngày càng có nhiều di tích được tu bổ, xây mới từ nguồn vốn xã hội hóa...

Đặc biệt, trên bình diện quốc tế, với tổng số 20 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 8 di sản văn hóa phi vật thể và 4 di sản tư liệu... VN đã đứng trong tốp đầu ASEAN về các di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh. Đó là niềm tự hào nhưng cũng đặt ra cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở nước ta nhiều trách nhiệm to lớn. TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhìn nhận: “Di sản văn hóa đang đứng trước những thử thách khốc liệt của cơ chế thị trường. Vấn đề đặt ra là cần xử lý hài hòa, thỏa đáng những mối quan hệ phức tạp trong quá trình hội nhập và phát triển. Đó là những mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, phát triển và bảo tồn, truyền thống và hiện đại, quốc gia và quốc tế...”.

Bên cạnh những ảnh hưởng khách quan như sự thay đổi không gian, cảnh quan môi trường..., di sản văn hóa đang đối mặt với nhiều tác động tiêu cực ít nhiều mang tính chủ quan từ con người. Đơn cử như nhiều di tích vẫn bị xâm hại hoặc công tác tu bổ, phục hồi, bảo quản vẫn còn xảy ra nhiều sai sót dù hệ thống văn bản pháp luật và văn bản quy phạm dưới luật về di sản văn hóa hiện nay là tương đối đầy đủ. Nhiều khu đô thị, công nghiệp phát triển nhanh chưa lưu ý đúng mức đến sự tồn tại bền vững của các di sản văn hóa, công tác kiểm kê, khảo sát lấy tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể vẫn chưa được nhìn nhận đúng mực với nhiều dự án kinh tế xã hội có quy mô lớn...

Còn nhiều vướng mắc trong công tác xét tặng danh hiệu nghệ nhân

Th.S Nguyễn Hữu Toàn, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: “Mạng lưới bảo tàng ở VN hiện có 145 bảo tàng, lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu, hiện vật là các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia quý hiếm... Hiện Bảo tàng đã thực hiện tốt chức năng giáo dục khoa học, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện những nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, cung cấp những tri thức khoa học, góp phần nâng cao dân trí”. Dù vậy, nhiều bảo tàng hiện nay còn trùng lặp về nội dung trưng bày, vẫn còn có những bảo tàng chưa có kịch bản trưng bày hợp lý hay chưa có thuyết minh hấp dẫn cho các hiện vật, tài liệu... Mối quan hệ giữa bảo tàng và phát triển du lịch vẫn còn nhiều bất cập cần phải khắc phục...

Trong ngày đầu tiên diễn ra Hội thảo - Tập huấn, công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” (NNND), “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là một trong những vấn đề được đông đảo đại biểu quan tâm. Kể cũng phải, bởi Nghị định số 62/2014/NĐ - CP Quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7.8.2014 và công tác lập hồ sơ xét tặng hiện đang được triển khai ở nhiều địa phương. GS.TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa khẳng định: “Trong công tác lập hồ sơ cho các nghệ nhân cũng như trong các Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân các cấp cần có sự tham gia, đóng vai trò quan trọng của các chuyên gia. Việc khen chê, đánh giá tài năng... trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể rất phức tạp nên ý kiến, nhận định, thẩm định của các chuyên gia sẽ mang lại nhiều tham vấn trọng lượng”.

Hiện công tác xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT đã và đang được triển khai, thực hiện ở nhiều địa phương và theo phản ánh thì hiện có không ít vướng mắc trong việc triển khai công tác này. Đơn cử như việc xác định đối tượng xét tặng, nhiều địa phương vẫn còn có những lúng túng nhất định với những trường hợp nhà nghiên cứu, nghệ nhân tuy không thực sự xuất sắc trong trình diễn nhưng lại nắm giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể hay sưu tầm được nhiều thể cách, bài bản có giá trị cao. Đã vậy, nhiều nghệ nhân cũng chưa có hoặc không còn lưu giữ được những băng hình, video... rất khó khăn trong việc lập hồ sơ xét tặng. Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: “Trước những khúc mắc trong công tác xét tặng danh hiệu nghệ nhân, ngày 12.8.2014, Cục Di sản văn hóa đã có công văn số 2694 gửi các địa phương, trong đó có những hướng dẫn rất cụ thể để có thể triển khai công tác này một các tốt nhất cho các nghệ nhân”. Hội thảo - Tập huấn ngành Di sản văn hóa 2014 tiếp tục được tổ chức trong hai ngày 8 - 9.10.

Theo Báo Văn hoá
Bạn đang đọc bài viết "Di sản văn hóa đang đứng trước những thử thách khốc liệt" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.